“Hôm nay có những ai cần tiếp tế thực phẩm?”. Đó là câu hỏi bắt đầu ngày mới của vợ chồng thầy Vi Văn Hùng, giáo viên phụ trách Đội của Trường THCS bán trú Tây Sơn. 

Hơn 10 ngày sau cơn lũ, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong, ngoài tỉnh, cơ bản người dân các bản làng nơi cơn lũ đi qua đã không còn phải lo nhiều đến việc đói ăn, song họ hiểu rằng, phải còn rất lâu nữa, mảnh đất vùng biên này mới thực sự hồi sinh.

Nghĩa tình giúp cả làng thoát đói rét trong cơn lũ quét, lũ ống ở Kỳ Sơn - Ảnh 1.

Cơn lũ ống, lũ quét cuốn phăng hàng trăm ngôi nhà và để lại hàng tấn đất đá dọc đường đi.

Gia đình thầy Hùng ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ - tâm cơn lũ quét, lũ ống. Đây là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, bản có 236 hộ dân thì hơn một nửa bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản không còn chút vết tích. Một vài hộ khác may mắn nằm ở địa thế cao, lệch dòng nước chảy xiết nên mất mát có phần đỡ hơn, như gia đình thầy Hùng. Ngôi nhà còn giữ được tương đối nguyên vẹn, chỉ thiệt hại vườn cây, ao cá cùng một số vật nuôi.

“Như thế này là đã quá may mắn rồi! Nhìn quanh bà con dân bản, xót xa lắm!”, thầy Vi Văn Hùng chia sẻ.

Giữa hoang tàn, đổ nát sau lũ, Kỳ Sơn thật ấm áp tình người

Lũ dữ đi qua, đồng bào dân tộc Thái, Mông ở bản Hòa Sơn lại càng đùm bọc, thương nhau hơn. Những người dân trong bản vẫn còn nhà, còn chỗ ở đã tổ chức bếp ăn, sắp xếp chỗ ngủ cho các gia đình có nhà bị cuốn trôi, đổ sập.

Nghĩa tình giúp cả làng thoát đói rét trong cơn lũ quét, lũ ống ở Kỳ Sơn - Ảnh 2.

Bếp lửa liên tục hoạt động để nấu những bữa ăn nóng hổi cho những bà con chẳng may mất nhà hoặc nhà không thể ở được nữa.

Chị Vi Thị Uyên, ở bản Hòa Sơn là em gái thầy Hùng, cùng một số chị em đều đặn ngày hai bữa nấu ăn cho những gia đình trong bản không còn nhà cửa tại nhà của thầy Hùng. Người góp gạo, người góp quả trứng, con cá khô làm bữa cơm đạm bạc. Bếp ăn nghĩa tình của các chị còn được nhiều người dân, nhà hảo tâm góp sức.

“Nhà chị gái tôi là đại lý bán hàng nông sản trong bản. Khi bản bị cô lập, toàn bộ trong kho nhà chị có bao nhiêu gạo chị góp cả để nấu cơm chia cho các nhà bị mất hết nhà cửa, tài sản. Rồi sau đó, mỗi người góp thêm. Ai có gì góp nấy tập trung ở đây là một trong 3 điểm trong bản nấu cơm ngày 2 bữa cho bà con”, chị Vi Thị Uyên cho hay.

Nghĩa tình giúp cả làng thoát đói rét trong cơn lũ quét, lũ ống ở Kỳ Sơn - Ảnh 3.

Các chị em trong bản Hòa Sơn mỗi người một tay giúp duy trì bếp ăn nghĩa tình.

Gian bếp “dã chiến” đặt ngay tại khoảng sân may mắn không bị lũ quét tràn qua, càng về sau càng nhận được nhiều sự giúp đỡ chung tay của đông đảo chị em bản Hoà Sơn; tất bật tiếng phân công người vo gạo, người thổi lửa, người rán trứng băm thịt…

Khi có cầu khỉ nối với thị trấn Mường Xén, bản Hòa Sơn lại nhận được trợ giúp của nhiều nhà hảo tâm. Họ gửi gạo, thực phẩm, mắm muối… nhờ vậy, các bếp ăn nghĩa tình vẫn tiếp tục có nguồn thực phẩm để hỗ trợ bà con bị mất nhà trong bản.

Nghĩa tình giúp cả làng thoát đói rét trong cơn lũ quét, lũ ống ở Kỳ Sơn - Ảnh 4.

Rồi đây, cuộc sống mới sẽ hồi sinh trên mảnh đất bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ.

Ông Vi Văn Kỉ, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, một trong những người dân đang phải đi ở nhờ nhà làng xóm do nhà của ông đi bị lũ cuốn trôi cho biết: “Từ nhỏ đến giờ tôi mới thấy cơn lũ kinh khủng thế. Không thể tưởng tượng được. Nước lũ to, ù ù như chiếc máy bay cuốn phăng mọi thứ. Tôi chỉ biết chạy thôi. Dép còn chưa kịp đi…”.

“Bà con trong bản nên có tình cảm với nhau. Nhà của ai cứ không bị lũ ngập là đều đến ngủ được cả. Bà con cũng giúp ăn nữa”, ông Kỉ nói.

Tương tự là gia đình bà Lương Thị Dung gồm 5 người và nhiều người dân bản Hòa Sơn khác cũng đang được bà con làng xóm giúp chỗ ăn, ở bởi ngôi nhà đã bị cả mảng đồi vùi sập.

Cuộc sống sau trận lũ quét, lũ ống còn rất nhiều khó khăn và phải mất một thời gian dài nữa mới có thể hồi phục. Rồi đây, cuộc sống mới sẽ hồi sinh trên mảnh đất này và người ta cũng sẽ không quên nhắc nhau về những câu chuyện ấm áp tình người khi lũ dữ đi qua./.