Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, đề tài nghiên cứu do Tiến sĩ Gili Regev Yochay – Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm - làm chủ nhiệm đã lấy mẫu máu của 40 nhân viên y tế tại Bệnh viện Sheba, trong đó 20 người đã được tiêm mũi tăng cường (mũi 3) phòng COVID-19 cách đây 1 tháng và 20 người chỉ mới tiêm mũi vaccine thứ 2 cách đây 5-6 tháng.
Kết quả cho thấy kháng thể của những người chỉ tiêm 2 mũi không thể chống trả biến thể Omicron, mặc dù vẫn có khả năng chống chọi với biến thể Delta và chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2. Ở người tiêm đủ 3 mũi, khả năng tạo kháng thể đối với Omicron là có, song lại thấp hơn 4 lần so với đối với Delta.
Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Pfizer khẳng định vaccine của hãng cũng có khả năng phòng ngừa biến thể Omicron.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên mới là sơ bộ và nhóm chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ những người tiêm 2 mũi trong thời gian gần đây có khả năng miễn dịch như thế nào với biến thể mới. Ở thời điểm chưa có vaccine phòng chống Omicron hiệu quả, nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chính phủ các nước cân nhắc thực hiện tiêm chủng mũi tăng cường cho người dân vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tối đa sức khỏe của người dân.
Israel bắt đầu triển khai tiêm bổ sung mũi 3 cho người dân kể từ tháng 8 vừa qua. Hiện vẫn còn hàng triệu người đủ điều kiện để tiêm mũi bổ sung nhưng vẫn chưa đi tiêm.
Cùng ngày 11/12, Bộ y tế Israel thông báo đã phát hiện tổng cộng 55 người dân nước này bị nhiễm biến thể Omicron. Trong đó có 36 người trở về từ nước ngoài gồm Nam Phi, Anh, Pháp, Mỹ, UAE, Belarus, Hungary, Italy và Namibia; 11 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những người trở về từ Nam Phi và Anh; và 8 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước sự đe dọa của biến thể mới Omicron có thể gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5, các cơ quan hữu quan Israel đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp kiểm soát đồng thời tính đến việc tiêm mũi vaccine bổ sung sau 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.