Được xây dựng vào những năm 1970 dành cho người Bedouin bán du mục, ngôi làng al-Ghuraifa nằm trong hệ thống dự án nhà ở công sau khi UAE hình thành vào năm 1971, bao gồm 7 tiểu vương quốc.
13 năm sau cột mốc năm 1971, các mỏ dầu được phát hiện, khiến UAE dần dần chuyển mình thành một trung tâm thương mại và du lịch toàn cầu, nơi tọa lạc của các thành phố tương lai Dubai và Abu Dhabi.
Còn al-Ghuraifa bị bỏ hoang chỉ khoảng 20 năm sau khi xây dựng.
Thời gian gần đây, " ngôi làng ma " gần thị trấn al-Madam, nằm trong biên giới của tiểu vương quốc Sharjah (thuộc UAE), đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch khắp toàn cầu.
Cổng vào "ngôi làng ma" al-Ghuraifa ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ảnh: AP
Sở dĩ al-Ghuraifa có biệt danh "ngôi làng ma" bởi điều đầu tiên du khách nhận thấy ở đó là sự im lặng kỳ lạ bao trùm toàn bộ nơi đây.
Theo AP, các ngôi nhà bị bỏ hoang với cửa sổ và cửa ra vào đều mở, một số ngôi nhà thậm chí không có cửa. Người ta đồn rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự bỏ chạy vội vã của người dân và chắc phải có điều gì khiến họ sợ hãi.
Vì thế, điều khiến du khách tò mò chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao ngôi làng bị bỏ hoang một cách bí ẩn nhiều năm nay.
"Tôi tự hỏi tại sao các cư dân lại rời đi. Có thể do vị thần hoặc phù thuỷ? Chúng ta sẽ không bao có câu trả lời" – du khách người Ấn Độ Nitin Panchal nói khi đến thăm "ngôi làng ma" al-Ghuraifa.
"Ngôi làng bao gồm hai dãy nhà và một đền thờ Hồi giáo, có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều về lịch sử của UAE hiện đại" – ông Ahmad Sukkar, trợ lý giáo sư tại Trường ĐH Sharjah (UAE), thành viên nhóm nghiên cứu về ngôi làng bí ẩn al-Ghuraifa, cho biết.
Ngôi làng có khoảng 100 thành viên của bộ tộc al-Ketbi. Họ là một trong số các bộ lạc Bedouin thời điểm đó vẫn sống bán du mục, chăn nuôi gia súc. Họ qua lại sa mạc và thường xuyên thăm viếng Dubai, Abu Dhabi - khi ấy vẫn là những thị trấn cảng nhỏ, với nguồn sống dựa vào đánh bắt cá và lặn tìm ngọc trai.
"Ngôi làng ma" đang thu hút nhiều du khách tới thăm quan. Ảnh: AP
Vẫn chưa rõ chính xác điều gì khiến ngôi làng bị bỏ hoang chỉ 20 năm sau khi những ngôi nhà được xây dựng.
Theo truyền thuyết địa phương, các cư dân bị xua đuổi khỏi ngôi làng al-Ghuraifa bởi linh hồn ma quỷ. Tuy nhiên, sự thực có thể đơn giản hơn nhiều.
"Nhiều khả năng cư dân rời ngôi làng để đi tìm cuộc sống tốt hơn ở các thành phố đang phát triển nhanh chóng của UAE. Ngôi làng này bị hạn chế về điện, nước và thường xuyên bị bão cát tàn phá. Các gia đình cũng sẽ phải đối mặt với một quãng đường dài đi lại qua sa mạc để đến được Dubai" – ông Sukkar nhận định.
Ngày nay, ngôi làng đang đối diện nguy cơ bị sa mạc xóa sổ. Thực tế, cát đã tràn vào các phòng và gần chạm tới nóc nhà. Chỉ có đền thờ Hồi giáo vẫn còn như cũ, nhờ các công nhân từ al-Madam gần đó quét dọn thường xuyên.
Ngày nay, ngôi làng al-Ghuraifa đang đối diện nguy cơ bị sa mạc xóa sổ. Ảnh: AP