Đầu xuân nô nức cầu duyên
Chẳng vô cớ mà người phương Đông chọn nguyên đán - tiết khởi đầu của năm mới là vào mùa xuân. Tiết trời ấm áp dần lên, không nắng chói chang, không lạnh se sắt, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, vươn mình trong bầu không khí trong trẻo. Xuân cũng là mùa kết đôi, mùa sinh sản, mùa bầu bạn, và đương nhiên, mùa của yêu đương.
Trùng hợp thay, mùa xuân cũng là mùa dung chứa ngày lễ thánh Valentine 14/2 dương lịch, ngày tôn vinh tình yêu vĩnh cửu, ngày những người yêu thương nhau ngỏ lời, gửi quà đến nhau bày tỏ nỗi lòng ưu ái.
Đông hay Tây thì mùa xuân cũng là mùa luyến ái, mùa người ta giục giã gọi nhau bước vào cuộc yêu đương: “Mau lên chứ vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi tình non sắp già rồi”. Nhưng chẳng phải ai cũng hội đủ duyên để có đôi có cặp. Chẳng phải ai cũng có nơi chốn gửi tấm chân tình để say đắm với mùa xuân.
Vì thế chăng mà mùa xuân, gái trai nườm nượp đi lễ cầu cho những điều an lành, cho những mối nhân duyên đẹp đẽ được ông Tơ bà Nguyệt sớm se. Dân gian dặn dò, cầu duyên ấy là việc linh thiêng, kinh động thánh thần mười phương, nên phải phát khởi từ tâm niệm trong sáng, không gợn tà dâm hoặc mục đích u tối như kiểu: "Cầu cho anh/cô ấy phải yêu con đến hết đời", "Cầu cho anh/cô ấy bỏ người kia mà theo con”, “Cầu cho anh/cô ấy quay về với con".
Trong rất nhiều nơi được dân gian truyền tai nhau nổi tiếng về cầu duyên, cầu tình, chùa Hà ở làng Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội là một địa điểm luôn được ghi chú hàng đầu. Chùa Hà nổi tiếng về cầu duyên từ bao giờ, vài chục hay vài trăm năm trước, người già sống chung quanh và cả những người chấp tác lo việc trông coi chùa cũng chẳng nhớ nổi. Chỉ biết rằng, dù không phải nơi thờ ông Tơ bà Nguyệt nhưng chùa Hà lại là nơi rất linh ứng trong lễ cầu duyên.
Từ khi những người già quanh vùng còn là những đứa trẻ cho đến giờ mắt mờ chân chậm, họ đã thấy đủ người từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, thậm chí cả Sài Gòn và các tỉnh miền Nam cũng phải đến chùa Hà cầu vọng, đa phần là người trẻ.
Chùa Hà - địa điểm nổi danh xin duyên đất Hà thành
Ở giữa lòng phố xá tấp nập, chùa Hà không có vẻ u tịch mênh mang, mà thường đông đúc, nhộn nhịp. Dọc con phố chùa Hà, nửa đầu là chợ xe máy, xe đạp cũ tấp nập khách khứa, nửa cuối cũng dập dìu người lại qua, bán buôn rộn ràng. Các quầy viết sớ cầu duyên, cầu tài lộc, sắp mâm lễ, hướng dẫn cúng san sát nhau.
Đầu xuân, dịp đông vui nhất của chùa Hà, quầy nào cũng chật kín khách. Trai gái, người trẻ đang tuổi cập kê, người quá thì chậm muộn, người lỡ dở một lần đò… đủ cả. Người lẻ bóng đến cầu duyên mong có đôi, những đôi yêu nhau cũng tới chắp tay thành kính cầu cho tình duyên êm đẹp, trăm năm hạnh phúc.
Cùng với vật phẩm cúng dường, các quầy sắm lễ ở quanh chùa Hà chỉ bán kèm hồng nhung, loại hoa tượng trưng cho tình yêu, phù hợp với mục đích của đa phần khách thập phương đến đây. Đầu xuân năm mới lên dâng lễ chùa, bái Phật, kính Mẫu, người ta cũng thường mua một chút muối lộc, bao diêm, ngoài ý nghĩa rước lộc trắng lộc đỏ về nhà, còn tượng trưng cho tình cảm lứa đôi mặn mà, nồng ấm.
Thật lạ là cả trong sách vở lẫn dân gian đều không lưu truyền một sự tích, câu chuyện nào gắn địa danh chùa Hà với tình duyên đôi lứa. Điều thu hút mọi người vẫn tới đây cầu duyên như một thói quen chỉ bởi tiếng lành đồn xa, người ta đến lễ, thấy ứng nghiệm thì truyền tai nhau, người này mách nhỏ người kia, vậy là thành lệ tục.
