Bắt đầu từ đầu thế kỉ 20, máy bay đã là phương tiện di chuyển tối ưu nhất của con người. Dù độ an toàn vượt trội hơn những phương tiện giao thông khác, hầu hết tai nạn máy bay khi xảy ra đều quá thảm khốc, gây ám ảnh toàn thế giới. Các chuyên gia luôn nỗ lực điều tra nguyên nhân tai nạn để rút ra bài học lịch sử, dù vậy, trong lịch sử hàng không còn khá nhiều bí ẩn mà chưa ai lý giải được. Dưới đây là 5 trường hợp trong số đó.
1. Một phi công huyền thoại đã biến mất (1937)
Amelia Earhart (sinh ngày 24/7/1897, mất tích ngày 2/7/1937) là một nữ phi công và nhà văn người Mỹ. Bà là người phụ nữ đầu tiên được chứng nhận bay một mình xuyên Đại Tây Dương - một bước đột phá, biểu tượng cho sự vươn lên của nữ giới trong thời kỳ mà tư tưởng trọng nam khinh nữ còn bao trùm.
Nữ phi công Amelia Earhart (Ảnh: AFP)
Năm 1937, Amelia Earhart điều khiển một chiếc máy bay Lockheed Electra nỗ lực bay vòng quanh thế giới, nhưng mất tín hiệu một cách khó hiểu tại vị trí gần đảo Howland ở Thái Bình Dương. Vụ biến mất kéo theo chiến dịch tìm kiếm rầm rộ cùng nhiều "thuyết âm mưu" như Amelia đã bị quân đội Nhật bắt giữ, hoặc rằng cô giả chết rồi sống ẩn dật, thậm chí bị... người ngoài hành tinh bắt cóc.
Theo SCMP, ba năm sau vụ mất tích (1940), một bộ hài cốt đã được tìm thấy trên đảo san hô xa bờ Nikumaroro, nghi ngờ thuộc về nữ phi công. Dù vậy, phát hiện quan trọng này cũng... biến mất ngay sau đó!
Vào tháng 2/2019, một nhóm nghiên cứu quốc tế về phục hồi máy bay lịch sử (trụ sở ở Mỹ) cho biết họ đã tìm thấy manh mối mới. Nó đến từ cuộc phim 16mm hàng chục năm tuổi, được quay ở New Guinea một ngày trước khi chiếc máy bay chở Earhart biến mất, trong đó quay lại 1 mảnh nhôm trên thân máy bay, tương ứng với mảnh nhôm đã thu hồi vào năm 1991 trên đảo Nikumaroro. Cho đến khi giả thiết này được kiểm chứng, đoạn kết cuộc đời của nữ phi công lừng danh vẫn là một bí ẩn.
2. Chuyến bay được mệnh danh "Sự lãng mạn bầu trời" và kết thúc ám ảnh (1957)
Pan Am là hãng hàng không quốc tế chính của Mỹ từ thập niên 1930 cho tới khi chấm dứt hoạt động vào năm 1991. Vào ngày 8/1/1957, một chiếc máy bay hạng sang của Pan Am đang trên đường bay từ California đến Hawaii đã biến mất.
Một chiếc máy bay của Pan Am (Ảnh: wikipedia)
Sau 5 ngày, các đội tìm kiếm cứu hộ đã phát hiện đống đổ nát của chiếc máy bay. Thi thể các hành khách và mảnh vỡ máy bay được tìm thấy tại nơi cách 160km so với lộ trình bay.
Tờ The New York Times viết vào ngày 15/11/1957, tức một tuần sau tai nạn: "15 thi thể, hầu hết họ mặc áo phao cứu sinh, từ chuyến bay 'Romance of the Skies' (Sự lãng mạn của bầu trời) đã được trục vớt hôm nay từ Thái Bình Dương, vị trí cách Honolulu 995 dặm về phía tây bắc... Tất cả thi thể đều không mang giày và có vết chấn thương bên ngoài và bị gãy xương nhiều chỗ".
Việc khám nghiệm tử thi đưa ra giả thiết rằng toàn bộ 44 người trên máy bay đã thiệt mạng vì ngộ độc khí CO, nhưng kết quả này không được thừa nhận chính thức. Đến tận ngày nay, các bộ phận chính của máy bay và nguyên nhân tai nạn chưa bao giờ được tìm ra.
3. Không tặc bí hiểm D. B. Cooper (1971)
Ngày 24/11/1971, một hành khách mua vé dưới tên Dan Cooper đã trở thành... kẻ cướp máy bay. Đó là một chiếc Boeing 737 đang bay giữa không phận 2 tiểu bang Oregon và Washington, Mỹ. Người đàn ông đòi 200.000 USD tiền chuộc, sau đó nhảy dù từ cửa sau. Vụ án này được truyền thông ráo riết đưa tin, nhưng lại nhầm lẫn tên nhân vật thành "D. B. Cooper".
Ảnh phác họa chân dung D. B. Cooper
Ngay từ đầu, các nhà điều tra FBI đã nhận định Cooper không thể sống sót sau cú nhảy mạo hiểm. Dù vậy họ vẫn theo đuổi vụ án, tìm các bằng chứng và nhân chứng trong suốt gần 50 năm. Đáng tiếc, vụ án vẫn chưa được phá giải. D. B. Cooper trở thành không tặc duy nhất trong lịch sử Mỹ mà nhà điều tra không thể xác định về danh tính thật sự, số phận của y và phần lớn số tiền 200.000 USD (một khoản nhỏ đã được tìm thấy năm 1980).
