Theo The Guardian, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Millennials (được sinh ra vào khoảng từ năm 1981 đến 1996 - hay còn gọi với cái tên thân quen là thế hệ 8X, 9X) có thể được miêu tả là những người chi tiêu phù phiếm, phung phí tiền bạc kiếm được vào những ly cà phê đắt đỏ và các lớp học trực tuyến trong bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát leo thang. Thế nhưng, sự thật là, họ đang trên đường trở thành "thế hệ giàu nhất trong lịch sử".
Cơn địa chấn tên bất động sản thừa kế
Theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh), trong vòng 20 năm tới, những người sinh từ năm 1981 đến 2000 sẽ có cơ hội gặp "cơn địa chấn", nhờ tài sản bất động sản được thế hệ cha ông tích lũy và truyền lại.
Trong khi sự phân bổ của cải vật chất đã và đang dịch chuyển giữa các khu vực trên thế giới, nhưng có một sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn đang diễn ra, chính là giữa các thế hệ.
Knight Frank cho biết trong báo cáo tài sản thường niên lần thứ 18 rằng việc chuyển đổi sẽ chứng kiến lượng tài sản trị giá 90 nghìn tỷ USD được di chuyển giữa các thế hệ chỉ riêng ở Mỹ. Điều này có thể "giúp cho thế hệ Millennials trở thành thế hệ giàu nhất trong lịch sử".
Nghiên cứu cho thấy, 75% thế hệ Millennials đang mong đợi sự giàu có của họ sẽ xuất hiện vào năm 2024 khi chính thức được thừa kế tài sản từ ông bà, cha mẹ để lại.
Trong khi tỷ lệ được thừa kế tài sản ở thế hệ Baby Boomers (những người sinh năm 1944 đến 1964) là 53%, thế hệ X (những người sinh năm 1965 đến 1980) là 56% và thế hệ Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) là 69%.
Vật lộn với cuộc sống chờ đến lúc "tiền rơi vào đầu"!?
Trong khi chờ đợi quyền thừa kế, nhiều người thuộc thế hệ Millennials vẫn đang quay cuồng với hàng loạt "cú sốc" kinh tế, ví như cuộc khủng hoảng năm 2008 kéo theo hàng loạt khó khăn tài chính, do đại dịch Covid-19, Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu - EU) và xung đột ở một vài quốc gia gây ra.
Do giá thuê nhà tăng, thế hệ Millennials đã phải chi phần lớn thu nhập của mình cho chi phí nhà ở và phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc mua nhà riêng hoặc xây dựng quỹ hưu trí.
Các yếu tố này đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh cho thấy hình ảnh thế hệ trẻ - vốn không có mục tiêu tiết kiệm để mua tài sản tích lũy - nay lại phung phí tiền vào những thú tiêu khiển của bản thân.
Trên thực tế, sức mạnh tài chính trong tương lai của thế hệ Millennials có thể sẽ là một cuộc trúng xổ số gây chia rẽ, chủ yếu được quyết định bởi giá trị các tài sản thừa kế từ các thế hệ trước.
Liam Bailey, người đứng đầu nhóm nghiên cứu toàn cầu tại tập đoàn Knight Frank, cho biết sự thay đổi về tài sản có thể hỗ trợ các phương án đầu tư và hành vi bền vững.
Ông nói: "Thế hệ Millennials dường như đã nhận được thông điệp khi nói đến việc cắt giảm tiêu dùng. 80% nam giới và 79% nữ giới được hỏi cho biết họ đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon".
Ông dự báo rằng xu hướng tạo ra của cải ở những người thuộc thế hệ Z cho thấy rằng mức tăng 38% ở những phụ nữ có giá trị tài sản ròng cực cao - những người có tài sản hơn 30 triệu USD - trong thập kỷ qua "sẽ tiếp tục tăng lên".
Nghiên cứu gần đây của Quỹ Nghị quyết cho thấy thế hệ trẻ ở Anh vẫn đang phải gánh chịu "vết sẹo kinh tế" của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đang phải vật lộn để bắt kịp mức sống của các nhóm lớn tuổi hơn.
Nghiên cứu của Knight Frank cho thấy bất động sản, đầu tư tài chính và ô tô là những nguồn tài sản quan trọng nhất.
Trong số các mặt hàng nhỏ hơn, báo cáo cho thấy thị trường túi xách cũ đã giảm bớt, trong khi thị trường rượu vang hảo hạng tăng trưởng nhẹ và doanh số bán đồng hồ tại ba nhà đấu giá lớn đạt tổng cộng 488 triệu bảng Anh vào năm 2023, tăng nhẹ so với năm 2022.
Nguồn: The Guardian