Bên cạnh món vịt luộc, cháo vịt hay gỏi vịt đã quá quen thuộc thì chúng ta hoàn toàn có thể chế biến ra các món vịt khác thơm ngon không kém ngoài hàng. 

Cùng xem 5 công thức chế biến món vịt cực hấp dẫn mà chúng ta không thể bỏ qua trong dịp này nhé!

Vịt om bia

Nguyên liệu: 1 nửa con vịt, 1 củ khoai tây, 5 tép tỏi, 5 lát gừng, vài mảnh quế, 2 hoa hồi, 15ml dấm gạo, 15ml nước tương, vài tai nấm hương, vài cây hành lá, 1 lon bia, một chút muối, đường

Cách làm vịt om bia

- Vịt rửa sạch chặt miếng vừa ăn. Tỏi đập dập, nấm hương ngâm nở, khoai tây gọt vỏ thái miếng vừa ăn.

- Đun nóng một ít dầu ăn trong chảo, cho gừng, gốc hành, tỏi, hoa hồi và quế vào đảo đều cho thơm.

- Đổ thịt thịt vịt vào đảo đều sau đó thêm nước tương, giấm, muối và chút đường vào đảo chung.

- Đổ bia vào nồi vịt đậy nắp đun sôi trong 15 phút sau đó thêm khoai tây và nấm hương vào đun thêm khoảng 10 phút nữa cho sau đó mở nắp nồi và đun cho đến khi nước cạn bớt và sánh lại là được.

Tháng cô hồn, học ngay cách làm các món vịt vừa ngon lại vừa giúp giải xui cực tốt các chị em ơi - Ảnh 2.

Bia không những khử được mùi tanh của thịt vịt mà còn làm cho thịt được mềm và thơm hơn.


Vịt quay da giòn

Nguyên liệu: 1 con vịt, 1 thìa dầu ăn, 1 củ gừng, 1 củ tỏi, 1 thìa đường, 1/2 chén rượu trắng, 750ml nước, 1 thìa mật ong, 2 thìa nước tương, 3 thìa giấm gạo, hoa hồi, tỏi, lá nguyệt quế, tiêu hạt, vỏ cam.

Cách làm vịt quay da giòn

- Vịt đã được làm sạch, bỏ phần đầu cho vào chảo lớn, để lửa vừa. Khi chảo bắt đầu nóng lên thì rưới 1 thìa dầu ăn vào đều khắp thân vịt. Khi vịt bắt đầu xém vàng thì vớt vịt ra.

- Cho tỏi và gừng thái lát vào nồi cùng với khoảng 1 thìa dầu ăn. Đến khi chuyển vàng và dậy mùi thơm thì cho đường vào.

- Tiếp đến cho rượu trắng, nước tương, giấm gạo, tỏi, hoa hồi, lá nguyệt quế, tiêu, vỏ cam và nước vào. Khi nước sôi thì hạ thật nhỏ lửa rồi cho vịt vào.

- Hạ nhỏ lửa, đun liu riu trong khoảng 50 - 60 phút và cứ 15 phút thì lại trở vịt một lần để gia vị được ngấm đều.

- Cẩn thận lấy vịt ra và đặt lên khay nướng. Dùng chổi phết hỗn hợp mật ong và 1 thìa nước sôi để nguội lên đều thân vịt. Cho vịt vào lò quay ở 220 độ C trong 12 - 15 phút hay khi phần vỏ bắt đầu săn lại. Cuối cùng lấy vịt ra khỏi lò, để nguội khoảng 5 - 10 phút là có thể thưởng thức.

Tháng cô hồn, học ngay cách làm các món vịt vừa ngon lại vừa giúp giải xui cực tốt các chị em ơi - Ảnh 5.

Với cách làm vịt quay này, bạn vừa giữ được phần thịt mềm ngọt mà phần da vẫn cực kì giòn ngon, đậm vị cực hấp dẫn.


Vịt trộn chua ngọt

Nguyên liệu: 1 chiếc đùi vịt luộc, 1 quả dưa chuột, 3 quả ớt hiểm, một ít rau mùi, vài tép tỏi, 30ml nước tương, 8ml giấm, 15ml dầu ớt, 5ml dầu mè, một ít muối, đường, bột nêm vị gà.

Cách làm vịt trộn chua ngọt

- Thịt vịt xé sợi. Dưa chuột rửa sạch thái sợi.

- Tỏi băm nhỏ, ớt thái sợi, rau mùi thái nhỏ. Cho nước tương vào bát, thêm giấm, dầu ớt, dầu mè, muối, đường, bột nêm vị gà vào trộn đều.

