Gần 1 tháng sau ngày xuất viện, Lê Thị Hà Vi khỏe khoắn hơn dù luôn kè kè đôi nạng gỗ. Hà Vi đã đi học trở lại tiếp tục chương trình học lớp 10 còn dang dở. Một cuộc sống mới dần đến với Hà Vi.

Không muốn bạn bè nghĩ bị tàn tật

Trước sự cố bị cưa chân, cô gái học tại trường THPT Y Jut (H.Cư Kuin, Đắk Lắk) nhưng hiện tại đã chuyển sang trường THPT nội trú Đông Du (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

nusinhcuachan5
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi.

 “Trường cũ cách nhà xa, cả đi và về gần 20 km nên không tiện đưa đón em gái đi. Ở trường mới, Vi học nội trú, việc ăn học diễn ra ngay tại trường, cuối tuần có xe đưa đón về nên tiện hơn nhiều. Hơn nữa mình cũng đang học cao đẳng ở gần trường mới của Vi nên tiện chăm sóc em gái hơn”, Lê Thị Thùy Trang (chị gái của Vi) cho biết.

nusinhcuachan3
Hà Vi đã đi học trở lại ở mái trường mới.

Tại trường nội trú, từ ngày đầu nhập học Vi luôn dành được sự quan tâm của bạn bè trong trường. Bạn cùng lớp, cùng phòng kí túc xá đều nhiệt tình giúp đỡ cô gái 16 tuổi sớm hòa nhập cuộc sống mới. “Tinh thần em giờ ổn định, chỉ muốn tập trung hoàn toàn vào việc học. Hơn nửa tháng ở nội trú, bạn bè đều thân thiện, giúp em nhanh chóng hòa đồng với môi trường mới”, Hà Vi chia sẻ.

nusinhcuachan2
Hà Vi sớm hòa nhập với môi trường mới.

Cô gái kể, lúc mới nhập trường các bạn ân cần đẩy xe lăn đưa Vi đi học, ăn uống… Tuy nhiên, phần vì ngại lại không muốn bị hiểu lầm là tàn tật nên Vi nhất quyết chọn đi nạng dù sẽ khó khăn và đau chân hơn ngồi xe lăn.

Hà Vi giải thích: “Mấy bạn thấy thương nên giúp em đẩy xe lăn. Nhưng em có thể tự làm được các chuyện cá nhân, tự đi nạng gỗ được nên không muốn mất công mấy bạn. Hơn nữa đi nạng còn để tập vận động tay chân nữa. Em muốn sớm được đeo chân giả để dễ đang đi lại hơn”.

nusinhcuachan4
Thay vì nhờ bạn bè đẩy xe lăn, Hà Vi tự đi bằng nạng.

Hiện chiếc chân giả vẫn được để ở nhà. Mỗi dịp cuối tuần, Vi được xe của nhà trường đưa về tận nhà, lúc ấy mới có thể tập luyện được. “Tuy nhiên, do chân vẫn còn đau nên mỗi ngày em gái cũng chỉ tập đứng và đi được 2-3m trong khoảng 20 phút rồi thôi. Mỗi lần, Vi về là cả nhà đều vui nhất là cậu em út. Ở nhà, Vi nói nhiều hẳn ra, thường xuyên bật nhạc nghe rồi nghêu ngao hát theo”, Thùy Trang cho hay.

Không trách móc, chỉ tập trung học

Sau những biến cố xảy đến với cô gái 15 tuổi cùng gia đình, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Anh Lê Văn Long (bố Hà Vi) không còn những đêm trắng chăm con ở bệnh viện lại tiếp tục lên rẫy chăm lo vườn cà phê, nguồn sống của cả gia đình. “Tháng rồi hạn dữ quá không có nước tưới, may mấy hôm nay trời mưa lại nên cũng đỡ phần nào”, anh Long cho hay.

Còn với cô con gái út của mình, anh Long chia sẻ, từ khi nằm viện đến giờ, Vi rất ít khi bi quan, luôn vô tư đúng với tuổi 15 của mình. Khi hỏi Vi có buồn hay trách ai trong bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin tắc trách khiến em bị cắt chân, cô cũng không có ý trách móc ai vì mọi chuyện cũng qua rồi.

nusinhcuachan6
Cô gái luôn lạc quan, yêu đời.

Hiện tại, Hà Vi chỉ muốn tập trung hoàn toàn vào việc học, cố gắng tập luyện để sớm đi được chân giả. Mỗi ngày, Hà Vi học từ sáng đến tối theo đúng chương trình học. Nhưng nếu bạn bè 9h tối là kết thúc một ngày học tập thì Hà Vi vẫn cố gắng ở lại học cho đến 11h tối mới về phòng để củng cố kiến thức đã mất.

“Các thầy cô luôn ở bên cạnh để chỉ con bé học hành hoặc khuyên ăn nhiều hơn lấy sức học, nhờ vậy nên tăng được vài ký. Nghe các cô kể, có những khibé nằm dài ở bàn học, hỏi ra mới biết Vi bị đau đầu nhưng không muốn xuống phòng y tế mà chọn cách nằm để nghe giảng”, anh Long chia sẻ.

nusinhcuachan7
Thời gian tới, Vi tiếp tục tái khám để sớm đi được chân giả.

Cô Đỗ Thị Ngọc Ánh (hiệu phó trường THPT Đông Du) chia sẻ: “Từ khi em mới nhập viện nhà trường đã đến động viên. Nhà trường cũng muốn giúp đỡ em phần nào nên nhận Vi vào học và được miễn giảm học phí hoàn toàn. Vi là một học sinh giỏi nên việc em lấy lại kiến thức cũng dễ dàng. Ngoài ra, em cũng tự sinh hoạt cá nhân được nên không ảnh hưởng nhiều đến học tập và dễ hòa nhập với bạn bè”.

Khi được hỏi về ước mơ, dự định trong thời gian tới, Hà Vi cho biết em vẫn rất thích được làm một chiến sĩ công an. Về lời hứa sẽ lo cho cho Vi nếu thích ngành của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nữ sinh vẫn chưa nghĩ đến. "Trước mắt em vẫn cố học xong hết chương trình cấp 3 đã, chứ chưa dự tính cụ thể về định hướng nghề nghiệp sau này", Hà Vi cho biết.

Thời gian sắp tới, gia đình đã mua vé máy bay đưa Vi trở lại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để tái khám. Trước đó,  Sở Y tế Đắk Lắk đã mời gia đình đưa Vi lên Bệnh viện đa khoa tỉnh để giám định thương tật nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Sở cũng vận động quyên góp ủng hộ nữ sinh bị cưa chân được hơn 150 triệu đồng và làm sổ tiết kiệm cho em. Tuy nhiên, gia đình cũng chưa có thêm thông tin liên quan đến việc bồi thường của bệnh viện.