Một mùa Trung thu nữa lại sắp đến trong không khí háo hức. Với một số quốc gia châu Á, đây là ngày lễ cực kỳ đặc biệt, quan trọng với nhiều ý nghĩa. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đón Trung thu tưng bừng nhất. Tết Trung thu (gọi là Chuseok) là một trong ba dịp lễ lớn của Hàn Quốc, bên cạnh tết Nguyên đán (Seollal) và tết Đoan ngọ (Dano).
Ngày lễ ý nghĩa nhất trong năm
Nếu ở Việt Nam tết Trung thu chỉ là ngày lễ dành cho thiếu nhi và mọi người vẫn phải đi học, đi làm như mọi ngày thì ở Hàn Quốc đây được xem là dịp nghỉ lễ dài chính thức trong năm. Các gia đình thường trở về quê hương, nơi ông bà, bố mẹ sinh ra, để thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên. Họ chuẩn bị những mâm cơm cầu kỳ, đi thăm viếng, dọn dẹp khu mộ tổ tiên rồi cả gia đình cùng quây quần bên nhau tận hưởng phút giây sum vầy.
Từ thời xa xưa, vào tháng 8 âm lịch hằng năm là mùa thu hoạch lúa chín. Đối với tổ tiên của người Hàn, đây là khoảng thời gian họ vui vẻ và hân hoan nhất trong năm vì sau một khoảng thời gian làm lụng vất vả cũng đến lúc được hưởng thành quả. Vào ngày 15 tháng 8 (Âm lịch) – ngày trăng tròn và lớn nhất năm - họ sẽ tổ chức lễ hội để ăn mừng, vui chơi và nhảy múa. Đây có thể được xem là nguồn gốc của tết Chuseok.
Vào buổi sáng của ngày lễ Chuseok, trẻ em mặc trang phục truyền thống hanbok may từ vải lụa mềm mại và cúi chào người lớn tuổi. Bữa tiệc Charye-sang gồm các đĩa bánh gạo, hoa quả, rau, cá, rượu... được bày trên bàn để cúng tổ tiên rồi cả gia đình cùng thưởng thức. Đó là khoảnh khắc viên mãn đáng nhớ.
Tuy nhiên, đối với nhiều phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc, lễ Chuseok từ lâu đã trở thành "cơn ác mộng". Bởi lẽ, họ không được nghỉ ngơi vào ngày lễ, thậm chí còn mệt mỏi, bận rộn hơn vì phải dành toàn bộ kỳ nghỉ chỉ để... nấu nướng và dọn dẹp.
Đó không phải là một trải nghiệm thư giãn. Một số chuyên gia còn nhận ra rằng nó chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn ở Hàn Quốc tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ.
Nỗi ám ảnh dịp lễ lớn
Jang Saera, 34 tuổi, giám đốc phát triển sản phẩm tại một công ty thiết kế nội thất ở Hàn Quốc, cho biết: “Từ góc nhìn của một người con dâu, tôi thấy thật khó hiểu tại sao chúng tôi phải làm quá nhiều công việc vất vả như vậy. Khi phụ nữ bận rộn ở bếp thì đàn ông trong nhà chỉ ngồi ở phòng khách và xem TV”.
Jang cùng chồng và con gái nhỏ ở thành phố Gunpo, tỉnh Gyeonggi, miền Nam Hàn Quốc. Thông thường, vào dịp lễ Chuseok, cả gia đình đến nhà chồng cô ở thành phố Incheon, ngoại ô thủ đô Seoul.
Bất chấp những quan điểm tự do hơn về bình đẳng giới trong thế hệ trẻ, nhiều gia đình ở Hàn Quốc vẫn theo nếp sống cũ, quy định rằng khi kết hôn, người phụ nữ thuộc về gia đình nhà chồng. Vì vậy, các bà vợ phải đón lễ Chuseok với gia đình chồng.
