Những năm gần đây, mạng xã hội tràn ngập các bài viết như “Tuổi trung niên là giai đoạn khó khăn”, "Làm sao để vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên?"... Khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sau đại dịch, suy thoái kinh tế trầm trọng, con người ta lại càng dễ dàng mất hết lòng tin vào tương lai.
Tờ The Economist đã từng xuất bản một bài báo vào năm 2010 với tên gọi "Khúc cong hình chữ U của cuộc đời", mô tả rằng con người sẽ hạnh phúc hơn sau tuổi trung niên, gần như đi ngược lại điều mà thời nay nhiều người vẫn nghĩ.
Bài báo trích dẫn nhiều cuộc khảo sát xã hội để lập luận rằng hạnh phúc của con người giảm dần từ tuổi trẻ đến tuổi trung niên, và sự tụt giảm này sẽ tiếp tục chạm đáy - mốc thời gian thường được gọi là “khủng hoảng tuổi trung niên”. Tuy nhiên, sau mốc này, từ đáy chữ U đi lên, con người ta sẽ đạt được một thứ quý giá: Hạnh phúc.
Tác giả cho biết, đường cong hình chữ U vẫn tồn tại ngay cả khi bị tác động bởi những yếu tố khác như kinh tế, tình trạng việc làm và số con. Nếu tính dân số trung bình của tất cả các quốc gia trên thế giới, cuộc sống tốt đẹp bắt đầu ở tuổi 46.
Nhìn từ góc độ tâm lý học, tuổi tác sẽ có 4 loại tác động đến con người:
1. Mất mát
Từ tuổi trẻ nhiệt huyết đến tuổi trung niên, con người dần đánh mất nhiều thứ quan trọng như sức khỏe, vóc dáng, tinh thần mạo hiểm, năng lực trí óc (như khả năng ghi nhớ) và những trải nghiệm mất mát về tinh thần. Những điều này tất nhiên có thể gây ra lo lắng và sợ hãi, mức độ tùy thuộc vào sự vững vàng trong tâm trí của mỗi người. Nhưng cũng vì kinh qua nhiều mất mát này, chúng ta mới biết trân trọng mọi thứ hơn.
2. Trưởng thành
Yếu tố trưởng thành và hai loại tác động kể sau đều có thể bù đắp cho tác động tiêu cực của “mất mát” ở một mức độ nhất định. Khi trưởng thành, con người có được trí tuệ kết tinh quý giá (như kinh nghiệm và kỹ năng sống), giúp giải quyết các vấn đề và thử thách tốt hơn, đồng thời cũng giúp chúng ta trân trọng những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống và sự nghiệp hơn.
3. “Bắt đầu lại”
Chúng ta có thể sắp xếp lại trình tự các mục tiêu cuộc sống. Bởi vì người già biết rằng bản thân không còn nhiều thời gian nên thường cố gắng sống trọn từng phút giây, tận hưởng hiện tại và biết gom nhặt những hạnh phúc nhỏ bé đời thường. Họ không còn cạnh tranh thắng thua với người khác mà tập trung vào lòng biết ơn và sự tôn trọng thông qua việc giúp đỡ và cho đi.
4. Dung dị
Con người khi đã nếm đủ loại hương vị của cuộc sống, tâm lý và cảm xúc của họ sẽ có những điều chỉnh to lớn. Khả năng tự điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc của họ sẽ được nâng cao, tiến vào trạng thái ổn định và hiếm khi vui mừng hay buồn bã một cách thái quá. Ngay cả khi đối mặt với một cú sốc lớn, họ vẫn có thể bình tĩnh giải quyết mà không bị mắc kẹt trong sự tức giận hay đau buồn.
Cuộc đời không phải là một đoạn dốc dài, chậm chạp từ vùng cao đầy nắng đến thung lũng chết. Thay vào đó, nó là một khúc cua hình chữ U. Ở tuổi 40, bạn mới đi được nửa chặng đường cuộc đời. Thêm vài tuổi, người ta càng có nhiều khả năng trải nghiệm hạnh phúc hơn.
Thật ra, con người ta dù ở độ tuổi nào cũng đều là sự bắt đầu, chỉ cần giữ cái tâm luôn cởi mở và không bỏ cuộc. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ hiểu, thời gian không khiến chúng ta già đi, mà “thủ phạm” chính là thái độ của mỗi người dùng để đối xử với cuộc đời này.