Một người phụ nữ 51 tuổi, sống ở Hồ Nam, Trung Quốc suýt mất mạng sau khi cô tự truyền nước ép của 20 loại trái cây vào cơ thể. Mục đích của việc làm này là mong muốn tăng cường sức khỏe cho cơ thể nhưng lợi ích đâu chưa thấy chỉ biết gặp nguy hiểm.
Ngày 22/2/2019, sau khi nước ép được truyền tĩnh mạch vào cơ thể, cô cảm thấy ngứa ngáy và nhiệt độ cơ thể tăng cao. Tuy nhiên, cô không hề nghĩ đó là phản ứng nguy hiểm và không xử trí gì.
Tuy nhiên, vào buổi tối hôm đó, người chồng phát hiện sự mệt mỏi của vợ và việc trước đó Zeng tự truyền nước ép hoa quả vào cơ thể. Ngay lập tức, anh đưa vợ đến bệnh viện địa phương. Tiếp đó, bệnh nhân nữ này được chuyển đến một bệnh viện khác để được điều trị tích cực.
Sự việc xảy ra với cô Zeng là lời cảnh tỉnh cho các chị em khác.
Bác sĩ điều trị cho nữ bênh nhân Zeng cho biết, cô Zeng bị nhiễm trùng nặng, tổn thương gan, thận, tim và có nguy cơ tử vong vì suy đa tạng và nhiễm trùng huyết.
Các bác sĩ đã phải tiến hành lọc máy, tiêm thuốc chống đông máu và cho cô uống thuốc kháng sinh để điều trị. Sức khỏe của nữ bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể sau 5 ngày. Cô được chuyển đến khoa thận để theo dõi.
"Tôi nghĩ trái cây tươi rất bổ dưỡng và không gây hại cho bản thân bằng cách truyền vào cơ thể", cô Zeng nói. Khi truyền nước ép vào cơ thể, bản thân cô Zeng không nghĩ có thể gặp nguy hiểm đến mức suýt mất mạng như vậy. Các bác sĩ cảnh báo, việc làm của nữ bệnh nhân này là thiếu cơ sở khoa học. Việc truyền tình mạch không đúng quy cách có thể gây tổn thương gan, thận và thậm chí tử vong.
Người phụ nữ đã làm điều dại dột khi nghĩ rằng nước ép hoa quả không gây hại gì.
Nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc lắc đầu ngao ngán với cách tăng cường sức khỏe của người phụ nữ 51 tuổi. Có người cho mỉa mai rằng: "Cô ta không biết sợ ư? Tôi khâm phục sự can đảm và trí thông minh của cô ta".
Nhiều người đặt câu hỏi không biết Zeng đã lấy được dụng cụ truyền tĩnh mạch ở đâu để tiến hành thủ thuật. Truyền dịch tĩnh mạch được dùng khi truyền nước trong trường hợp bị mất nước hoặc truyền chất dinh dưỡng vào cơ thể bằng đạm đúng quy chuẩn, được đóng hộp và sản xuất.
Tuy nhiên, việc truyền dịch tĩnh mạch phải có sự chỉ định của bác sĩ, sự giám sát của nhân viên y tế. Nếu tự tiện tiến hành tại nhà thì việc này hết sức nguy hiểm có thể dễ xảy ra tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền.
(Nguồn: SCMP)