Nhìn lại căn phòng tan hoang, chị vừa khóc vừa ôm con. Chỉ mới vài phút trước thôi, chồng chị đã mang dông gió về tổ ấm này. Nhìn đứa con mới hơn 1 tuổi còn chưa hết hoảng sợ, chị gạt nước mắt vỗ về thằng bé. Chị nhớ về những ngày xưa, ngày anh hiền lành, chịu khó làm ăn chăm chỉ thương vợ, thương con.

Kể từ khi tai nạn lao động, sức khỏe anh yếu đi, anh trở nên bất cần, lao vào rượu chè. Một thời gian sau chị mới kéo được anh ra khỏi "vũng bùn" ấy. Cứ ngỡ khi sức khỏe hồi phục anh sẽ trở về là người chồng tuyệt vời như trước kia nhưng ai ngờ, chất cồn đã ngấm vào máu anh rồi. Anh cục cằn, thô lỗ, hung hăng và côn đồ.

Ngỡ cứu vãn cuộc hôn nhân với người chồng nghiện ngập nhưng vẫn chăm chỉ làm ăn, ai ngờ, một ngày vợ nhận ra bao hậu quả quá sốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chẳng phải nói đâu xa, ngẫm cũng buồn cười, cuộc đời chị cứ lên voi xuống chó đến mức giờ chị cũng vô cảm luôn. Khi tỉnh thì anh hết lòng với vợ con, khi say anh lại lôi đồ ra đập phá, coi vợ con như chỗ để trút giận, chị ăn đòn là chuyện bình thường. Mặc dù chỉ là vài cái tát, cũng chưa lần nào đến mức bầm dập hay đi viện nhưng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đã trở thành thói quen của anh.

Bên ngoài nhìn vào thì bảo chị như thế là đã hạnh phúc hơn ối người rồi. Con cái cả nếp cả tẻ, kinh tế cũng chẳng đến nỗi khó khăn, chồng thi thoảng rượu vào lời ra nhưng vẫn không quá tệ bạc với gia đình thì cố mà nhắm mắt cho qua. Nhưng đến ngày chị "vỡ kế hoạch" sinh bé thứ 3 này thì anh càng quá quắt.

Mấy lần anh quậy phá, hành chị đủ kiểu chị cũng đã nghĩ đến việc làm đơn ly hôn nhưng cứ nghĩ anh thành ra thế này cũng vì tai nạn năm ấy, vì kiếm tiền lo cho gia đình, và những lúc tỉnh anh lại xin lỗi, lại quan tâm vợ con thì chị mủi lòng. Rồi cứ thế, chị chọn cách sống chung với lũ để 3 đứa con chị có đủ cả bố cả mẹ.

Một ngày, anh lại trở về trong cơn say. Không biết nghe ai kích bác mà anh tra khảo chị, nghĩ chị có bồ bịch bên ngoài. Anh đánh chị, đập phá đồ đạc, còn nghi đứa con thứ 3 không phải con anh. Giữa lúc phẫn uất, chị ném thẳng vào mặt anh tờ đơn ly hôn mà chị lấy ra cất vào tủ không biết bao nhiêu lần.

Anh bất ngờ tuyên bố: "Tôi không kí, tôi không bao giờ bỏ cô. Cô phải sống tiếp với tôi để tôi còn hành hạ cô". Chị rợn người với tiếng cười ha hả của anh. Sợ những câu chuyện xấu nhất nhan nhản trên các mặt báo sẽ xảy đến với mình nên chị không cãi một câu mà lẳng lặng bắt taxi 3 mẹ con về ngoại.

Ngỡ cứu vãn cuộc hôn nhân với người chồng nghiện ngập nhưng vẫn chăm chỉ làm ăn, ai ngờ, một ngày vợ nhận ra bao hậu quả quá sốc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nực cười, sáng hôm sau, khi hoàn toàn tỉnh táo, anh sang nhà ngoại xin lỗi các kiểu rồi đón chị về. Cứ như thế chị sống với những ngày "nắng mưa" thất thường do anh tạo ra. Nhưng chị chẳng thể ngờ, mầm mống từ hậu quả của việc chị đang cam chịu từng ngày nó lớn đến thế nào.

Chiều hôm ấy, đang nấu dở cơm thì hết gia vị, chị chạy ù ra đầu ngõ mua và dặn 3 con tự trông nhau. Chị đi chưa đầy 10 phút mà về nhà đã được chứng kiến cảnh tượng mà có nằm mơ chị cũng không thể nghĩ tới.

Trước mặt chị là con bé thứ 2 tất tưởi chạy ra chạy vào, vừa trông em vừa rán cá. Thằng cu tè dầm rồi gào khóc, nó chạy vội lại thí em mà không được. Nó cáu gắt rồi mắng em hư, quấy nhiễu không biết thương chị. Còn anh cả thì ngồi chễm chệ chơi điện tử, khi con em gái nhờ việc thì nó hếch mặt lên quát: "Đấy không phải việc của tao, tao làm anh tao có quyền, tao thích làm gì thì làm nhé". Thấy con em làu nhàu nó quay ngoắt ra tay vả, chân đá.

Chị hoảng quá chạy vội vào nhà can ngăn các con. Chị hét lên trong bất lực, đứa con trai lớn của chị vẫn không mảy may sợ sệt. Còn con bé thứ 2 thì dậm dật vừa đi vừa quệt nước mắt. Chị ngồi thụp xuống sàn nhà nức nở. Không hiểu sao trong giây phút vừa rồi như một đoạn kịch ngắn tái hiện toàn cảnh gia đình chị. Con gái chị cũng nói nhiều rồi lật đà lật đật tất tưởi chẳng khác nào chị. Thằng lớn, không biết từ bao giờ nó trở nên cục súc như thế. Giọng điệu thì giống hệt bố. Chẳng lẽ, vì lớn lên trong một môi trường bố mẹ không hòa hợp mà chúng thành ra thế này sao?

Chị không ngờ, những trận cãi vã, những va chạm tay chân, mâu thuẫn xung đột gia đình đã gián tiếp nuôi dưỡng tâm hồn non nớt của con trẻ. Chị phải làm gì với anh đây? Chị phải đối diện thế nào với lũ trẻ đây? Cứ thế này sao con chị có thể trưởng thành một cách tốt nhất được. Chị phải dứt điểm thôi, dứt phải phải là đứt hẳn mà chị sẽ âm thầm cho anh một cơ hội tìm lại bản thân.