Tại Bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa (Lào Cai), qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bé bị tiêu chảy cấp và có cơn ngừng thở.

Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhi đã bị tiêu chảy 1 ngày trước và được ông lang trong bản khám và bảo phải đặt thuốc phiện vào hậu môn thì mới khỏi được. Bà nội đã đặt cho bé vào khoảng 11h trưa, 15 phút sau thấy bé tím tái khắp người cấu véo không biết gì nên bà gọi người nhà đưa thẳng đến bệnh viện.

 - Ảnh 1.

Các bác sĩ xác định nguyên nhân tình trạng tím tái, ngừng thở chính là do các thành phần trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp làm trẻ ngừng thở. Bệnh nhi phải đặt nội khí quản và dùng thuốc kháng để giải ngộ độc thuốc phiện.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: ở các vùng quê hiện nay vẫn sử dụng sái thuốc phiện, thuốc phiện để phòng bệnh đường ruột cho trẻ. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt như trường hợp của bệnh nhi trên. Việc dùng sái thuốc phiện, thuốc phiện trong điều trị tiêu chảy là chống chỉ định với cả trẻ em và người lớn, do thuốc phiện làm giảm nhu động ruột, khiến tình trạng đi ngoài đỡ hơn nhưng việc cầm đi ngoài này rất nguy hiểm. Vì khi đó các tác nhân gây tiêu chảy (như virus, vi khuẩn) không được đào thải ra ngoài mà tồn đọng trong đường ruột càng gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, thậm chí bị viêm ruột, gây biến chứng nguy hiểm.

Ngay cả trong điều trị tiêu chảy bằng thuốc tây, các bậc phụ huynh cũng nên cẩn trọng không tùy ý sử dụng vì một số loại thuốc có nguồn gốc thuốc phiện. Nếu trẻ nhỏ bị tiêu chảy đi ngoài hơn 6 lần/ngày thì gia đình phải đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị.