Được làm việc tự do, tùy ý xây dựng lịch làm việc cho bản thân và thậm chí cũng có cả quyền chọn lựa đối tác/công việc mà mình yêu thích để bắt tay vào làm - đây là những lý do hấp dẫn hàng đầu khiến người trẻ mong muốn trở thành Freelancer.
Tuy nhiên, theo Mint Life, trước khi trở thành 1 Freelancer, các bạn không chỉ phải học cách chấp nhận với việc thu nhập hàng tháng sẽ không ổn định và chúng ta phải làm thế nào đó để cân bằng cho các khoản chi hàng tháng mà còn phải biết các khoản chi mà 1 Freelancer cần trả mỗi tháng là như thế nào. Từ đó có thể quản lý tài chính cá nhân 1 cách dễ dàng.
Quỹ chi trả bắt buộc (ví dụ như phí sinh hoạt)
Trong khi những người làm công việc 9-5 có lương đều đặn hàng tháng có thể dễ dàng xác định và lập kế hoạch cũng như đưa ra con số chính xác cho các khoản chi của mình thì với 1 Freelancer, điều này dường như lại khó khăn hơn, thậm chí là không thể vì có quá nhiều thứ phát sinh 1 cách "tự do" như tính chất công việc của họ.
Theo đó, tất cả những gì mà bạn cần làm là "dự đoán" thu nhập và tổng chi tiêu cho các khoản chi bắt buộc trong vài tháng đầu tiên khi trở thành 1 Freelancer và rồi tự tính toán để duy trì (hoặc kiếm thêm để gia tăng thu nhập của mình) sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Theo đó, dưới đây chính là những khoản chi mà 1 Freelancer cần chi hàng tháng:
- Chi phí ăn uống: Bao gồm cả các bữa ăn trong ngày, cả các bữa ăn tại nhà hàng, đồ ăn vặt hoặc các buổi tụ họp phát sinh.
- Chi phí nhà cửa: Nếu may mắn có nhà riêng hoặc đang sống chung cùng bố mẹ, bạn sẽ không cần tính tới khoản này. Ngược lại thì không.
- Tiền điện, nước: Đây được xem là khoản tiền khó dự đoán nhất của 1 Freelancer, cũng là khoản chi cao hơn so với những người làm công việc 9-5 vì thường xuyên ở nhà hơn. Theo đó, Mint Life khuyên rằng, Freelancer nên yêu cầu nhà cung cấp in hóa đơn trong cả năm để xác định xu hướng sử dụng từng hạng mục. Nếu phát hiện sự chênh lệch lớn mỗi tháng, bạn nên tính mức trung bình và cố gắng không vượt con số này.
Đây là những khoản chi không thể tránh khỏi phần nào. Mặc dù bạn có thể chọn làm việc bên ngoài nhà để giảm những chi phí này, nhưng nó có thể không phải là giải pháp tốt nhất.
Ví dụ, bạn quyết định làm việc tại một quán cà phê thay vì ở nhà. Bạn có thể chi nhiều tiền hơn cho cà phê và đồ ăn vặt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể dự đoán được chính xác số tiền cần bỏ ra mỗi tháng cho khoản chi này.
- Cước điện thoại, Internet: Hãy so sánh chi phí sử dụng giữa các nhà mạng khác nhau trước khi ký hợp đồng trọn gói lâu dài.
- Xăng xe: Chi phí liên quan đến xe cộ như xăng, bảo hiểm, gửi xe, phương tiện công cộng, bảo dưỡng...
- Y tế: Tiền thuốc thang được bác sĩ kê đơn hoặc tự mua trong trường hợp cấp bách.
Quỹ ưu tiên (thuế, bảo hiểm y tế,...)
Một trong những chi phí lớn nhất của làm việc tự do là trả thuế. Khi trở thành freelancer, bạn có trách nhiệm tự trả tất cả các khoản thuế của mình.