Trong vụ án này, chỉ duy nhất một điều rõ ràng. Đó là vào 1 năm sau vụ không tặc, các loại máy bay đã được bổ sung thiết bị khóa gọi là "van Cooper", khiến cửa máy bay không thể tự tiện mở khi bay giữa trời.
4. Thảm kịch máy bay EgyptAir 990 liệu có liên quan đến động cơ của cơ phó? (1999)
Bí ẩn vẫn bao quanh vụ tai nạn của chuyến bay EgyptAir 990 vào ngày 31/10/1999. Khi bay từ Los Angeles (Mỹ) đến Cairo (Ai Cập), chiếc Boeing 767 đã rơi xuống Đại Tây Dương khiến tất cả 217 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Mảnh vỡ của máy bay EgyptAir 990 (Nguồn: AFP/Getty)
Các nhà điều tra Ai Cập khẳng định sự cố máy móc đã gây ra vụ tai nạn, nhưng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ phát hiện ra cơ phó Gameel Al-Batouti dường như đã chúi mũi máy bay xuống và thốt lên "Con đặt niềm tin vào Thánh Allah".
Một đồng nghiệp tuyên bố cơ phó Al-Batouti đã điều khiển máy bay lao xuống biển như một hành động trả thù, sau khi bị hãng EgyptAir khiển trách vì tội tấn công tình dục. Dù vậy, dựa trên các bằng chứng, kết luận cuối cùng của giới chức Ai Cập vẫn là phi công không cố tình gây tai nạn, đó là do sự cố kĩ thuật.
5. Chuyến bay 447 của Air France: thiên tai, máy móc hay 'nhân họa'? (2009)
Riêng bí ẩn hàng không này đã phần nào được giải mã sau 3 năm từ thời điểm xảy ra thảm kịch. Tuy vậy, mức độ gây chấn động của nó và những câu hỏi xoay quanh cách vận hành phương tiện hàng không thời hiện đại vẫn còn bỏ ngỏ.
Đội cứu hộ tìm thấy mảnh vỡ máy bay Air France, tháng 6/2009 (Ảnh: AP)
Vào đầu giờ chiều ngày 1/6/2009, chuyến bay 447 hãng Air France từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Paris (Pháp) đã mất tích cùng với 216 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Chiếc Airbus A330-200 mất tín hiệu giữa Đại Tây Dương, vượt ra ngoài vùng phủ sóng của radar. Điều đáng nói là cơ trưởng 58 tuổi là người giàu kinh nghiệm cũng như mẫu máy bay là loại tối tân, chưa liên quan bất kì tai nạn nghiêm trọng nào.
Vụ mất tích gây chấn động đến nỗi phải mất 6 tiếng đồng hồ, Air France mới lên tiếng thừa nhận họ không biết chiếc máy bay ở đâu. Vài ngày sau, tình trạng này vẫn giữ nguyên, nhưng hãng bay và chính phủ Pháp cũng đưa ra giả thiết máy bay đã rơi xuống biển khiến toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Ngày 6/6, tức 5 ngày sau thảm kịch, các nhà chức trách Brazil mới vớt được hai thi thể đầu tiên. Chiến dịch tìm kiếm sau đó kéo dài suốt 2 năm với sự tham gia của nhiều tổ chức, nhiều phương tiện hoạt động trên - dưới mặt biển. Mãi đến tháng 5/2011, hai hộp đen của máy bay mới được tìm thấy, đưa lên từ độ sâu gần 4.000m dưới đáy biển.
(Ảnh: BEA)
Tháng 7/2002, một báo cáo điều tra cuối cùng được công bố (sau 3 năm) với hàng loạt chi tiết gây sốc: cơ trưởng đã nhường quyền điều khiển cho 1 cơ phó kém kinh nghiệm để đi ngủ (theo ghi âm trong buồng lái, cơ trưởng nói mình chỉ ngủ 1 tiếng vào đêm hôm trước sau cuộc vui đùa lãng mạn với bạn gái ở Brazil - báo Telegraph thuật lại); máy bay tiến vào cơn giông dữ dội và ống pitot bị tắc nghẽn do tinh thể băng,...
Hàng loạt sự cố kéo dài hơn 10 phút khiến máy bay lao xuống biển, trở thành thảm kịch rúng động Pháp, Brazil cũng như dư luận toàn cầu. Về sau, hãng bay Air France và nhà sản xuất Airbus vẫn tranh cãi về nguyên nhân chính yếu của thảm kịch: là do phi công hay lỗi thiết bị?
Dù sao, vết thương lòng của gia đình nạn nhân đã quá sâu. Quá nhiều cảm xúc đã bùng nổ cùng lúc rồi kéo dài âm ỉ. Lòng tin dành cho mẫu máy bay tối tân không còn nguyên vẹn, chưa kể nỗi thất vọng tràn trề về "văn hóa phục vụ" của Air France. Và còn có những tâm trạng đi từ sững sờ đến khắc khoải mong chờ, rồi vỡ vụn khi đến tận ngày nay, nhiều nạn nhân vẫn mãi nằm lại đáy biển sâu thẳm...
(Nguồn: SCMP, Telegraph)