Có tên chữ là Thánh Đức tự, chùa Hà cùng với Đình Bối Hà lập thành cụm di tích Đình - Chùa Hà. Trước kia chùa Hà thuộc làng Vòng (làng Dịch Vọng), nay thuộc phố Chùa Hà.
Thời điểm chùa Hà ra đời có hai truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, vào thời Lý vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức. Ngôi chùa này sau gọi tên là chùa Thánh Chúa. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức tự.
Truyền thuyết thứ hai kể rằng, chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460 - 1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460. Trải qua bao phen binh lửa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi.
Đến đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705), có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở nhờ chùa để bán các đồ gốm sứ tại thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. Diện mạo của chùa hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu sau này.
Chùa Hà không có trụ trì, chỉ có các bà vãi chấp tác, phụ trách việc trông nom và hướng dẫn khách thập phương quy cách dâng lễ, hoặc khấn hộ khi được nhờ. Một cụ bà kể, rằng chùa Hà thiêng lắm, nhưng phải biết cách cầu nguyện, ngoài việc biện lễ đúng cách còn cần đem dâng một tấm lòng thuần khiết nữa, mới mong xuôi thuận.
Muôn cảnh xin duyên chùa Hà
Chùa Hà cũng như nhiều chùa miền Bắc, nhiều ban bệ, mỗi ban lại có một khác biệt trong vật phẩm dâng cúng, linh ứng với một lời khấn nguyện khác nhau: lễ Phật xin bình an, lễ Đức Ông cầu tài lộc, lễ Đức Thánh Hiền xin trí tuệ, học hành giỏi giang, lễ Địa Tạng xin âm phần êm ả, lễ Mẫu xin nhân duyên đẹp lòng.
Lễ vật tùy tâm mà bày biện, nhưng mâm lễ xin duyên chẳng thể thiếu nến và trầu cau. Miếng trầu là đầu câu chuyện, quả cau khấn nguyện se duyên, cau trầu là lễ vật tượng trưng cho tình yêu đôi lứa mặn nồng khắng khít từ bao đời truyền lại, nên tuyệt đối không được thiếu.
Một cụ bà đang chấp tác ở chùa Hà chuyện trò rằng, hàng chục năm góp công chăm nom cảnh chùa, bà gặp đủ loại người đến xin duyên. Có người đến cầu duyên mà nước mắt chứa chan; Có người tháng nào cũng qua, mấy năm rồi đến nhẵn mặt nhưng vẫn buồn rười rượi vì chưa tìm được ý trung nhân. Lại có anh tuổi ngót 40, vẫn bẽn lẽn nắm tay mẹ, để mẹ dắt lên chùa làm lễ cầu duyên, mong năm sau đắt vợ, vì kén mãi chẳng được mối nào ưng ý…
Đến chùa Hà, ngoài xin duyên, nhiều người còn mong cầu điều khác. Nhưng dù đến cầu duyên hay cầu công danh, tài lộc, cầu bình an có một điều cơ bản người đi lễ cũng nên nhớ là phải trang phục lịch sự gọn gàng, nhất tâm, thành kính.
Ngoài ra nhiều người cũng bảo nhau rằng người đến xin duyên, được duyên như ý rồi cũng đừng quên lễ tạ, gọi là thể hiện lòng thành tâm, có trước có sau.
Cầu duyên ở đây cần được hiểu không hẳn chỉ là tình duyên, mà còn là những mối liên hệ, những nguyên nhân, điều kiện, tính chất hội tụ lại sinh ra sự vật, hay tan rã làm mất đi sự vật. Duyên cũng là hạt mầm của “thất tình” trong cõi người, là khởi nguồn của 7 thứ cảm xúc căn bản ai cũng từng trải qua: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, ham muốn).
Trong cuộc sống, việc gặp gỡ nhau, quý mến nhau, yêu thương nhau, hợp hay tan, căm ghét, giận dỗi nhau, chia tay hay quyến luyến... đều có nhân duyên của nó cả. Cầu duyên chùa Hà, ấy là cầu cho an lành, cho những mối nhân duyên đẹp đẽ, những người tử tế, tâm đầu ý hợp mà chúng ta có thể gặp gỡ trong đời chứ không phải xin được "ban" cho một người để yêu cho xong hay được dẫn dắt gặp gỡ một (vài) người để yêu cho vui, nên có thành sự hay không, phần lớn cũng là do mình vậy.