Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch

Số ca mắc trên khắp châu Âu đã tăng hơn 50% trong tháng 10 vừa qua và xu hướng đáng lo ngại này tiếp tục xảy ra vào tháng 11 khi mùa Đông bắt đầu. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cảnh báo, khu vực này “một lần nữa trở thành tâm chấm dịch bệnh” và nhận định của ông đã được chứng minh là có cơ sở.

Nghĩa trang quá tải, dịch Covid-19 tại Đông Âu “thực sự thảm khốc" - Ảnh 1.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại phòng điều trị tích cực (ICU) ở một bệnh viện tại Bucharest, Romania. Ảnh: Reuters

WHO cho biết, Châu Âu đã ghi nhận gần 2 triệu ca mắc Covid-19 trong tuần qua – con số cao nhất trong một tuần kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Trong những tuần gần đây, Đức thông báo ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục, khoảng 50.000 ca/ngày. Hà Lan cũng ghi nhận hơn 16.000 ca mắc/ngày – mức cao nhất tại quốc gia này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, khiến chính phủ phải áp đặt biện pháp phong tỏa một phần bắt đầu từ ngày 13/11 và kéo dài ít nhất 3 tuần.

Bỉ đã tái áp dụng một số hạn chế chống Covid-19, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, xuất trình thẻ thông hành Covid-19 khi vào các nhà hàng, quán bar, và câu lạc bộ thể thao, giấy chứng nhận tiêm đầy đủ vaccine, xét nghiệm âm tính trong thời gian gần nhất.

Bất chấp số ca mắc tăng mạnh, tỷ lệ tử vong tại 3 quốc gia trên vẫn tương đối ổn định so với các làn sóng trước kia. Giới chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tiêm phòng vaccine tương đối cao đã giúp làm giảm số ca chuyển biến nặng, cũng như số ca phải nhập viện và tử vong tại châu Âu.

Tom Wenseleers, nhà sinh học tiến hóa và thống kê sinh học tại Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ, cho biết, hệ thống y tế tại quốc gia này đã hoạt động hết công suất trong những tuần gần đây, nhưng nhìn chung số ca tử vong vẫn chưa ở mức đáng báo động.

“Tình hình thực sự thảm khốc” tại Đông Âu

Tuy nhiên, điều tương tự lại không xảy ra tại Đông Âu, nơi “tình hình thực sự thảm khốc”, ông Wenseleers đánh giá. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Romania, Bulgaria và Latvia đã ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục, trong khi số ca mắc cũng tăng chóng mặt.

Tại một bệnh viện lớn ở Bucharest, Romania, thi thể của những người tử vong do Covid-19 chất chồng tại các hành lang trong những ngày gần đây do không còn chỗ chứa trong nhà xác. Một phần của phòng chờ được chuyển thành khu cấp cứu.

Các bệnh viện ở Bulgaria đã phải ngừng những ca phẫu thuật không thuộc trường hợp khẩn cấp để điều động bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Còn tại Serbia, các quan chức quản lý một nghĩa trang lớn ở Belgrade cho biết, trung bình mỗi ngày có 65 người được chôn cất ở đây, trong khi con số này trước đại dịch vào khoảng 35 đến 40. Các nhân viên nghĩa trang, dù làm việc không ngừng nghỉ, vẫn không thể xử lý hết khối lượng công việc.

Hungary cũng phải tái áp dụng nhiều biện pháp hạn chế chống dịch. Giống như Serbia, chính phủ nước này cho biết họ muốn dựa vào vaccine để kiểm soát dịch bệnh. Với gần 60% dân số trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ, quốc gia này có lợi thế hơn so với nhiều nước Đông Âu khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh, nhưng điều đó vẫn chưa thể đảm bảo cho toàn bộ dân số được an toàn.

Đánh giá làn sóng mới “cực kỳ đáng lo ngại”, chuyên gia Wenseleers cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp và tâm lý hoài nghi vaccine là nguyên nhân dẫn đến điều này.

Ông Wenseleers nói: “Vấn đề không phải là thiếu vaccine bởi theo quy định chung của Liên minh châu Âu, 27 quốc gia thành viên đều có thể mua vaccine với số lượng tương đương nhau. Dù vaccine có sẵn nhưng những quốc gia nói trên đã không thể thuyết phục được đa số người dân đi tiêm phòng”.

Theo cuộc thăm dò do Eurobarometer - cơ quan điều tra dư luận của Ủy ban châu Âu tiến hành, khoảng 1/3 dân số tại các nước Đông Âu không tin tưởng vào hệ thống y tế. Trong khi con số này trên toàn châu Âu là 18%. Cơ quan theo dõi tiêm chủng của Liên minh châu Âu cho biết, Romania và Bulgaria là 2 trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trên toàn châu lục.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, chưa đến 23% dân số trưởng thành tại Bulgaria được tiêm phòng đầy đủ, còn số người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine chiếm hơn 25%. Tại Romania, các con số này lần lượt là 34% và 38%. Kết quả thăm dò cũng cho thấy, hầu hết những người được hỏi tại 2 quốc gia này đều tỏ ra không quan tâm đến việc tiêm chủng.

Nhìn chung, các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với những khu vực khác ở châu Âu. “Do tỷ lệ tiêm chủng thấp, nên số ca mắc tăng cao đồng nghĩa với việc số người chết sẽ gia tăng”, chuyên gia Wenseleers nhận định.

Ông Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London cho rằng, mùa Đông sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với việc kiểm soát sự lây nhiễm của biến thể Delta. Ông lưu ý, với tâm lý do dự tiêm vaccine, Đông Âu nhiều khả năng sẽ không thể đối phó với đại dịch trong thời tiết giá lạnh như vậy.

Theo các chuyên gia, ngoài việc chậm trễ tiêm vaccine, những hạn chế trong quản lý, điều hành và  hệ thống y tế yếu kém là các yếu tố dẫn đến đợt bùng phát mới nhất. Dù các nước đang nỗ lực hành động để kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nỗ lực này được thực hiện quá muộn và vẫn chưa đủ./.