Tiến sĩ Wendell Johnson, sinh năm 1906, là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông sinh ra ở Roxbury, Kansas và có một cuộc sống bất thường. Thời thơ ấu của Wendell trôi qua êm đềm cho đến khi khoảng 5-6 tuổi, một giáo viên nói với cha mẹ của ông rằng Wendell bắt đầu có tật nói lắp. Từ đó, ông phải trị liệu bằng các phương pháp khác nhau.

Đến năm 16 tuổi, khả năng nói của Wendell càng trở nên tồi tệ hơn, phải đến một ngôi trường chuyên dành cho trẻ nói lắp. Ông ở lại trường 3 tháng nhưng không cải thiện được tình hình. Kể từ đó, Wendell luôn bị ám ảnh bởi khả năng nói của mình và điều này dần trở thành động lực để thúc đẩy ông thực hiện một cuộc nghiên cứu gây tranh cãi trong lịch sử nhân loại.

Vào những năm 1930, người ta tin rằng bệnh nói lắp là do di truyền và không thể cứu chữa. Tuy nhiên, ông Wendell cho rằng đó là hành vi học được, việc "gán mác" nói lắp cho trẻ em sẽ càng khiến chúng trở nên tệ hơn và trong một vài trường hợp sẽ đẩy một đứa trẻ bình thường rơi vào cảnh lắp bắp. Để chứng minh cho ý kiến cá nhân, ông đã tiến hành "thí nghiệm Quái vật" của riêng mình.

"Nghiên cứu Quái vật": Hủy hoại cuộc đời của 22 đứa trẻ mồ côi khi các em bất đắc dĩ trở thành "chuột bạch" của cuộc thí nghiệm phi đạo đức - Ảnh 1.

Chân dung tiến sĩ Wendell Johnson.

Nghiên cứu đã chọn 22 đứa trẻ mồ côi để tham gia thí nghiệm. Chúng hoàn toàn không biết mục đích của cuộc nghiên cứu là gì, chỉ biết rằng mình sẽ được trị liệu lời nói. Trong suốt cuộc thí nghiệm, Wendell được hỗ trợ bởi nữ sinh viên Mary Tud. Cô là người trực tiếp tương tác với lũ trẻ.

Trong số này có 10 trẻ bị nói lắp và 12 trẻ nói bình thường. Sau đó mỗi nhóm lại được chia thành 2 nhóm nhỏ: một nhóm được nói rằng chúng có vấn đề về nói lắp và một nhóm thì được nói rằng lời nói của chúng hoàn toàn ổn, không có vấn đề gì. Nghiên cứu kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 5 năm 1939. Mary định kỳ lái xe đến trại trẻ mồ côi và nói chuyện với mỗi đứa trẻ trong khoảng 45 phút theo kịch bản. 

Đối với nhóm bị nói lắp, cô khích lệ và nói rằng chúng chẳng có vấn đề gì về phát âm cả, các em được khuyến khích khả năng nói trôi chảy và thể hiện bản thân trước đám đông của mình. Đối với nhóm bình thường, cô lại nói rằng phát âm của chúng thật tệ và chúng bị nói lắp. Các em luôn luôn bị chê trách mỗi khi cất lời cũng như bị mắng mỏ vì nói chuyện không trôi chảy. Thậm chí, các em còn bị đay nghiến chỉ vì quá sợ hãi mà lắp bắp không nên câu. Những người thực hiện nghiên cứu còn nói với các em rằng: "Đừng bao giờ mở miệng nói câu nào cho tới khi em nói trôi chảy hơn".

"Nghiên cứu Quái vật": Hủy hoại cuộc đời của 22 đứa trẻ mồ côi khi các em bất đắc dĩ trở thành "chuột bạch" của cuộc thí nghiệm phi đạo đức - Ảnh 2.

22 đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ trở thành vật thí nghiệm.

Kết quả là 6 đứa trẻ vốn bình thường nay bỗng mắc tật nói lắp sau khi phải chịu đựng những "liệu pháp chữa bệnh" kinh dị của Wendell. Các em đã bị "ép" mắc tật nói lắp chỉ để thỏa mãn ý kiến cá nhân của một nhà khoa học có cái tôi quá cao. Trong 6 đứa trẻ bị nói lắp được khích lệ rằng chúng không có vấn đề gì thì có 2 trẻ thậm chí bị suy giảm về khả năng phát âm lời nói. 

Những đứa trẻ bình thường bị ép nói lắp ngày càng sợ sệt trước lời nhận xét từ người lạ, rụt rè và kém tự tin hơn trước rất nhiều do thường xuyên chịu lời chỉ trích trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu. Chúng thậm chí còn tin rằng bản thân thực sự mắc bệnh nói lắp và chẳng có phương thuốc nào chữa trị thành công tật này cả. Chúng bắt đầu ít nói hơn, khả năng giao tiếp cũng giảm mạnh và không còn vui vẻ như trước nữa.

Nhận ra sự hủy hoại đáng sợ của cuộc thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cố gắng sửa sai, khôi phục trạng thái ban đầu cho bọn trẻ nhưng không có kết quả. Dường như tác động từ thí nghiệm đã ăn sâu vào nhóm trẻ mồ côi bị "gắn mác" nói lắp và các em phải vật lộn với hậu quả của cuộc thử nghiệm phi đạo đức đó trong suốt phần đời còn lại.

"Nghiên cứu Quái vật": Hủy hoại cuộc đời của 22 đứa trẻ mồ côi khi các em bất đắc dĩ trở thành "chuột bạch" của cuộc thí nghiệm phi đạo đức - Ảnh 1.

Wendell đã quay lại thăm những đứa trẻ này một vài lần sau khi nghiên cứu kết thúc, cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sau nghiên cứu cho chúng. Tuy nhiên, điều đó không đem lại kết quả thiết thực nào. Tiến sĩ này qua đời vào năm 1965 với ám ảnh về những gì mình đã gây ra trong cuộc nghiên cứu mang tên Quái vật ấy.

Năm 2001, tức 36 năm sau khi Wendell qua đời, Đại học Iowa, nơi nhà nghiên cứu này làm việc vào thời gian ông thực hiện "Nghiên cứu Quái vật", đã lên tiếng xin lỗi chính thức và thừa nhận thí nghiệm này thực sự đáng hối tiếc, không thể bào chữa. Sau 6 năm đấu tranh pháp lý, 6 nạn nhân của thí nghiệm được bồi thường tổng cộng 925.000 USD vào năm 2007.

Dù số tiền đền bù đã được đưa ra nhưng những thiệt hại thực tế gây ra cho những đứa trẻ là không có gì đong đếm nổi. Sự kinh khủng nhất và phi đạo đức của cuộc thí nghiệm đó chính là những đứa trẻ mồ côi trở thành "con chuột bạch" mà các em không hề hay biết gì. Dù biết sẽ nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ dư luận và có thể để lại hậu quả nặng nề nhưng những người thực hiện nghiên cứu này vẫn bất chấp tất cả và đem những đứa trẻ vô tội ra làm vật thí nghiệm để thỏa mãn sự ích kỷ cá nhân. Đây là bài học đau lòng của ngành khoa học thí nghiệm và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhân loại.

"Nghiên cứu Quái vật": Hủy hoại cuộc đời của 22 đứa trẻ mồ côi khi các em bất đắc dĩ trở thành "chuột bạch" của cuộc thí nghiệm phi đạo đức - Ảnh 5.

Cuộc thí nghiệm đã để lại hệ lụy nghiêm trọng cho những đứa trẻ tội nghiệp.

Nguồn: Daily Mail