Nhiều người có xu hướng trò chuyện với người khác về những lo lắng, quá khứ và tổn thương đã phải chịu đựng. Lúc đầu, họ sẽ có được sự cảm thông của mọi người nhưng càng về sau, tình cảm này dần mất đi và để lại nhiều tổn thương. Họ cứ luẩn quẩn trong vòng tròn: Làm quen - Trở thành bạn thân thiết - Tan vỡ, họ mãi không tìm kiếm cho mình được một người bạn gắn bó dài lâu.
Có bao giờ bạn thắc mắc nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên không? Trước vấn đề này, các nhà nghiên cứu tâm lý học đã tìm ra được câu trả lời phù hợp.
Ranh giới và hiệu ứng "cửa sổ vỡ"
Hiệu ứng "cửa sổ vỡ" được nghiên cứu và đề xuất bởi nhà Tâm lý học người Mỹ Philip Zembado. Trong thí nghiệm vào năm 1969, ông đã chọn 1 tòa nhà đổ nát, đậu 2 chiếc ô tô không có giấy phép gần đó và đập vỡ 1 chiếc ô tô. Một số người thấy hành vi phá hoại liền nhanh chóng bắt chước, dẫn đến hư hỏng toàn bộ nhiều chiếc xe khác.
Thí nghiệm này tiết lộ một hiện tượng tâm lý: Khi con người thấy những dấu hiệu tàn phá hoặc mất trật tự ở môi trường xung quanh thì hành vi của họ dễ bị ảnh hưởng. Họ hình thành lối hành xử tương tự, có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng.
Nguyên tắc đằng sau hiệu ứng "cửa sổ vỡ" tập trung vào 2 yếu tố chính: Tín hiệu và chuẩn mực. Tín hiệu đề cập đến những dấu hiệu tiêu cực như thiệt hại và tàn phá, truyền tải thông tin đến con người, hàm ý rằng các chuẩn mực đã bị phá vỡ.
Chuẩn mực đề cập đến những mong đợi và tiêu chuẩn nhất định của con người đối với hành vi xã hội. Khi những chuẩn mực này bị vi phạm, hành vi của con người sẽ thay đổi tương ứng. Hiệu ứng "cửa sổ vỡ" không chỉ áp dụng cho môi trường thực tế mà còn áp dụng cho các tương tác giữa các cá nhân.
Khi mọi người tương tác với nhau, họ thường quan sát hành vi của người khác và bắt chước hành vi đó. Nếu những người xung quanh bạn thể hiện hành vi tiêu cực, thiếu tôn trọng thì rất có thể, bạn sẽ bị ảnh hưởng và có thể bắt chước.
Hành vi bắt chước này có thể dẫn đến sự xấu đi trong mối quan hệ giữa các cá nhân và làm tăng khả năng xảy ra xung đột, mâu thuẫn.
Có những chuẩn mực xã hội nhất định trong giao tiếp giữa các cá nhân, chẳng hạn như tôn trọng người khác, trung thực và đáng tin cậy,... Tuy nhiên, khi mọi người quan sát những hành vi vi phạm các chuẩn mực của người khác trong tương tác giữa các cá nhân, họ cũng có xu hướng thực hiện những hành vi tương tự. Điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin trong các mối quan hệ và phá hủy bầu không khí tốt đẹp.
Chúng ta có xu hướng kỳ vọng nhất định ở người khác. Những kỳ vọng này liên quan đến hành vi, thái độ, sự hỗ trợ,… của bên kia. Nếu người khác không đáp ứng, điều đó có thể gây ra cảm giác không hài lòng.
Hiệu ứng "cửa sổ vỡ" nghĩa là một khi những vấn đề nhỏ bị bỏ qua dễ làm nảy sinh, làm trầm trọng thêm sự thất vọng, bất mãn.
Ý thức về ranh giới là một điều rất quan trọng. Một khi bạn đã có mối quan hệ sâu sắc với ai đó, bạn sẽ mất đi một mức độ ranh giới nhất định. Khi quá gần gũi với họ, bạn có xu hướng bộc lộ những điểm yếu. Mặc dù sự cởi mở và tin tưởng là nền tảng cho mối quan hệ sâu sắc nhưng nó cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng.
Những kẻ xấu có thể khai thác những lỗ hổng này để làm ảnh hưởng đến mối quan hệ. Chẳng hạn như tấn công bằng lời nói, lạm dụng tâm lý hoặc tiết lộ chuyện riêng tư cá nhân, vu khống, mạo danh,...
Khi mối quan hệ giữa con người quá gần gũi có thể dẫn đến sự mất cân bằng. Một bên trở nên phụ thuộc quá mức vào bên kia và bên kia có thể lợi dụng điều đó. Sự phụ thuộc không đồng đều dẫn đến tổn hại lòng tự trọng, tâm lý và cảm xúc.
Vì vậy, trong giao tiếp giữa các cá nhân, chúng ta phải giữ ranh giới của mình. Duy trì khoảng cách thích hợp, tránh để lộ thông tin cá nhân quá mức. Hãy chú ý đến sự cân bằng và tôn trọng lẫn nhau. Đừng quá phụ thuộc vào người khác mà hãy tôn trọng không gian và ranh giới cá nhân của họ.
Dù vậy, nếu bạn muốn có một mối quan hệ sâu sắc với người khác, bạn phải chuẩn bị tinh thần có thể bị tổn thương.