Nhiều người vẫn nghĩ bức tranh vẽ chân dung 12 người vợ yêu chính là thứ mà Càn Long muốn giữ bí mật nhất vì ông từng bắt con trai là hoàng đế Gia Khánh thề sẽ tru di cửu tộc bất cứ ai nhìn thấy tranh của mình. Tuy nhiên theo con cháu của Càn Long hé lộ, vị hoàng đế nổi danh này còn có một bí mật lớn hơn, đến mức ông phải giấu nhẹm đi không dám cho ai biết, bao gồm con trai ruột.
Chân dung Hoàng đế Càn Long. (Ảnh: Internet)
Mọi chuyện bắt đầu hé lộ trong một bức thư được in trong cuốn sách Cuối Đời Của Vị Hoàng Đế Cuối Cùng từng làm chấn động giới sử học. Cả cựu Hoàng đế Phổ Nghi lẫn em trai ông là Phổ Kiệt lần lượt nói về chuyện này trong những dịp khác nhau. Các thông tin trong câu chuyện của 2 người đều trùng hợp về cả thời gian lẫn địa điểm. Thậm chí cũng rất phù hợp với các sự kiện có thật đã xảy ra khi Càn Long còn sống.
Bí mật của Càn Long được phát hiện vào những ngày sau cuộc Cách mạng Tân Hợi. Thời điểm đó Hoàng đế Phổ Nghi đã thoái vị, kéo theo đó là sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Dựa theo những hiệp nghị ưu đãi của hoàng đế ký với chính phủ mới, các thành viên trong hoàng gia sẽ được chính phủ mới bảo hộ. Chính vì vậy mà Phổ Nghi cùng người thân của ông vẫn được phép tiếp tục sinh sống trong Tử Cẩm Thành.
Cựu Hoàng đế Phổ Nghi và em trai Phổ Kiệt thời còn trẻ. (Ảnh: Internet)
Thời điểm đó Phổ Nghi và Phổ Kiệt mới kết thúc buổi học và cùng đến Dưỡng Tâm điện để chơi đùa. Khi đang đùa giỡn, cả 2 vô tình phát hiện có một bàn thờ Phật bí mật được giấu trong một điện thờ phụ ở phía Đông. Phía trên bàn thờ Phật này phủ một lớp bụi khá dày. Sau một lúc táy máy chân tay vì tò mò, Phổ Nghi và Phổ Kiện phát hiện ra một ngăn tủ bí mật có cất giữ một bao gấm màu vàng.
Điều bất ngờ hơn cả là phía trên bao gấm ấy có những dòng chữ do chính Càn Long tự tay ghi lên. Nội dung là nghiêm cấm con cháu thuộc dòng tộc Ái Tân Giác La (dòng họ của hoàng thất nhà Thanh) mở ra. Sau một hồi thương lượng, Phổ Nghi cho rằng nhà Thanh đã sụp đổ nên mệnh lệnh của Càn Long ghi trên đó đã không còn hiệu lực. Ông quyết định mở thử túi gấm này để xem trong đó có gì.
Dưỡng Tâm điện, nơi lưu giữ bí mật mà Càn Long đã tìm mọi cách để che giấu. (Ảnh: Internet)
Phía trong chiếc túi gấm được cất giấu kỹ lưỡng ấy lại chỉ có một mật lệnh có dấu ấn của hoàng đế. Nội dung là sai người đầu độc chết 2 người em trai của Hoàng đế Ung Chính là Bát a ca Duẫn Tự và Cửu a ca Duẫn Đường (các con trai của Khang Hy trong tên đều có chữ Dận, nhưng sau khi Ung Chính tức Dận Chân lên ngôi các anh em của ông đã đổi thành Duẫn để tránh phạm húy), tức chú ruột của Càn Long.
Việc này đã khiến người ta liên tưởng ngay đến cái chết bí mật của 2 vị hoàng tử nổi danh này. Ngày xưa khi Ung Chính vẫn còn là hoàng tử, họ từng là đối thủ tranh giành ngôi vị với ông. Vài năm sau khi Ung Chính đăng cơ, Duẫn Tự và Duẫn Đường đều lần lượt qua đời trong 1 tuần với cùng một chứng bệnh là nôn mửa, tiêu chảy. Thời điểm đó đã có rất nhiều người hoài nghi Ung Chính là hung thủ. Tuy nhiên vì không có bằng chứng, hoàng đế lại nắm quyền lực tuyệt đối nên không ai dám nhắc đến.
Chân dung Ung Chính – một trong những hoàng đế gây nhiều tranh cãi nhất triều đại nhà Thanh. (Ảnh: Internet)
Thời điểm Duẫn Tự và Duẫn Đường chết, Càn Long vẫn là hoàng tử nên chắc chắn mật chiếu này không phải do ông viết. Nhiều sử gia suy đoán sau khi lên ngôi Càn Long đã phát hiện ra bí mật này của vua cha. Lo lắng hành động sát hại anh em ruột sẽ ảnh hưởng đến hình tượng của Ung Chính nên ông đã quyết định giấu mọi thứ. Vì việc đốt di vật của tiên đế bị coi là hành động bất hiếu nên Càn Long đành phải cất nó vào một túi gấm và giấu vào một nơi kín. Thậm chí ông còn cẩn thận viết chữ ngăn cấm con cháu Ái Tân Giác La xem. Có lẽ khi đó Càn Long không dự đoán được vài trăm năm sau, triều đại Mãn Thanh lại sụp đổ, con cháu Ái Tân Giác La trở thành tù binh trong chính Tử Cấm Thành của mình. Dưỡng Tâm điện - nơi làm việc cấm kị của hoàng đế giờ đây lại trở thành nơi vui đùa của 2 đứa trẻ dẫn đến việc bị lộ bí mật.
Bát a ca Duẫn Tự... (Ảnh: Internet)
… và Cửu a ca Duẫn Đường được cho là đã bị anh trai Ung Chính đầu độc chết. (Ảnh: Internet)
Sau khi đọc được nội dung trong mật chiếu, Phổ Nghi và Phổ Kiệt cũng lúng túng không biết nên giải quyết thế nào. Cuối cùng cả 2 quyết định đặt lại túi gấm vào chỗ cũ và không nói cho ai biết. Giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.
Sau này Phổ Nghi mỗi lần có cơ hội đến cố cung đều hỏi thăm những người bảo vệ ở đó về tung tích của một chiếc túi gấm màu vàng. Tuy nhiên dù cố gắng thế nào ông vẫn không thể tìm lại được. Chính vì vậy mà sau này trong cuốn tự truyện Nửa Đời Trước Của Tôi, Phổ Nghi đã quyết định xóa những đoạn có nhắc đến việc này vì sợ không có bằng chứng sẽ gây ra rắc rối không cần thiết.
Sau này Phổ Nghi từng nhiều lần quay lại Tử Cấm Thành để tìm lại túi gấm vàng nhưng không thấy. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên vài năm sau đó, Phổ Kiệt lại viết thư nhắc đến chiếc túi gấm màu vàng với các tình tiết y chang anh trai Phổ Nghi khiến nhiều người càng thêm tin vào sự tồn tại của mật chiếu được giấu trong túi gấm vàng của Càn Long. Dù không biết vì lý do gì mà túi gấm vàng bị phát hiện và lấy mất nhưng thông qua những ghi chép của Phổ Nghi và Phổ Kiệt, người ta lại càng thêm tin vào giả thuyết Ung Chính có liên quan trực tiếp đến cái chết bí ẩn của các em trai mình và đây chính là bí mật mà Càn Long muốn giấu kín nhất.
(Nguồn: qulishi)