Vào năm 2011, trong một báo cáo nghiên cứu của mình đăng trên tạp chí Creativity Research Journal, Kyung-Hee Kim, một nhà tâm lý học giáo dục tại Đại học William và Mary ở bang Virginia, Mỹ đã nói rằng “theo thời gian, trẻ em ngày càng trở nên ít thể hiện cảm xúc hơn, ít hăng hái hơn, ít vui vẻ hài hước hơn, ít tưởng tượng hơn, ít mới lạ so với truyền thống hơn, ít hoạt náo và đam mê hơn, ít sáng dạ hơn, ít có thể liên kết những thứ tưởng chừng không liên quan lại với nhau hơn, và ít có khả năng có thể nhìn mọi việc từ một góc độ khác hơn”.
Đó là điều mà cô rút ra được từ những dữ liệu trong bài kiểm tra Torrance về Tư duy Sáng tạo. Bài kiểm tra này đã được bắt đầu tiến hành từ năm 1966 và trải qua nhiều lần tổng hợp vào những năm 1974, 1984, 1990, 1998 và 2008. Bài kiểm tra đã được thu thập được từ 272,599 học sinh Mỹ tiêu biểu trải dài từ mẫu giáo tới hết lớp 12 (khoảng 17-18 tuổi).
Trẻ đang mất dần sự sáng tạo của mình (Ảnh minh họa).
Peter Gray - nhà tâm lý học, giáo sư nghiên cứu tại trường đại học Boston, Mỹ cũng đã nói trong một bài viết đăng trên trang Aeon rằng: “Bạn không thể dạy được cho trẻ sự sáng tạo, tất cả những gì bạn có thể làm chỉ là để cho nó tự nảy nở, và sự sáng tạo sẽ nảy nở trong những lúc chơi đùa”.
Đừng ngại con lấm bẩn, đừng sợ con bị ngã, con cần được chơi
Trong một phát ngôn của mình, tiến sĩ Maya Shetreat-Klein, nhà nghiên cứu thần kinh học trẻ em và là mẹ của 3 đứa trẻ đã khẳng định rằng: “Ngày nay, các bậc cha mẹ luôn quan trọng hóa sự vệ sinh xung quanh con trẻ - nhưng cuối cùng, trẻ em vẫn đứng đầu trong danh sách lây nhiễm bệnh. Đó là bởi vì họ giữ vệ sinh cho con bằng những sản phẩm tẩy rửa, thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh mà không phải là cho con tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài để tăng sức đề kháng cho con”.
Chính Shetreat-Klein cũng đã phải trải qua điều này, với chính cậu con trai của mình. Cụ thể, con trai của cô bị mắc chứng bệnh hen suyễn nặng bắt đầu từ sinh nhật 1 tuổi của cậu bé và từ đó, cậu bé trở nên chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi các phương pháp điều trị được đưa ra đều không mang lại kết quả, cô đã tự mình nghiên cứu và hết sức ngạc nhiên bởi chính phát hiện của mình. Đó chính là việc quá bao bọc con và chính thức ăn mà cô cho con ăn hàng ngày đã ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và cả não của con.
Và sau đó, để thay đổi sức khỏe cho con, điều cô làm là cho con tiếp xúc nhiều hơn với tự nhiên, cũng như ăn các loại thức ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Vì vậy, để con có thể phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ và thể chất, các bậc phụ huynh hãy gạt đi những chuẩn mực sạch sẽ của mình mà hãy để bé tha hồ "nghịch bẩn" với đất cát, với cây cối, nước, màu vẽ, bọt xà phòng… nhằm khơi dậy những năng lực tiềm ẩn nơi bé thay vì cho bé ngồi trong nhà, mặc quần áo sạch sẽ và cầm những chiếc iPad hay cắm cúi và chiếc tivi. Khi được vui chơi thỏa thích và được mẹ ủng hộ tuyệt đối, bé không chỉ vui, được học nhiều điều bổ ích mà còn yêu gia đình mình hơn bao giờ hết.
Hãy để trẻ được vui chơi, được tự do khám phá
Việc vui chơi là một bản năng vốn có của mỗi người, từ ngàn xưa đến nay, nhất là đối với trẻ em. Nhưng dường như càng ngày, những đứa trẻ lại càng bị hạn chế nhiều hơn trong việc được tự do vui chơi, tự do sáng tạo. Với một số đứa trẻ, chúng bị hạn chế vui chơi bởi chúng phải học, học quá nhiều thứ, học quá sớm, còn với một số đứa trẻ khác, chúng lại bị hạn chế vui chơi bởi bố mẹ chúng lo sợ nguy hiểm, lo sợ con bị bắt cóc, con bị ngã, con bị bẩn hay con bị ốm… Tất cả đều có một lý do thích đáng nào đó.
Hãy để con tha hồ nghịch bẩn (Ảnh minh họa).
Nhưng có lẽ các bậc phụ huynh không biết rằng chính việc hạn chế con được tự do vui chơi là hành động cản trở sự trưởng thành và phát triển của con. Trẻ em cần sự tự do để khám phá, để chơi và chính tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng đã công nhận rằng “CHƠI” là một quyền cụ thể cho tất cả trẻ em. Và theo Hiệp Hội Thể Thao và Giáo Dục Thể Chất Quốc Gia Hoa Kỳ thì họ đề nghị các bậc phụ huynh nên cho trẻ em có ít nhất 30 phút/ ngày được chơi dưới sự hướng dẫn của cha mẹ và ít nhất 60 phút/ ngày để chơi tự do.
Vui chơi, được tự do nghịch bẩn là nhu cầu thiết yếu của mỗi đứa trẻ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc vui chơi mang tới nhiều lợi ích như thế nào cho trẻ. Nhưng tựu chung lại, việc để trẻ tự do vui chơi, tự do khám phá sẽ giúp trẻ phát triển những điều dưới đây:
- Việc vui chơi sẽ giúp trẻ phục hồi năng lượng đã mất từ các hoạt động liên quan đến học tập.
- Vui chơi cho phép trẻ em thực hành những vai trò của người lớn và giúp chúng có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.
- Được tự do vui chơi, khám phá sẽ giúp trẻ bày tỏ mọi cảm xúc của mình, từ đó xua tan những cảm xúc tiêu cực đồng thời thay thế chúng bằng những cảm xúc tích cực.
- Trẻ em chơi đùa để điều chỉnh mức độ kích thích trong hệ thống thần kinh trung ương.
- Chơi đùa sẽ cho phép các trẻ tìm hiểu về thế giới thực xung quanh chúng, từ đó học hỏi về tính xác thực của cuộc sống và mục đích của các đối tượng và hành động.
Trẻ được vui chơi là được tự do phát triển (Ảnh minh họa)
- Chơi đùa giúp phát triển nhận thức và khuyến khích tư duy trừu tượng ở trẻ.
- Thông qua việc vui chơi, trẻ sẽ học được cách đưa ra quyết định, thực hiện quyền tự kiểm soát, ứng phó với những tình huống khó khăn và tuân theo các quy tắc.
- Trẻ được tự do vui chơi đồng nghĩa với việc trẻ được phát triển các kỹ năng vận động và giúp trẻ có sức khoẻ tốt cân đối hài hoà.
Nguồn: Tổng hợp