"Vai trò của các nàng dâu luôn nặng nề. Hầu hết phụ nữ đã kết hôn ngày nay vẫn không thể nói ra điều mình mong muốn và có vẻ như thế hệ cũ không thể dễ dàng thay đổi quan niệm", Jang nói. "Bất cứ khi nào tôi về thăm bố mẹ chồng, tôi đều biết mình phải làm nhiều việc".
Các cuộc khảo sát cho thấy một số đàn ông Hàn Quốc dường như nhận thức được và thông cảm với những căng thẳng mà vợ họ phải đối mặt trong kỳ nghỉ lễ Chuseok.
Trong một cuộc khảo sát do Quỹ Phụ nữ và Gia đình Seoul thực hiện vào năm 2018, 43,5% nam giới được hỏi cho biết họ muốn giúp các thành viên nữ trong gia đình chuẩn bị đồ ăn.
Theo tờ Korea Herald, nghiên cứu được Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện cách đây hơn một thập kỷ cho thấy trong số 800 nam giới được hỏi, 90% cho biết họ sẵn sàng giúp vợ chuẩn bị đồ ăn - nhưng "cảm thấy không thoải mái khi làm việc trong bếp vì bố mẹ để ý".
Na Jung-keun, 36 tuổi, người đã kết hôn được 1 năm, nói: “Tôi cảm thấy có lỗi với vợ tôi trong những ngày nghỉ lễ truyền thống nhưng không có cách nào để giúp cô ấy vì mẹ tôi không cho tôi làm bất cứ điều gì”.
“Là con dâu, tất nhiên, tôi không thể tưởng tượng được việc mình ngồi ở phòng khách xem tivi trong khi mẹ chồng tất bật trong bếp. Nhưng điều ngược lại chẳng có gì lạ cả. Chồng tôi cũng không thấy lạ. Anh ấy không cảm thấy phải giúp đỡ mẹ vợ - tức là mẹ tôi - khi 2 vợ chồng về bên ngoại”, Jang nói.
Yoo Young-eun, một bà nội trợ 39 tuổi, kết hôn với con trai thứ 2 của gia đình theo kiểu truyền thống ở Hàn Quốc. Yoo cho biết mình muốn lên tiếng yêu cầu giảm bớt gánh nặng trên vai nhưng đàn ông lại ít đồng cảm hơn với những lời kêu gọi đó. Yoo nhớ lại lần cô bật khóc sau khi nhận ra chồng cảm thấy không có nghĩa vụ phải giúp đỡ mình. "Anh ấy lúc nào cũng viện cớ và bào chữa, thay vào đó là nói xin lỗi. Tôi cảm thấy như mình là người duy nhất đau khổ trong những ngày nghỉ lễ", Yoo nói.
Những "cuộc cách mạng thầm lặng"
Xã hội đang dần thay đổi. Những người vợ trẻ Hàn Quốc hầu hết đều ở độ tuổi 20-30 dần không muốn đi vào nếp sống cũ của mẹ và bà mình. Họ đang theo đuổi một “cuộc cách mạng thầm lặng”.
Những phụ nữ ngày nay được giáo dục đầy đủ và có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức và phát huy động lực gia đình. Họ quyết tâm không lặp lại lối sống của những người mẹ đã dành cả cuộc đời cho chồng, cho con.
Lee Jung-ah, một nhà báo 29 tuổi, cuối cùng đã có được quyền tự do tận hưởng kỳ nghỉ lễ Chuseok đúng nghĩa như những phụ nữ trẻ đã lập gia đình và đang đi làm ở Hàn Quốc sau khi có cuộc trò chuyện nghiêm túc với mẹ chồng dẫn đến sự việc "bất thường". Cô mạnh dạn thỏa thuận giảm việc nhà bằng cách đặt tiệc Charye-sang từ nhà hàng.
Lee nói: “Việc đặt tiệc Charye-sang làm sẵn đã giúp chúng tôi thoát khỏi căn bếp và đưa những phụ nữ như chúng tôi trở lại vòng tròn quây quần của gia đình”.
