“Ăn mì ở chùa có cảm giác khác với ăn mì ở chỗ khác. Không khí yên bình trong chùa khiến bữa ăn có gì đó ngon miệng hơn”, Gu Xiheng, bếp trưởng quán ăn chay tại chùa Phật Ngọc (Thượng Hải, Trung Quốc), nói.
Nhớ lại thời điểm 2 giờ sáng ngày Tết Nguyên đán, đám đông chờ vào chùa Phật Ngọc từ hôm trước vẫn chưa giải tán. Ngôi chùa đã bán được hơn 20.000 bát mì chay vào những ngày lễ Tết 2024, mặc dù giá một bát mì tăng cao trong dịp lễ từ 25 NDT (hơn 85.000 VND) thông thường lên 30 NDT (hơn 100.000 VND) cho bát bình thường và 50 NDT/bát (hơn 170.000 VND) dành cho khách ngồi phòng riêng.
Chùa Phật Ngọc ở quận Phổ Đà (Thượng Hải, Trung Quốc)
Bếp trưởng Gu Xiheng ước tính doanh thu chỉ từ việc bán mì chay trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đã lên tới gần 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng). Ngày bình thường, quán ăn chay trong chùa Phật Ngọc có thể bán được 700-800 bát mì, ngày cuối tuần thì khoảng 1.500 bát, đặc biệt vào những ngày mùng 1, rằm 15 Âm lịch thì nhiều hơn, khoảng 3.000 bát/ngày.
“Kinh doanh ở đây luôn tốt. Ăn chay hiện đang trở thành xu hướng cho việc bảo vệ sức khỏe. Mọi người bây giờ cũng thích ăn chay hơn. Chúng tôi đang cập nhật liên tục các món ăn của mình, hướng tới đối tượng khách hàng trẻ hơn”, vị bếp trưởng chia sẻ.
Khi được hỏi về bí quyết nấu ăn, bếp trưởng nhẹ nhàng nói: “Chẳng có bí quyết gì cầu kỳ cả. Một là nguyên liệu phải tươi ngon, hai là phải dùng tâm để nấu”.
Ngoài món mì, quán ăn trong chùa còn phục vụ những món chay khác
Ngôi chùa gần đây đã mở một quán cà phê để thu hút giới trẻ. Bao Shibing, bếp phó quán ăn chay cho biết: “Các bạn trẻ có thể đến thưởng thức tô mì chay, uống cà phê và thư giãn. Để tâm mình lắng đọng lại cũng là một cách hay”.
Không giống như các ngôi chùa Phật giáo khác, đồ ăn chay được phục vụ tại chùa Phật Ngọc là một phần quan trọng trong doanh thu của ngôi chùa, thúc đẩy văn hóa Phật giáo và ăn chay thông qua các hoạt động thương mại.
Thức ăn chay của chùa là một trong hai nguồn thu chính của chùa kể từ khi mở cửa trở lại vào năm 1979, cùng với việc phân phát tài liệu Phật pháp. Để nâng cao hiệu quả công việc và tính chuyên nghiệp, chùa đã áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp và thực hiện hợp đồng lao động cho toàn thể nhân viên.
Khách hàng đến thưởng thức món chay đủ mọi lứa tuổi, trong đó thanh niên trẻ đang dần trở thành nhóm đối tượng chính
Các nguyên liệu chay hiện được gia công tại một nhà máy cũng nằm ở quận Phổ Đà, nơi sản xuất nhiều món điểm tâm chay như bánh trung thu chay. Ngay tại nhà hàng, du khách có thể chọn từ nhiều bữa ăn theo thực đơn hoặc các set món được thiết kế sẵn.
Lượng khách đến chùa ngày càng tăng sau khi ngôi chùa bắt đầu áp dụng chính sách vào cửa miễn phí vào tháng 6/2023. Với công việc mở rộng ngôi chùa đã bắt đầu, các đầu bếp và nhân viên trong nhóm phục vụ đồ ăn chay của chùa thấy trước sẽ còn bận rộn hơn ở phía trước.
“Bây giờ mỗi lần thèm mì thì chúng tôi lại đến chùa, vừa có thể lạy Phật vừa được ăn ngon. Càng lớn tuổi, tôi càng có nhiều niềm tin hơn. Áp lực càng lớn thì tôi càng thích đến đây, thắp nén nhang, niệm vài câu trong đầu. Nếu không tìm được giải pháp cho vấn đề trong hiện thực, vậy thì đến đây để tìm kiếm sự an ủi”, một nữ thực khách tại quán ăn chay trong chùa Phật Ngọc cho hay.
Người trẻ ngày càng thích đến chùa để tìm kiếm sự an ủi về mặt tinh thần
Nguồn: Sixth Tone