Bạn có biết bàn tay và não bộ có liên quan mật thiết với nhau, mỗi cử động của ngón tay đều ảnh hưởng đến chức năng của não không? Khi tay càng cử động linh hoạt, nó càng thúc đẩy sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của trẻ. Vậy nên, bố mẹ cần hiểu được đặc điểm phát triển bàn tay của trẻ theo từng giai đoạn, từ đó thúc đẩy IQ của trẻ tăng lên nhờ những bài tập thể dục tay.
Trẻ sơ sinh vốn có bản tính tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh thông qua việc cầm nắm hay sờ mó. Lúc này, các ngón tay là bộ phận quan trọng để trẻ khám phá, cho phép chúng cảm nhận và hiểu thế giới một cách trực quan hơn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi ngón tay của một đứa trẻ càng linh hoạt, não bộ của chúng càng phát triển mạnh mẽ. Điều này được cho là do khi các ngón tay trẻ tiếp xúc với mọi thứ, nó sẽ không ngừng kích thích sự liên kết của các tế bào thần kinh não bộ, tác động rất lớn tới khả năng nhận thức của trẻ. Khi trẻ sơ sinh ngày càng nhận thức được những điều mới lạ, chúng sẽ hứng thú hơn về thế giới xung quanh, ngày càng thích tìm tòi, khám phá, giúp cải thiện IQ một cách tự nhiên.
Tay và não bộ có mối quan hệ chặt chẽ như thế nào?
Trong một bài báo xuất bản vào ngày 26/3/2020 trên tạp chí Cell, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ não và thấy rằng, các vùng vận động của bàn tay cũng kết nối với toàn bộ cơ thể.
Frank Willett, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại khoa Thần kinh, Đại học Stanford cho biết: "Nghiên cứu này lần đầu tiên cho thấy một vùng não trước đây được cho là chỉ kết nối với cánh tay và bàn tay có liên quan đến toàn bộ cơ thể".
Các nhà khoa học tại Viện Y khoa Howard Hughes cũng chia sẻ: "Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, khu vực này có một mã thần kinh chia sẻ liên kết tất cả các bộ phận cơ thể với nhau".
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, mỗi ngón tay của một người tương ứng với một vùng não nhất định của não và việc tập thể dục tay thích hợp có thể có tác động tích cực đến chức năng của nó. Các bài tập ngón tay có thể thúc đẩy sự phân hóa và phát triển vùng não tương ứng. Một số bài tập tay cũng có tác dụng điều trị đối với những mô não bị tổn thương.
Chẳng hạn như ngón cái của bàn tay phải tương ứng với vỏ não trước trán bên phải, liên quan tới chức năng tâm thần của con người như giao tiếp, phán đoán, ra quyết định, quản lý… Ngón trỏ của bàn tay phải tương ứng với thùy trán của não trái, có ảnh hưởng đến chức năng tư duy của con người như suy luận logic, diễn đạt ngôn ngữ… Mỗi một ngón tay có liên quan mật thiết tới từng vùng não nhất định.
Lợi ích khi trẻ có ngón tay linh hoạt
Khi một đứa trẻ có ngón tay linh hoạt, nó sẽ kích thích sự phát triển của não bộ, giúp trẻ trở nên thông minh hơn. Có 2 lợi ích chính khi sở hữu những ngón tay linh hoạt:
- Tiếp thu ngôn ngữ nhanh
Khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với nhiều thứ và cảm nhận bằng tay, chúng sẽ dần biết được hình dạng, công năng, kết cấu, kích thước… của đồ vật. Bằng cách chạm vào từng đồ vật cụ thể, trẻ không chỉ học nhanh về tên gọi của đồ vật đó mà còn hiểu sâu hơn về từ vựng. Lúc này, trẻ sẽ huy động hết khả năng linh hoạt của bàn tay và phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
- Cải thiện sự tập trung
Khi bố mẹ luyện tập sự linh hoạt các ngón tay cho trẻ, nó cũng cải thiện sự tập trung của trẻ rất nhiều. Thông qua các bài tập tay như đánh đàn, cầm chuỗi hạt… nó sẽ không chỉ giúp tay của trẻ linh hoạt hơn, mà còn rèn được tính kiên nhẫn và khả năng tập trung. Tất nhiên, khi trẻ còn nhỏ, sự tập trung khó có thể rèn luyện được trong thời gian ngắn, nhưng bố mẹ nên kiên trì làm đi làm lại những việc như thế này nhiều lần.
Làm thế nào để trẻ rèn luyện khả năng vận động tay tốt hơn?
Tùy theo từng độ tuổi mà có những bài tập rèn luyện các ngón tay khác nhau, chẳng hạn như sau:
1. Từ lúc mới sinh đến 1 tuổi
Trẻ ở độ tuổi này khó điều khiển sự linh hoạt của đôi bàn tay nên bố mẹ cần chú trọng đến một số điều sau:
- Thúc đẩy sự phát triển xúc giác
Trẻ dưới 3 tháng tuổi, bàn tay còn chưa cử động nhiều, các ngón tay thường nắm chặt. Lúc này, bố mẹ có thể dùng ngón tay của mình hoặc món đồ chơi nhỏ để cho trẻ nắm thay đổi, hoặc có thể thường xuyên xoa bóp để thúc đẩy sự phát triển của xúc giác bàn tay của trẻ.
- Tăng cường khả năng cầm nắm
Sau khi được 3 tháng tuổi, trẻ sẽ từ từ duỗi tay ra, bắt đầu cầm nắm đồ vật và mút tay nhiều hơn. Vì vậy, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cầm nắm nhiều thứ hơn. Cần lưu ý, bố mẹ không nên ngăn cản hành động mút tay của trẻ lúc này, đó là một cách khác để trẻ khám phá và điều khiển cảm xúc của bản thân. Điều bố mẹ nên làm là lau tay cho trẻ thường xuyên để giữ sạch sẽ.
- Tăng cường sức mạnh tay
Khi được 8 tháng tuổi, phần lớn trẻ đều có thể ngồi và bò. Trẻ ở độ tuổi này không chỉ thích ném đồ đạc mà còn thích lấy một số đồ to và nặng. Vì vậy, bố mẹ hãy cùng trẻ chơi một số trò chơi giúp tăng cường sức mạnh tay như trò chơi ném bóng. Bố mẹ có thể lăn quả bóng cho trẻ rồi hướng dẫn trẻ lăn lại quả bóng.
2. Từ 1 đến 2 tuổi
Sau 1 tuổi, các chi của trẻ trở nên linh hoạt hơn rất nhiều, có sự phối hợp giữa tay và mắt. Bố mẹ có thể sử dụng các vật dụng hoặc đồ chơi thông thường trong nhà để tập trung rèn luyện sự linh hoạt tay và mắt của trẻ. Bằng cách này, trẻ sẽ có hứng thú hơn với việc khám phá thế giới xung quanh. Bố mẹ có thể mua một số bộ đồ chơi xếp hình khối hoặc chơi với cát.
3. Từ 2 đến 3 tuổi
Vào thời điểm này, trẻ gần như phát triển hoàn thiện về mọi mặt nên khả năng phối hợp cổ tay, lòng bàn tay, ngón tay tương đối tốt. Bố mẹ có thể tập trung vào việc trau dồi khả năng kiểm soát ngón tay và sự phối hợp giữa tay và não của trẻ.
Để rèn luyện khả năng điều khiển tay của trẻ, bố mẹ có thể dạy trẻ cầm thìa, cài cúc áo, xỏ dây giày. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dạy trẻ xếp giấy origami, vẽ, tô màu…
Nguồn: Sciencedaily, Zhihu