Liệu bạn đã biết rằng: Cách trò chuyện của cha mẹ - con cái trong cuộc sống hàng ngày có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí não của trẻ. Trẻ nói chuyện với cha mẹ càng nhiều, vỏ não càng vận động nhiều hơn, dẫn tới sự phát triển về tư duy logic, tổ chức ngôn ngữ và nhận thức.

Mỗi ngày, cha mẹ cần bỏ ra ít nhất vài phút để trò chuyện và tương tác với con. Đây chính là vũ khí bí mật để nuôi dạy những đứa trẻ xuất sắc - điều đã được các nhà khoa học của Đại học Harvard nghiên cứu và kết luận.

1. Trẻ em có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt hơn

Trong những tương tác hàng ngày, khi đứng trước sự lựa chọn, chúng ta nên hỏi trẻ và để trẻ tự quyết định. Đối với những đứa trẻ còn nhỏ tuổi, cha mẹ hãy đặt ra các câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như: “Hôm nay con sẽ mặc áo khoác xanh hay áo khoác trắng?”,... Đối với những trẻ lớn hơn, hãy đặt cho con một số câu hỏi mang tính thử thách.

Ví dụ, bộ phim con muốn xem sẽ chiếu vào cuối tuần, nhưng chuyến dã ngoại của trường tổ chức cũng diễn ra vào khoảng thời gian này. Cha mẹ có thể hỏi: "Vậy con thấy giữa việc xem phim và tham gia dã ngoại với bạn học, điều nào thú vị, nên làm hơn vào dịp cuối tuần".

Cha mẹ cần tránh đưa ra quyết định trực tiếp cho con, nhưng hãy sử dụng các cuộc trò chuyện để não bộ của trẻ có cơ hội vận động, để trẻ học cách cân nhắc những ưu và khuyết điểm, không ngừng thực hành đưa ra những lựa chọn khôn ngoan trong các trường hợp xung đột. Khi trẻ lớn lên, chúng sẽ không gặp khó khăn trong việc lựa chọn, và sẽ có thể đưa ra quyết định có lợi nhất vào những thời điểm quan trọng.

2. Sự hiểu biết của trẻ về bản thân ngày càng sâu sắc

Một đứa trẻ chuẩn bị đi cắm trại ở trường học. Người mẹ hơi lo lắng khi con lần đầu tiên đi xa nhà nên đã hỏi: “Con sắp đi đến một nơi xa lạ, có thấy nhớ nhà không?”.

Cô con gái nghĩ về điều đó và đưa ra một câu trả lời mơ hồ: "Có thể". Sau đó người mẹ hỏi tiếp: "Con sẽ làm gì nếu thực sự nhớ nhà?".

Cô con gái đặt quyển sách trên tay xuống và nghiêm túc suy nghĩ: "Nhớ nhà thì có thể trò chuyện với các bạn trong lớp hoặc làm một điều gì đó thú vị. Con nhớ khi mẹ về muộn, con đã tìm ở nhà một quyển sách và tập trung đọc. Có lẽ con có thể mang theo cuốn sách đó".

Người mẹ trong câu chuyện chỉ dành vài phút trò chuyện với con gái, để đứa trẻ suy nghĩ về những tình trạng tâm lý và giải pháp mà mình có thể gặp phải, từ đó đứa trẻ nâng cao khả năng hiểu bản thân. Trong cuộc trò chuyện, trẻ càng nghĩ nhiều về những thay đổi bên trong thì càng có khả năng phản ứng chính xác với thế giới bên trong và bên ngoài của mình.

3. Mối quan hệ cha mẹ - con cái càng hài hòa

Cha mẹ thường xuyên trò chuyện với con sẽ giúp xây dựng một mối quan hệ thoải mái, ấm áp và hạnh phúc. Chỉ bằng cách trò chuyện, giao tiếp thường xuyên thì gia đình mới có thể gắn bó khăng khít và thiết lập nên mối quan hệ cha mẹ con cái hài hòa.

Tuy nhiên, cha mẹ nói chuyện với con thế nào mới đúng cách?

- Nói về những gì đứa trẻ quan tâm

Khi giao tiếp với con, cha mẹ cũng có thể nói nhiều hơn về những gì con quan tâm, những gì chúng thích, những gì chúng đã làm thành công và những điều mới mà chúng đã khám phá được gần đây. Bằng cách trao quyền chủ động cho trẻ, cha mẹ có thể đi sâu hơn vào thế giới của trẻ.

- Hướng dẫn trẻ suy nghĩ

Khi trò chuyện, cha mẹ cần khơi gợi vấn đề cho trẻ, để trẻ vận động trí não, nâng cao khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề. Cha mẹ Do Thái có quy tắc trò chuyện với con rất thú vị, đó là liên tục đặt câu hỏi trong quá trình tương tác với trẻ, để hướng trẻ suy nghĩ nhiều hơn. Chẳng hạn như:

- "Nhìn đứa nhỏ kia khóc, có phải gặp phải chuyện gì buồn không?".

- "Nếu con là người gặp khó khăn, con sẽ làm gì?".

- "Đề nghị của mẹ là thế này, con có ý tưởng nào hay hơn không?".

- Bận rộn đến mấy cũng dành thời gian trò chuyện với con

Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Leif Esquith từng nói rằng: Dù bận rộn đến đâu. hàng ngày bạn cũng nên dành thời gian để dùng bữa cùng con. Vì đây là cơ hội tốt nhất giao tiếp với trẻ.

Mọi cuộc nói chuyện với con trẻ nên nhẹ nhàng và dễ chịu, hơn là trang trọng và nặng nề. Và mỗi khi trò chuyện, hãy nhớ trò chuyện bằng những câu hỏi để định hướng tư duy và kích thích vỏ não của trẻ.