Các khoản thanh toán đó có thể tiêu tốn vài triệu đồng mỗi năm (hoặc mỗi tháng, tùy thuộc vào thu nhập của bạn). Hơn thế nữa, nếu trả chậm, bạn có thể sẽ phải trải khoản tiền phạt cao từ cục thuế. Do đó, bạn cần để dành sẵn một quỹ ưu tiên dành cho việc đóng thuế hoặc phí xã hội khi được yêu cầu.
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, bạn thực sự nên tách quỹ này thành một tài khoản riêng biệt, hạn chế "bòn rút" để tránh cảnh loay hoay khi tới hạn đóng thuế. Việc chậm hoặc né tránh nộp thuế còn khiến bạn tốn kém nhiều hơn trong tương lai khi phải trả những khoản nộp phạt. Ngoài ra, thủ tục nộp thuế cũng rất phức tạp vì có rất nhiều loại thuế phải nộp khi làm việc tự do.
Ngoài ra, khi làm việc tự do, bạn sẽ không thể đăng ký bảo hiểm y tế do các công ty tài trợ. Thay vào đó, bạn cần nghiên cứu cẩn thận để tìm một chính sách bảo hiểm phù hợp với ngân sách của bản thân.
Khi cân nhắc các lựa chọn, bạn có thể cảm giác rằng bảo hiểm y tế rất đắt đỏ. Hiện nay có vô vàn các chương trình bảo hiểm sức khỏe khác nhau nhưng chúng thường sẽ không được mức giá tốt như các bảo hiểm bắt buộc.
Bên cạnh đó, hầu hết các công ty sẽ có chính sách hỗ trợ nhân viên đi khám sức khỏe hàng năm. Bạn cũng sẽ mất quyền lợi đó nếu trở thành một freelancer.
Quỹ khẩn cấp (tiết kiệm hưu trí)
Đương nhiên, dù làm công việc nào, bạn cũng cần mở một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp và duy trì số dư tùy khả năng. Không giống như khi đi làm, doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ bạn đóng góp khoản tiền bảo hiểm xã hội. Khi bắt đầu làm việc tự do, bạn sẽ phải tự chi trả và tìm hiểu về vấn đề này. Điều này có thể đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ một số nhu cầu giải trí, song nó thực sự hữu ích trong các trường hợp cụ thể như thay mới thiết bị gia dụng quan trọng, chuyển nhà, dịch bệnh hoặc lạm phát...
Khoản tiết kiệm này nên là con số bằng tổng thu nhập từ 4-6 tháng và bạn có thể rút ra để lo cho cuộc sống nếu bạn gặp vấn đề nào đó.
Do vậy, trước khi trở thành 1 Freelancer, hãy bắt đầu bằng cách dành một chút thời gian để thiết lập kế hoạch nghỉ hưu. Bạn có thể làm điều này thông qua tự xem xét và đánh giá thời điểm dự định nghỉ hưu, giá trị tài sản ròng hiện tại và mục tiêu tiết kiệm.
Chi phí khác (bao gồm chi phí thiết lập văn phòng riêng, tiếp thị dịch vụ, giáo dục,...)
Làm việc tự do cũng là một kiểu kinh doanh, bạn sẽ cần tìm khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, tiếp thị dịch vụ cá nhân có thể tốn kém, nhưng nó hoàn toàn cần thiết để thành công. Nếu không, những khách hàng tiềm năng có thể không bao giờ tìm thấy bạn! Theo đó, bạn có thể sẽ cần chi trả cho việc tạo 1 trang web, mua/in danh thiếp cá nhân,...
Ngoài ra, với một thế giới có nhịp độ phát triển nhanh như bây giờ, điều quan trọng là ít nhất bạn phải theo kịp những thay đổi trong lĩnh vực của bạn. Nếu duy trì một cách tiếp cận lỗi thời đối với công việc của mình, bạn có thể sẽ mất đi nhiều khách hàng tiềm năng. Vì lý do đó, giáo dục là chi phí quan trọng trong cuộc cạnh tranh này. Trong khi nếu đang làm việc văn phòng, các công ty sẽ thường tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng cứng/mềm và bạn sẽ được học miễn phí...