- Cho dưa chuột, thịt vịt, rau mùi, ớt, tỏi vào bát. Thêm gia vị đã pha vào trộn đều là xong.

Tháng cô hồn, học ngay cách làm các món vịt vừa ngon lại vừa giúp giải xui cực tốt các chị em ơi - Ảnh 8.

Thịt vịt mềm ngon, dưa chuột giòn giòn lại thấm đều gia vị trộn chua cay mặn ngọt rất lạ miệng.


 Vịt bóp thấu

Nguyên liệu: 1/2 con vịt, 1 nhánh gừng, 1/2 củ cà rốt, 1/2 củ hành tây, 1 quả chuối chát, 1 quả khế, 100g lạc nhân rang, 3 cây sả, mùi tàu, ớt, tỏi, chanh, tiêu xay, nước mắm, bột ngọt.

Cách làm vịt bóp thấu

- Vịt rửa sạch bằng muối và gừng giã nát. Đem vịt luộc chín cùng với vài lát gừng và 1/2 thìa bột canh. Vịt chín vớt ra thả vào âu nước lọc có đá, sau đó vớt ra để thật ráo rồi dùng dao lọc thịt ra khỏi xương và thái mỏng.

- Chuối gọt vỏ rồi xắt lát nhỏ dài ngâm vào nước muối loãng. Khế rửa sạch, thái khoanh và cũng ngâm trong nước muối loãng. Riêng hành tây cho lên ngăn đá 15 - 20 phút cho bớt hăng và giòn.

- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, bào sợi. Tỏi băm nhỏ, mùi tàu thái nhỏ, lạc rang bỏ vỏ giã dập, gừng bỏ vỏ thái sợi, sả bào mỏng.

- Cho thịt vịt đã được thái mỏng vào âu nhỏ, cho tiếp 1/3 thìa tiêu xay, 1/2 thìa bột canh, 1 thìa sả băm nhuyễn, 1/2 thìa bột ngọt vào ướp 7-10 phút.

- Pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt theo khẩu vị của bạn, sau đó cho thêm tiêu xay. Cho chuối chát, khế chua, cà rốt, hành tây, sả bào sợi, gừng vào âu rồi rưới nước mắm chua ngọt đã pha vào trộn. Cho tiếp thịt vịt vào trộn đều. Thêm mùi tàu thái nhỏ. Để thêm 5 phút cho thấm, sau đó xúc ra đĩa rắc lạc rang, hành phi lên trên.

Tháng cô hồn, học ngay cách làm các món vịt ngon lại giúp giải xui cực tốt các chị em ơi - Ảnh 4.

Món gỏi có thịt vịt mềm thơm, hòa quyện với các gia vị sả ớt, chuối xanh và khế chua, dùng làm món nhậu lai rai hay món ăn cơm đều ngon.


Vịt kho gừng

Nguyên liệu: 500g thịt vịt, 130g gừng, 5ml dầu ăn, 10g nước tương, 75g rượu gạo, 500ml nước lọc, 12g đường.

Cách làm vịt kho gừng

- Gừng gọt vỏ thái lát. Thịt vịt rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Cho thịt vịt vào nồi nước đun sôi rồi rửa sạch lại thịt.

- Cho ít dầu ăn vào chảo, đổ gừng vào xào qua cho thơm. Đổ thịt vịt vào, thêm nước tương, đảo đều.

- Thêm rượu nấu ăn, đường và nước lọc vào đun sôi, hạ nhỏ lửa kho cho đến khi thịt vịt chín và nước cạn bớt là được.

Tháng cô hồn, học ngay cách làm các món vịt vừa ngon lại vừa giúp giải xui cực tốt các chị em ơi - Ảnh 14.

Thịt vịt kho gừng với cách chế biến đơn giản, thịt vịt béo ngọt kèm theo vị thơm của gừng sẽ tốn cơm phải biết.


Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y, thịt vịt vị ngọt, mặn, tính bình, đi vào tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Thịt vịt được sử dụng cho các trường hợp suy nhược gầy sút, ăn kém, chán ăn, kiết lỵ, táo bón, phù nề, đới hạ, khí hư, đái tháo đường, sản phụ thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng, lòng bàn tay bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, da tóc khô, miệng họng khô, khát nước.

"Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư, ngay cả trong quá trình hóa trị, xạ trị", lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm. Vị lương y này đặc biệt nhấn mạnh, ăn thịt vịt rất hữu ích cho người suy nhược thể chất, mắc chứng chán ăn, bị sốt, phù nề cơ thể, người có thể chất yếu nhất là sau khi khỏi bệnh, bị đổ mồ hôi ban đêm, phụ nữ ít kinh nguyệt, sản phụ thiếu sữa…