Theo báo Izvestia (Nga), các nhà khoa học mới đây đã thực hiện một số thử nghiệm và rút ra kết luận rằng chế độ giặt 1,5 giờ với xà phòng giặt và nhiệt độ trên 60°C có đủ khả năng loại bỏ SARS-Cov-2 trên quần áo. Phương pháp này - so với việc xử lý bằng cồn và các chất tẩy có chứa clo - sẽ không làm hỏng những loại vải tự nhiên, lanh và bông.
Giặt đúng cách
Kể cả khi phải cách ly toàn diện, mọi người vẫn phải tiếp xúc với người thân, bạn bè và người quen. Các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết virus corona có thể tồn tại trên các bề mặt như nhựa và kim loại không gỉ lên tới vài ngày. Điều đó có nghĩa rằng, mầm bệnh có thể bám cả trên những chi tiết nhỏ trên quần áo và giày dép khi một người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.
Việc chạm vào cúc hoặc khóa quần áo, sau đó chạm lên mặt có thể gây lây nhiễm. Nhưng nếu sử dụng chất có cồn, clo hoặc oxy già để khử trùng thì sẽ làm hại tới chất liệu da và một số loại vải trong khi tia cực tím lại không mang lại hiệu quả. Phương án khả thi duy nhất chính là giặt quần áo đúng cách.
Ảnh: RIA Novosti
Vài năm trước, nhóm các nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã phát hiện được mức nhiệt độ mà virus SARS bị tiêu diệt. Đây là loại virus đã từng gây ra bệnh hô hấp cấp tính nặng vào giai đoạn năm 2002-2003 và có nhiều điểm tương đồng với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Theo lãnh đạo Trung tâm Khoa học Giáo dục về Nghiên cứu Di truyền tại Đại học Sibiri (Nga), SARS và SARS-Cov-2 rất giống nhau, bởi vậy có thể suy đoán rằng chúng sẽ ngừng hoạt động ở cùng khoảng nhiệt độ và có điều kiện sinh tồn khá tương đồng.
Thí nghiệm với dịch bệnh
Ban đầu, các tác giả của nghiên cứu trên đã tách chủng SARS từ chất nhờn lấy từ họng của bệnh nhân. Những tính chất của virus corona sau khi xử lý đã được nghiên cứu bằng việc sử dụng các loại thí nghiệm, bao gồm thí nghiệm trực quan bằng kính hiển vi cũng như công nghệ phân tích gen. Hoạt động của mầm bệnh được đánh giá theo phản ứng tế bào - khả năng thay đổi cấu trúc bên trong tế bào của vật chủ.
Các nhà khoa học đã bảo quản chủng virus này từ 15 phút đến 2 tiếng đồng hồ trong 6 mức nhiệt độ khác nhau. Họ phát hiện được rằng hoạt động của virus không hề thay đổi trong nhiệt độ từ 4°C đến 37°C, thậm chí trong 2 tiếng tồn tại trong ngưỡng nhiệt độ này.
Sau đó, khi tăng nhiệt độ và trong thời gian ủ bệnh, phản ứng tế bào bắt đầu yếu đi và cuối cùng biến mất hoàn toàn. Cụ thể, khi cho virus vào môi trường nhiệt độ 56 °C, 67°C và 75°C trong vòng 90 phút, 60 phút và 30 phút, virus ngừng hoạt động hoàn toàn.
Khi tác động trong thời gian ngắn bằng các mức nhiệt độ cao (67°C và 75°C), khả năng virus corona xâm nhập vào cơ thể người hoặc động vật giảm đáng kể, thậm chí chỉ sau thời gian tiếp xúc nhiệt khoảng 15 phút.
Ảnh: Depositphotos
"Nhiệt độ ngừng hoạt động của SARS-CoV và SARS-CoV 2 là hoàn toàn tương đồng. Những sự khác biệt trong bộ gen chỉ là 20%, còn cấu trúc chung của phân tử virus và bộ protein không khác nhau là mấy.
Ngoài nhiệt độ, những chất hoạt động bề mặt có trong các loại bột giặt cũng có thể tiêu diệt virus. Theo quan điểm của tôi, chu trình giặt kéo dài 90 phút, với nhiệt độ 60°C sẽ giúp đảm bảo quét sạch virus trên quần áo," ông Sergei Netesov, trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học và Virus Đại học Novosibirsk (Nga), viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những chất hoạt động bề mặt không tiêu diệt được virus, nhưng sẽ quét sạch chúng cùng với các hạt bụi.
Thay đổi vì sức khỏe cộng đồng
Các chuyên gia trong lĩnh vực may mặc đã đánh giá tác động của việc xử lý bằng phương pháp này tới chất lượng quần áo. Các máy giặt hiện đại có chế độ giặt ở nhiệt độ cả 60°C lẫn 95°C.
"Chế độ giặt với nhiệt độ 60°C không thích hợp lắm đối với các loại vải, thậm chí cả khi quá trình giặt kéo dài 30 phút và với chế độ vắt không quá mạnh. Chỉ các loại vải tự nhiên như lanh, bông hoặc vải có chứa một ít thành phần polyamide mới có thể chịu được chế độ giặt này. Tất cả những loại vải còn lại không phù hợp với nhiệt độ nêu trên.
Ví dụ, len có thể sẽ bị co rút nhiều. Những sản phẩm từ các loại vải mỏng nhẹ bằng sợi tự nhiên, cũng như sợi tổng hợp có thể sẽ bị thay đổi cấu trúc, mất dáng hoặc bị rách. Chúng cần phải được giặt rất cẩn thận," bà Irina Rybaulina, Trưởng khoa Nghệ thuật Trang trí và Dệt may Ứng dụng của Đại học Quốc gia Nga, cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh rằng không nên quá chú trọng giữ gìn quần áo, đặc biệt khi liên quan tới sức khỏe và cuộc sống của những người xung quanh.