Gian nan tìm con chữ

Trong số gần 17.400 ngàn thí sinh Hà Tĩnh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022, em Phạm Phương Thảo (lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân) không phải trường hợp đặc biệt nhất, nhưng lại khiến nhiều người ấn tượng bởi nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Thảo là con gái út, sinh ra trong gia đình có 3 chị em ở thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Khi vừa sinh được 8 tháng tuổi, bố em đột ngột qua đời, một mình mẹ nuôi 3 chị em lớn lên bằng vài ba sào ruộng. Tưởng chừng nỗi đau chỉ dừng lại đó, nhưng lên đến 4 tuổi, Thảo bị mọc u ở lưỡi, chân teo, máu chảy không cầm, cô bé khóc không ngừng.

Nghị lực của nữ sinh đi viện nhiều hơn ở nhà, quyết tâm theo đuổi ước mơ vào Đại học - Ảnh 1.

Em Thảo cùng mẹ kể về quá trình vượt lên bệnh tật theo đuổi học tập.

Những tiếng la hét trong đêm khiến lòng ngực bà Lê Thị Toàn (mẹ Thảo) như bị bóp nghẹn. Bao nhiêu tài sản trong nhà lần lượt phải bán đi để đưa Thảo đến bệnh viện. Từ bệnh viện huyện, tỉnh, rồi ra Hà Nội, nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. “Không biết con bị bệnh gì, chỉ thấy máu chảy không ngừng, cả cái gối ở bệnh viện cũng ướt đẫm”, bà Toàn nhớ lại.

Nằm ở bệnh viện tuyến Trung ương được khoảng 1 tháng, bác sĩ thông báo em Thảo bị bệnh máu khó đông. Cũng từ ngày đó, việc ăn uống, sinh hoạt, học tập của Thảo được bà Toàn quan sát từng chút, bởi người mẹ biết, nếu con gái xảy ra sự cố gây chảy máu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Nghị lực của nữ sinh đi viện nhiều hơn ở nhà, quyết tâm theo đuổi ước mơ vào Đại học - Ảnh 2.

Một góc học tập của em Thảo.

Những năm cấp 1 đến cấp 2, Thảo được mẹ, chị gái và anh trai thay nhau đưa đón đến trường hàng ngày. Vì bị bệnh máu khó đông nên việc học tập của Thảo không được như người thường, chu kỳ mỗi tháng sẽ ra bệnh viện kiểm tra một lần, có những đợt phải ở viện cả tháng trời để điều trị. Chỉ cần xây xước nhẹ gây chảy máu là em phải đến bệnh viện ngay lập tức dù ngày hay đêm. Biết bệnh tình của mình, để đảm bảo việc học, những lúc đến bệnh viện Thảo mang sách, vở đến đó để tự học.

Cô gái chia sẻ: “Em may mắn khi được cô giáo, các bạn hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình nên việc học không bị gián đoạn”.

Đi tìm ước mơ cho mình

18 năm, trải qua bao nhiêu lần mổ, truyền máu, cũng không ít lần rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”, để lại trên cơ thể Thảo những vết sẹo hằn sâu. Thảo biết bệnh này sẽ theo mình đến hết cuộc đời, vì thế em luôn cố gắng học để thoát khỏi hoàn cảnh của chính mình.

Góc học tập nơi mở ra nhiều ước mơ của Thảo là những tập sách cũ kỹ và tấm giấy khen được treo trang trọng ở góc tường. Thảo tâm sự: “Em nỗ lực học để sau này có một công việc ổn định giúp đỡ mẹ, anh và chị. Những lúc chán nản, em lại được mẹ, anh và chị động viên, đó là động lực lớn nhất để em cố gắng trong học tập”.

Nghị lực của nữ sinh đi viện nhiều hơn ở nhà, quyết tâm theo đuổi ước mơ vào Đại học - Ảnh 3.

Mẹ Toàn tự hào khi Thảo luôn cố gắng vươn lên trong học tập.

12 năm đèn sách, Thảo luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, dù có những thời điểm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà nhưng không vì thế mà ngăn ước mơ theo đuổi con chữ đối với cô gái bé nhỏ.

Vì không làm được việc nặng nên Thảo chỉ hỗ trợ mẹ làm việc nhà, còn công việc đồng áng mình mẹ lo. Điều khiến Thảo tiếc nuối và buồn nhất là khi chị gái và anh trai đậu đại học nhưng không thể theo đuổi ước mơ.

“Anh và chị không học đại học để đi kiếm tiền cho em đi học và chữa bệnh. Nếu như gia đình em có điều kiện thì cả anh và chị đều được theo đuổi ước mơ của mình. Giờ vào được đại học không chỉ là ước mơ của em mà đó là cả hy vọng của gia đình”, Thảo tâm sự. Tiết lộ ngành học yêu thích, em nói sẽ đăng ký vào chuyên Ngành Luật Kinh tế - Học viện Chính Sách và Phát triển.