Trong cuộc chiến chống lại COVID-19, nhiều công ty dược phẩm đang cố gắng sử dụng các chiến lược hoàn toàn mới để tạo ra vắc-xin. Điển hình có thể kể đến Moderna với vắc-xin mRNA và Inovo với vắc-xin DNA. Các công nghệ vắc-xin dựa trên bộ gen virus này mới chỉ được phát minh và sử dụng trong một vài năm gần đây.

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, một số nhà khoa học nghĩ rằng họ cũng có thể tận dụng các vắc-xin cũ để chống lại SARS-CoV-2, chủng virus corona đang gây ra đại dịch COVID-19. Ý tưởng xuất phát từ kết quả của một nghiên cứu đăng trên medRxiv, trong đó các nhà khoa học khảo sát tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 ở 178 quốc gia từ ngày 9 đến 24 tháng 3.

Trong khi phân tích dữ liệu, họ nhận thấy một dấu hiệu rất lạ. Tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 ở các nước không có chính sách tiêm chủng vắc-xin BCG trên trẻ sơ sinh cao gấp 10 lần so với các nước vẫn đang phổ cập loại vắc-xin này.

Nghiên cứu: Một loại vắc-xin có tuổi đời 100 năm có thể giúp con người chống lại đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Nghiên cứu: Một loại vắc-xin có tuổi đời 100 năm có thể giúp con người chống lại đại dịch COVID-19? - Ảnh 2.

BCG hay Bacillus Calmette-Guérin là một vắc-xin phòng bệnh lao thường được tiêm cho trẻ sơ sinh ở các quốc gia có bệnh lưu hành. Nếu bạn đã tiêm vắc-xin này từ nhỏ, trên bắp tay bạn có thể sẽ có một vết sẹo đặc trưng.

Một số các quốc gia phát triển như Mỹ, Ý và Hà Lan không có chính sách tiêm BCG toàn dân, bởi bệnh lao không còn phổ biến trong dân số của họ. Tuy nhiên trong đại dịch COVID-19, chính các quốc gia này lại có tỷ lệ nhiễm và tử vong do cao gấp 10 lần khiến các nhà khoa học nghĩ, có thể vắc-xin BCG có tác dụng ngăn chặn COVID-19 theo một cơ chế nào đó.

Trên thực tế, lao và COVID-19 là hai bệnh rất khác nhau - lao là bệnh do vi khuẩn gây ra trong khi Covid-19 là bệnh do virus. Nhưng theo bác sĩ Denise Faustman, giám đốc nghiên cứu miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, vắc-xin BCG có thể giúp mọi người xây dựng các phản ứng miễn dịch đối với cả các căn bệnh khác ngoài lao.

Nó được gọi là "tác dụng ngoài mục tiêu", bác sĩ Faustman nói. Trước đây, bà đã từng nghiên cứu tác dụng của vắc-xin BCG trên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1, và nhận thấy dường như nó có thể tạo ra phản ứng miễn dịch có lợi cho những người mắc bệnh tự miễn.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy vắc-xin BCG có thể được sử dụng như một liệu pháp miễn dịch trên bệnh nhân ung thư bàng quang. Trẻ sơ sinh khi được tiêm BCG cũng có tỷ lệ tử vong vì nhiều nguyên nhân thấp hơn, và đặc biệt là giảm khả năng mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp.

Điển hình như một thử nghiệm ngẫu nhiên trên 2.320 trẻ sơ sinh ở Guinea-Bissau, Tây Phi năm 2011 cho thấy những đứa trẻ nhẹ cân đã giảm tỷ lệ tử vong sau khi tiêm BCG. Một thử nghiệm tiếp theo đã báo tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm thấp hơn tới 40% ở những đứa trẻ nhẹ cân được tiêm vắc-xin này.

Các nghiên cứu dịch tễ học khác - bao gồm nghiên cứu kéo dài 25 năm trên 150.000 trẻ em ở 33 quốc gia - đã báo cáo tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính thấp hơn 40% ở những đứa trẻ được tiêm vắc-xin BCG.

Các chuyên gia cho biết, vắc-xin BCG dường như đã đào tạo hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với nhiều loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.

