Phần lớn lao động đứng ngoài cuộc
Theo dự thảo, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con. Đối với trường hợp vợ sinh mổ thì chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày làm việc không kể ngày nghỉ, lễ, tết. Ngoài ra, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng tiền lương tối thiểu cho mỗi con. Trường hợp chỉ có chồng tham gia BHXH, vợ không tham gia, khi vợ sinh con thì chồng được trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.
Bình luận về dự thảo này, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Nội dung mà dự thảo đề ra là rất nhân văn, nhưng vẫn chưa đủ công bằng bởi chỉ áp dụng với các đối tượng hưởng BHXH”.
Lý giải cho ý kiến này, ông Lợi cho rằng: “Làm sao có thể công bằng khi 2/3 lực lượng lao động tự do, lao động nông nghiệp – lực lượng chính tạo ra của cải cho xã hội lại đang nằm ngoài quan hệ của Luật Lao động. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ đàn ông mà ngay cả những người vợ của họ cũng không được quyền hưởng các chế độ thai sản”.
Nhìn từ góc độ chuyên gia, bà Phạm Thị Thanh Giang - chuyên viên về giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên (CSAGA) cũng cho rằng sẽ rất thiệt thòi nếu luật không phủ hết các đối tượng…
“Chính phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mới đang chịu sự bất bình đẳng giới nặng nề. Người chồng không chịu trách nhiệm hỗ trợ họ khi sinh nở. Vì thế, bà cho rằng, luật cần phải “bao phủ” cho nhiều loại đối tượng chứ không thể phục vụ riêng cho nhóm nhỏ.
Bà Phạm Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển phân tích thêm: Chính sách cho phép đàn ông “nghỉ đẻ” sẽ hỗ trợ thêm các gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tuy nhiên, nếu không bao phủ cả các thành phần lao động khác thì sẽ có tình trạng, lao động hưởng lương thì được nghỉ, lao động khác sẽ vẫn đi làm, phó mặc gánh nặng sinh nở, trách nhiệm chăm sóc con cho vợ với lý do “kiếm tiền nuôi gia đình”.
Như vậy sẽ càng khoét sâu khoảng cách “vợ công chức”-“vợ nông dân”. “Tôi cho rằng, đối với nhóm đối tượng không được trả lương thì nên có các chính sách hỗ trợ ngày công khi vợ họ nghỉ đẻ”- bà Ngọc đề nghị.
Lo “nghỉ đẻ chỉ nằm chơi”
Nhìn nhận ở góc độ rộng, một chuyên gia Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Muốn nâng cao trách nhiệm của người chồng, không chỉ quy định ngày nghỉ thai sản mà nên chăng có thêm quy định về chăm sóc con. Ngay cả về văn bản, luật chỉ khuyến khích đàn ông nghỉ phép để hỗ trợ chăm con, chứ không phải quy định. Vì thế, muốn bình đẳng cần phải quy định trách nhiệm cụ thể”.
Đó cũng là thực tế ở các địa phương. Ở các vùng nông thôn hiện nay, tâm lý việc sinh nở, nuôi con cái, làm việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ và trẻ em gái. Vì thế, đàn bà thường “mồ côi một mình” lúc vượt cạn. Chỉ chính sách này cũng không đủ để lật đổ những định kiến đã tồn tại lâu đời.
Chị Bùi Thu Hằng, ở Yên Mô (Ninh Bình) vừa sinh con được 1 tuần cho biết: “Khi tôi sinh con thì có mẹ chồng và chị gái trông. Chồng tôi vào giúp vợ bế con thường bị mẹ chồng đuổi ra vì cho rằng đó không phải việc của đàn ông. Đêm con khóc, mẹ chồng cũng không cho chồng tôi chăm con đỡ tôi. Trong khi tôi thực sự muốn cùng chồng chia sẻ việc này”.
Chính vì “không có việc để làm” nên chồng chị Hằng chỉ nghỉ làm 1 ngày vào hôm vợ đẻ, và hôm sau đi làm ngay, phó mặc chuyện trông con cho vợ.
Bà Phạm Thị Thanh Giang cũng cho rằng, nếu đàn ông “nghỉ đẻ” mà chỉ nằm khểnh, đi chơi, bia rượu, phó mặc vợ cho tứ thân phụ mẫu thì sự nhân văn của chính sách cũng không thể đạt được. Vì thế, cần phải có các chương trình để xây dựng các hình mẫu đàn ông kiểu mới, đảm nhận vai trò chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với vợ.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 giữa năm 2014. Nếu được thông qua cuối năm 2014, luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.1.2015, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. |