Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì nửa đầu năm 2024, số vụ ngộ độc thực phẩm chỉ tăng hơn 6% (4 vụ) nhưng số người mắc ngộ độc thực phẩm đã tăng tới hơn 307% (2.942 ca). Trong đó, các ca ngộ độc ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và khu chế xuất tăng cao hơn hẳn.

Những vi khuẩn liên quan tới các ca ngộ độc thực phẩm này có thể kể đến là Salmonella, tụ cầu vàng, Clostridium botulium, Escherichia coli (E. Coli), Bacillus cereus,... Trong trường hợp nghiêm trọng, khi không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới ngộ độc nặng thậm chí là mất mạng. Thực phẩm gây ngộ độc thường là thịt, cá có dấu hiệu ôi thiu, bị ươn. Đồ hộp bị ô nhiễm trong quá trình chế biến.

1. 4 điều cần tránh trong nhà bếp để phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Tin tốt là ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc khi sơ chế thực phẩm trong bếp ăn, bao gồm cả bếp ăn gia đình là điều vô cùng quan trọng. Các nguyên tắc này bao gồm:

- Để thực phẩm tươi sống gần thực phẩm đã nấu chín

Thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín để cạnh nhau làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo. Cụ thể, thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn hoặc vi trùng có hại và khi tiếp xúc với thực phẩm đã chín có thể làm cho vi khuẩn lan sang thực phẩm chín, dẫn đến ngộ độc thực phẩm khi tiêu thụ mà không qua nấu nướng tiệt trùng một lần nữa.

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn liên tiếp xảy ra: 4 điều không nên làm trong nhà bếp - Ảnh 1.

Thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín để cạnh nhau làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo (Ảnh: ST)

- Dùng chung dao và thớt cho đồ sống, đồ chín và rau củ quả

Tương tự thì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bạn cũng không nên dùng chung dao, thớt cho thịt sống, thịt chín và rau củ quả.

Rất nhiều người vì không muốn phải rửa quá nhiều bát đĩa và dụng cụ nhà bếp mà lựa chọn sử dụng chung thớt, dao thái và chỉ rửa sơ qua trước khi dùng. Thói quen này có liên quan mật thiết tới ngộ độc thực phẩm do nhiễm chéo.

Dùng chung dao, thớt cho thịt sống, thịt chín và rau củ quả làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella. Triệu chứng ngộ độc đặc trưng do vi khuẩn Samonella thường là sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và đôi khi kèm theo nôn mửa. Các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện từ 6 - 72 giờ (thường là 12 - 36 giờ) sau khi ăn phải Salmonella và bệnh thường kéo dài 2 - 7 ngày.

Nếu chỉ có thể sử dụng cùng một chiếc thớt, cách an toàn nhất là sơ chế trái cây và rau củ trước, rửa sạch thớt bằng xà phòng và nước nóng, sau đó mới sơ chế thịt, gia cầm và cá (thực phẩm sống).

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn liên tiếp xảy ra: 4 điều không nên làm trong nhà bếp - Ảnh 2.

Rửa tay trước và sau khi sơ chế thực phẩm tưởng chừng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng ghi nhớ điều này (Ảnh: ST)

- Không rửa tay trước và sau khi sơ chế thực phẩm

Rửa tay trước và sau khi sơ chế thực phẩm tưởng chừng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng ghi nhớ điều này. Do bàn tay tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nên đây là con đường lây truyền vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn như Salmonella và E. coli gây ra.

Do vậy, hãy rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi sơ chế thực phẩm đồng thời cố gắng sử dụng khăn giấy dùng một lần hoặc khăn sạch để lau khô tay trước khi muốn chạm vào bất kỳ thứ gì tiếp theo. Đầu ngón tay, kẽ ngón tay, ngón cái, mu bàn tay và cổ tay đều cần được rửa sạch trong ít nhất 20 giây.

Đừng quên rửa thớt, mặt bàn và đồ dùng thật kỹ bằng xà phòng và nước nóng sau khi chế biến thịt, gia cầm hoặc cá sống.

- Rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng

Tùy từng thực phẩm mà thời gian để rã đông trung bình mất tới 2 giờ nếu ở nhiệt độ phòng. Dưới tác động của môi trường nóng ẩm, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, phát triển và sinh sôi trong thời gian này dẫn tới ngộ độc thực phẩm; thêm vào đó chất lượng của thực phẩm cũng sẽ bị suy giảm.

Ngoài ra, một sai lầm khi rã đông thực phẩm làm tăng nguy cơ ngộ độc là rã đông thực phẩm trong nước nóng.

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn liên tiếp xảy ra: 4 điều không nên làm trong nhà bếp - Ảnh 3.

Tùy từng thực phẩm mà thời gian để rã đông trung bình mất tới 2 giờ nếu ở nhiệt độ phòng (Ảnh: ST)

Tốt nhất, hãy rã đông thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh, trong nước lạnh hoặc bằng lò vi sóng.

Ngoài 4 sai lầm dễ gây ngộ độc thực phẩm trong nhà bếp kể trên thì bạn cũng cần lưu ý tới thời gian bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng, đặc biệt là thức ăn thừa. Với những thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, cá, sữa, trứng,... hãy bảo quản ngay trong tủ lạnh sau khi mua sắm trở về nhà để tránh cho vi sinh vật có thời gian phát triển.

Còn với thức ăn thừa, sau khi ăn hãy bảo quản bằng hộp kín thay vì cho cả đĩa, xoong, chảo vào tủ lạnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo từ các vật dụng này. Đừng quên cho thức ăn thừa vào tủ lạnh để bảo quản trong vòng 1 - 2 giờ sau khi ăn.

2. Cần làm gì nếu bị ngộ độc thực phẩm tại nhà?

Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm mà các triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng khoảng 2 - 6 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Sau đây là một số thời gian ước tính giữa thời điểm tiếp xúc và thời điểm khởi phát triệu chứng theo nguyên nhân:

- Campylobacter: 2-5 ngày

- Vi khuẩn Escherichia coli( E. coli ): thường là 3 - 4 ngày

- Listeria: trong vòng 2 tuần

- Salmonella: 6 giờ - 6 ngày

- Staphylococcus aureus: 30 phút đến 8 giờ

- Clostridium: 6 - 36 giờ

- Vibrio: trong vòng 24 giờ

- Norovirus: 12 - 48 giờ.

Nếu bị ngộ độc thực phẩm tại nhà, điều quan trọng đầu tiên chính là ngừng ăn thực phẩm mà bạn nghi ngờ đó là nguyên nhân gây ngộ độc, giữ lại mẫu thức ăn để mang tới cơ sở y tế nếu cần thiết.

Sau đó, hãy uống nhiều nước (để tránh mất nước bởi các triệu chứng thực phẩm có thể gây tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa liên tục. Một khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và không thể kiểm soát được, cần nhanh chóng tới khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tránh tự ý sử dụng thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống nôn mửa, thuốc kháng sinh và thuốc thảo dược như gừng, bạc hà,... trừ khi được chỉ dẫn của bác sĩ vì chúng có thể làm chậm quá trình loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể và làm trầm trọng hơn tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trong thời gian chờ, có thể sử dụng men vi sinh giúp khôi phục sự cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn trong dạ dày.

Thực hiện vệ sinh cá nhân và giữ vệ sinh môi trường để ngăn chặn ngộ độc lây lan cho người khác trong nhà.

Một chế độ ăn nhạt có thể hỗ trợ điều trị ngộ độc thực phẩm tại nhà bao gồm: Bánh quy, chuối, cháo trắng,... Các thực phẩm nên dễ tiêu hóa, ít chất xơ, không có gia vị, không dầu mỡ và không cay là tốt nhất. Khi bị ngộ độc thực phẩm, cũng cần tránh các đồ uống có chứa caffeine hoặc có cồn.

Chú ý nghỉ ngơi đầy đủ khi bị ngộ độc thực phẩm để cơ thể nhanh phục hồi và lấy lại sức khỏe. Nếu nằm trong nhóm đang mang thai, trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh tự miễn hoặc bị suy giảm miễn dịch, nếu có triệu chứng ngộ độc thực phẩm cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt bởi nhóm này có nguy cơ tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn khi mắc bệnh.