"Nói cách khác, vắc-xin lao BCG đang tạo ra nhiều lợi ích tích cực khác mà không liên quan gì đến bệnh lao", bác sĩ Faustman nói.

Nghiên cứu: Một loại vắc-xin có tuổi đời 100 năm có thể giúp con người chống lại đại dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Bác sĩ Denise Faustman, giám đốc nghiên cứu miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.

Dựa trên các bằng chứng hiện có về BCG, bây giờ một số nhóm nghiên cứu bắt đầu tiêm thử nghiệm vắc-xin này cho các y tá, bác sĩ làm việc trên tuyến đầu của đại dịch, để xem nó có đem lại hiệu quả hay không.

Vào thứ Hai, các nhà khoa học tại Đại học Melbourne, Australia, bắt đầu chia nhóm hàng ngàn y tá, bác sĩ, nhà trị liệu hô hấp và nhân viên y tế để tiêm cho họ vắc-xin BCG hoặc giả dược. Đây là một thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng đầu tiên để kiểm tra xem liệu nhóm tiêm BCG sẽ có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp hơn nhóm tiêm giả dược hay không.

Nigel Curtis, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Melbourne và Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch cho biết ông cũng mong đợi những bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi tiêm BCG có thể quản lý các triệu chứng nhẹ hơn hoặc phục hồi nhanh hơn.

"Vắc-xin BCG là một loại thuốc chữa bách bệnh. Những gì chúng tôi muốn làm là giảm thời gian một nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm bệnh, để họ phục hồi và có thể quay lại làm việc nhanh hơn", Nigel Curtis nói.

Một thử nghiệm lâm sàng tương tự trên 1.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng đã được khởi động tại Hà Lan. Tiến sĩ Mihai G. Netea, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud ở Nijmegen cho biết ít nhất 800 nhân viên y tế Hà Lan đã đăng ký để được tiêm vắc-xin BCG.

Giống với nghiên cứu ở Australia, một nửa số người tham gia sẽ nhận được giả dược.

Nghiên cứu: Một loại vắc-xin có tuổi đời 100 năm có thể giúp con người chống lại đại dịch COVID-19? - Ảnh 4.

Vắc-xin BCG đã có tuổi đời hơn 100 năm và được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là vắc-xin an toàn nhất từng được phát triển trên thế giới.

Bản thân bác sĩ Faustman cũng đang xây dựng kế hoạch để thử nghiệm lâm sàng vắc-xin BCG trên 4.000 nhân viên y tế ở Boston, những người ở trên tuyến đầu của đại dịch COVID-19. Vắc-xin BCG đã có tuổi đời hơn 100 năm và được chứng minh là tương đối an toàn, bà nói.

"BCG được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là vắc-xin an toàn nhất từng được phát triển trên thế giới", bác sĩ Faustman cho biết thêm. "Hơn 3 tỷ người đã nhận được nó".

Loại vắc-xin phòng ngừa lao này có một lịch sử khá thú vị. Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, một số nhà khoa học quan sát thấy những người vắt sữa bò rất hiếm khi mắc bệnh lao. Từ đó, hai bác sĩ Albert Calmette và Camille Guérin mới phát hiện ra một chủng vi khuẩn lao lây nhiễm trên bò có tên là mycobacterium bovis đã giúp những người vắt sữa xây dựng được hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn lao trên người.

Họ đã trích xuất chủng vi khuẩn này ra khỏi vú những con bò, nuôi cấy chúng trong hơn 1 thập kỷ để làm yếu vi khuẩn này, biến nó thành vắc-xin BCG. Tên của vắc-xin này chính là đặt theo tên của hai bác sĩ Albert Calmette và Camille Guérin.

BCG được sử dụng lần đầu tiên trên người vào năm 1921 và chứng minh được sự hiệu quả của nó sau Thế chiến thứ II. Nhưng bây giờ, loại vắc-xin này chỉ còn được sử dụng phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi bệnh lao vẫn còn tỷ lệ lưu hành cao. Ước tính mỗi năm, có khoảng 100 triệu trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin BCG.

Tham khảo CNN, Nytimes