Việc đem người chết ra làm trò đùa vốn là điều cấm kị ở rất nhiều nền văn hóa, thế nhưng ở thị trấn Sapanta tại đất nước Rumani, đây lại là một truyền thống lâu đời và được dân làng ủng hộ nhiệt liệt. 

Người dân ở đây vốn có một cái nhìn rất hài hước và thoải mái về cái chết, điều này thể hiện rất rõ qua những tấm bia mộ màu sắc rực rỡ ở nghĩa trang địa phương. Không chỉ vậy, những bia mộ này thường chứa những vần thơ hài hước ngắn đầy dí dỏm với mục đích chọc ghẹo người chết, kể chuyện đời hay tiết lộ những bí mật thầm kín nhất của họ. 

 - Ảnh 1.

Một góc nghĩa địa làng Sapanta

 - Ảnh 2.

Bia mộ của cụ bà vô danh, bị con dâu lôi ra làm trò đùa không thương tiếc

Như bức hình trên, chúng ta có thể sẽ nghĩ đây là một bà cụ tần tảo cả đời để nuôi nấng con cái nên người. Thế nên khi cụ nằm xuống ba tấc đất, các con cụ sẽ khắc lên tượng những thông tin đầy đủ như tên tuổi, hưởng dương bao nhiêu tuổi và những lời vàng ý ngọc.

Vâng, đấy là ở đâu chứ ở thị trấn Sapanta thì khắc những thứ đó lên mộ thì quả đúng là vô lễ, nhà dột từ nóc, đi ngược lại giá trị văn hóa bao đời nay. Để chứng minh, xin được lược dịch bài thơ được khắc trên mộ bà cụ này qua lời văn của... con dâu cụ:

"Nằm dưới cây thánh giá nặng nề này

Là người mẹ chồng tội nghiệp của tôi 

Bà cụ mà sống được thêm ba ngày

Là chúng tôi được trận cười bể bụng

Ai mà nhỡ đi ngang qua mộ

Thì xin đừng làm bà bật mồ sống dậy 

Bà ấy sẽ trở thành xác sống 

Và về nhà để cắn vào đầu tôi 

Nhưng yên tâm, tôi đã chuẩn bị cả rồi 

Muốn về cũng không được đâu mẹ ạ"

Những bài thơ con cóc, không đầu không cuối và có phần hơi nhảm nhí này chính là đặc sản tại nghĩa địa Sapanta. Nếu có cơ hội tới nơi này tham quan, bạn sẽ nghĩ mình đang lạc vào nơi an nghỉ cuối cùng của câu lạc bộ những người yêu thơ, chứ không phải nghĩa địa làng! 

Truyền thống này bắt nguồn từ một người thợ mộc trong làng có tên Stan Ioan Patras, ông này được giao nhiệm vụ xây dựng các cây thánh giá và bia mộ từ gỗ sồi. Sau khi dự đám tang truyền thống kéo dài ba ngày, dân làng sẽ tụ tập tại hố nước địa phương để uống rượu và kể những câu chuyện về người đã khuất. Ông Patras thấy hay và bắt đầu chuyển thể những câu chuyện này thành những bài thơ con cóc ngắn và bắt đầu khắc chúng lên phiến gỗ sồi. 

 - Ảnh 3.

Hình ảnh nghĩa địa làng Sapanta

 - Ảnh 4.

Những bia mộ bao gồm các bài thơ khác nhau

 - Ảnh 5.

Chắc hẳn bà cụ này cũng có một bài thơ để đời đây

 - Ảnh 6.

Ông bác bên phải có vẻ là tay nghiện rượu chính hạng đây

Stan viết những câu thơ đầu tiên của mình lên trên một ngôi mộ vào khoảng năm 1935. Ông tiếp tục công việc này cho đến khi qua đời vào năm 1977 và ước tính đã tự tay thiết kế hơn 800 ngôi mộ trong nghĩa trang. Sau khi ông qua đời, người học việc của ông là chàng trai trẻ Dumitru Pop đã tiếp quản và tiếp tục truyền thống độc đáo này kể từ đó.

Ngày nay, khi một người nào đó trong làng qua đời, gia đình họ sẽ đến gặp Dumitru Pop và yêu cầu ông ta sáng tạo những tác phẩm hài hước. Dumitru sẽ sơn tấm gỗ sồi màu xanh lam và trang trí nó bằng những đường viền hoa lá và một loạt màu sắc. Sau đó, ông vẽ một bức hình mô tả cuộc sống của người đó và sáng tác một bài thơ. Pop một mình quyết định bức tranh sẽ khắc họa điều gì và câu thơ sẽ nói gì. Những bài thơ của ông thường mang hơi hướng hài hước bậy bạ, kể những câu chuyện dí dỏm về những kẻ vô thần, bất cần và thích rượu.

 - Ảnh 7.

Nào có gì buồn thì nói đi

 - Ảnh 8.

Một góc tại nghĩa địa

Hình ảnh ngôi mộ của người bán thịt Gheorghe Basulti, đang chặt một con cừu bằng dao và một cái ống ở môi. Bên dưới đó là bài thơ: 

“Khi tôi sống trong thế giới này, 

Tôi đã lột da nhiều con cừu 

Thịt ngon tôi đã chuẩn bị 

Vì vậy, bạn có thể ăn thoải mái, 

Tôi cung cấp cho bạn thịt béo tốt 

Một điều nữa tôi rất yêu thích

Là tới quán bar đầu làng

Và ghẹo vợ lão hàng xóm".

Nhưng cũng có những dòng thơ lại khiến chúng ta phải lặng người giống như ngôi mộ của một cô bé 3 tuổi đã qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Bài thơ này phảng phất một nỗi tức giận khá ngây ngô: 

"Đốt cháy ngươi dưới địa ngục, tên lái taxi chết tiệt

Lời này đến từ miệng cô bé Sibu

Tất cả những nơi trên đất nước này 

Tại sao người phải dừng lại ngay tại đây

Người đâm chết tôi ngay trước cửa nhà 

Gửi tôi đến ba tấc đất bên dưới 

Và để lại cho cha mẹ tôi đầy những khốn khổ".

 - Ảnh 9.

Bia mộ cô bé Sibu

 - Ảnh 10.

Bia mộ một người lính chăng?

 - Ảnh 11.

Quẩy lên nào

 - Ảnh 12.

Tôi nghi ngờ đây là mộ của một anh chàng đào hoa nào đó

Pop phát biểu rằng chưa có ai phàn nàn về những câu thơ "con cóc" mà anh chàng khắc lên bia mộ mọi người. "Đó là cuộc sống thực sự của một người. Nếu anh ta thích gái gú, bạn phải nói điều đó; nếu hắn thích nốc rượu, bạn cũng nên nói điều đó... không có gì cần giấu trong thị trấn nhỏ này" - Pop nói - “Các gia đình thực sự muốn khắc họa chân thực nhất cuộc sống của người đã khuất trên bia mộ”.

Ngày nay, “Nghĩa trang Merry” là một phần của tour tham quan địa phương và đón hàng nghìn khách du lịch mỗi năm.

Nguồn: Amusing Planet