Sự phát triển và phổ biến của Internet cũng cho phép thay đổi một số nghi lễ quan trọng nhất của lễ Chuseok của người Hàn Quốc. Ví dụ, một công ty quản lý nghĩa trang gia đình đặt tại Daejeon, cách thủ đô Seoul 2 giờ đồng hồ di chuyển, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ trực tuyến cho những gia đình gặp khó khăn trong việc đến nghĩa trang thăm mộ tổ tiên.
Các gia đình có thể thực hiện Jesa, một lễ tưởng niệm truyền thống thông qua Khu tưởng niệm mạng (ypost.djsiseol.or.kr), do Tập đoàn quản lý đô thị Daejeon, một công ty đại chúng trực thuộc chính quyền thành phố Daejeon, điều hành.
Thông qua Khu tưởng niệm mạng, mỗi gia đình có thể tỏ lòng thành kính với người đã khuất và thậm chí chuẩn bị Charye-sang ảo chỉ bằng một cú nhấp chuột trên máy tính.
Ngày càng nhiều gia đình Hàn Quốc tổ chức các nghi lễ trên mạng như thế này, góp phần làm giảm đi sự vất vả của người phụ nữ.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các nhà chức trách giới hạn đi lại để đảm bảo an toàn. Không ngờ, mùa lễ Chuseok năm đó lại trở nên "dễ thở" hơn với nhiều phụ nữ Hàn Quốc.
Cô Lee Hyang Shin, 50 tuổi, làm việc tại một bệnh viện, sống cùng chồng và hai đứa con của họ ở Iksan. Thời điểm ấy, cô tụ tập cùng một số thành viên sống ở gần, ít hơn so với trước, để tổ chức một lễ kỷ niệm đơn giản. Cô nói: “Chúng tôi mua đồ ăn từ một nhà hàng và cuối cùng mua bánh Jeon ở chợ thay vì chuẩn bị ở nhà”. Jeon - một trong những món ăn đặc trưng của lễ Chuseok, bao gồm rau, thịt và cá thái lát chiên nhẹ - nổi tiếng là tốn nhiều công sức chế biến.
Để lễ Chuseok trở nên nhẹ nhàng hơn với phụ nữ, cả Jang và Lee gợi ý, có lẽ một số nghi lễ quan trọng của dịp lễ này – nghi thức tưởng nhớ tổ tiên và các bữa tiệc gia đình – cần phải được đơn giản hóa. Jang thậm chí còn đề nghị loại bỏ hoàn toàn các nghi lễ tổ tiên.
"Tất nhiên, ai cũng có nguồn cội và cần nhớ đến tổ tiên", cô nói. "Nhưng việc chuẩn bị gây quá nhiều căng thẳng cho phụ nữ. Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn thì ít nhất cần phải thay đổi sang một quy trình đơn giản hơn".
"Trước khi kết hôn, được ăn những món ngon, được quây quần bên gia đình và giúp mẹ vào bếp, thực sự khiến tôi rất vui. Nhưng giờ khi đã trở thành con dâu, quan điểm của tôi về điều đó đã thay đổi", cô nói.
Các chuyên gia về gia đình kêu gọi các ông chồng hãy tích cực hơn trong việc tạo điều kiện cho sự thay đổi bằng cách tổ chức các cuộc họp gia đình để bàn tính chuyện chia sẻ những công việc cần thiết như mua sắm, nấu nướng. Tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả phụ nữ, nên được tham dự các nghi lễ tổ tiên và thăm nhà bố mẹ đẻ.
Ông Ahn Byung-chul, giáo sư khoa truyền thông tại Đại học Hanyang, cho biết: “Chuseok sẽ trở thành một ngày lễ đặc biệt nếu phụ nữ được đối xử bình đẳng và tất cả các thành viên trong gia đình biết cảm thông, chia sẻ gánh nặng”.
Nguồn: NPR, Korea Herald