Nằm sâu trong khu danh lam thắng cảnh thuộc dãy núi Taihang ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), có một nơi được mệnh danh là một trong những ngôi làng biệt lập, tách rời hoàn toàn với thế giới bên ngoài với tên gọi là Guoliang.

Theo trang blog Anna Loves Travel, vì những trở ngại về vị trí địa lý cùng địa hình hiểm trở nên ngôi làng Guoliang gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh tế và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Được biết, để lên và xuống núi, dân làng chỉ có thể đi trên một con đường dốc Tianla, được xây dựng trên một vách núi vô cùng dốc, nguy hiểm và bất tiện với 720 bậc thang. I

photo-1

Người dân nơi đây chỉ có thể rời khỏi làng khi muốn mua những nhu yếu phẩm cần thiết, còn rất hiếm khi có người ngoài nào muốn vào trong tham quan hay thám hiểm.

Thậm chí, nếu ai đó bị ốm cần đến bệnh viện chữa trị, họ sẽ phải cần tới 8 người khiêng cáng mới có thể đưa người bệnh xuống núi thông qua con đường vách núi. Sau khi xuống núi, người dân sẽ lại mất thêm tới 4 tiếng đồng hồ để tới được bệnh viện gần nhất.

"Từ cửa sổ nhìn xuống, khung cảnh dưới vách đá là một loại cảm giác đáng sợ. Chúng tôi từng nơm nớp lo sợ khi phải sống ở đây từng ngày, cuộc sống không khác gì địa ngục. Hàng hóa, đồ dùng, lương thực thiết yếu từ bên ngoài không thể di chuyển đến làng hay những nơi khác", Lý Bình (56 tuổi), một người dân sinh sống khoảng 4 năm tại ngôi làng này chia sẻ.

Đặc biệt, thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc còn từng tuyên bố sẽ không đầu tư bất cứ một khoản nào chỉ để cho ngôi làng sử dụng. Cuộc sống của làng Guoliang gần như điêu đứng hoàn toàn, thậm chí có nguy cơ bị lãng quên, trở thành một "ngôi làng ma" không có người sinh sống.

photo-1

Để phá vỡ tình thế khó khăn, vào năm 1971, hội đồng làng đã quyết định huy động vốn và mua dụng cụ để tự tay đục đẽo một đường hầm xuyên núi nhằm đưa cuộc sống của người dân Guoliang kết nối với thế giới bên ngoài.

Vốn không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc xây dựng cùng với điều kiện khắc nghiệt khi thiếu điện và những máy móc cần thiết, 13 người đàn ông to khỏe nhất của ngôi làng này chỉ sử dụng những công cụ thô sơ như dây gai thô được treo trên vách đá để hạ mình xuống đục từng khối đá bằng búa và đinh. Trong những ngày xảy ra mưa bão, họ còn mất tới 3 ngày mới hoàn thành xong vài mét đường hầm. 

Trải qua khoảng thời gian 5 năm, vào năm 1977, đường hầm dài 1.250m, chiều cao 5m, chiều rộng 4m cuối cùng đã được hoàn thành.

Theo đó, ngôi làng Guoliang từng có nguy cơ bị lãng quên đã lột xác hoàn toàn. Giờ đây con đường đi vào trong đã có thể đủ chỗ cho hai xe ô tô đi qua nhau. 

 Là một trong những địa điểm thu hút lượng lớn khách du lịch, doanh thu lên đến gần 20 triệu USD/năm

Theo mô tả của những vị khách du lịch trên trang Tammizhi, toàn bộ đường hầm có tổng cộng 30 chiếc cửa sổ, ngoài tác dụng hút ánh sáng tự nhiên cho đường hầm, nó còn mang đến cho du khách những khung cảnh tráng lệ với các ngọn núi cao ngất, từng lớp từng lớp như tranh thủy mặc.

Thỉnh thoảng có những chiếc ô tô chạy ngang qua, tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp với đường hầm, cửa sổ và ánh nắng.

Ra khỏi đường hầm Guoliang, đó là ngôi làng Guoliang. Dưới bầu trời xanh, bạn có thể thấy ngôi làng được bao quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ và phong cảnh đẹp như tranh vẽ.

photo-1

photo-1

photo-1

Sau khi mở đường hầm, làng Guoliang đã được các nhà sản xuất và đạo diễn phim truyền hình ưu ái, "chọn mặt gửi vàng" nhờ phong cảnh độc đáo và ngôi làng cổ kính nên còn được mệnh danh là "Làng điện ảnh và truyền hình số 1 của Trung Quốc".

Có rất nhiều Airbnb, nhà trọ và nhà hàng xung quanh làng, cũng như một số quầy hàng thực phẩm nhỏ. Những ngôi nhà ở đây đều mới tinh, và cũng có một số tòa nhà mới đang được xây dựng, cảm giác hiện đại hơn.

photo-1

photo-1

Những ngôi nhà cổ đều tập trung ở vòng trong của làng, san sát nhau. Khi đi dạo, bạn có thể nhìn thấy những người phụ nữ đang thêu thùa, những chú gà trống đứng trên những bức tường cao và những cảnh nông thôn khác.

photo-1

Một trong những ngôi nhà cổ bán đồ chạm khắc thủ công, có thể tùy chỉnh theo sở thích của khách hàng.

photo-1

Đài quan sát làng Guoliang.

photo-1

Người dân làng Guoliang từng chỉ có thể đi bộ qua những bậc thang dốc này.

photo-1

Hãng phim và truyền hình Yutian Nhật Bản đã quay một bộ phim truyện ở đây, với tên gọi "Kỳ quan thứ 9 của thế giới".

Theo tiết lộ của vị trưởng ngôi làng Guoliang, doanh thu bán vé tham quan nơi đây đã lên tới 17 triệu USD vào năm 2018. 

Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, sống trong hoàn cảnh nghèo khó nay đã trở thành những người có của ăn của để. Thậm chí, họ còn trở thành những doanh nhân, ông chủ lớn của các doanh nghiệp, chủ của các khách sạn, khu du lịch của tỉnh Hà Nam.

"Cuộc sống giờ đây của tôi thật tuyệt vời. Lượng du khách hàng năm tới tham quan và du lịch thường xuyên tăng lên chóng mặt. Nơi đây có thể nói là địa điểm giúp 'chữa lành' tâm hồn tốt nhất, từ đó là liều thuốc tinh thần giúp giải tỏa khỏi những stress, áp lực mà guồng quay cuộc sống, công việc thường ngày mang đến", trưởng làng Guoliang bộc bạch.

Nguồn: Tammizhi, Anna Loves Travel