Cặp vợ chồng trẻ và hai con nhỏ là người dân tộc Thái, sống ở một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa. Với mong muốn được sống trong không gian truyền thống mang đậm tinh thần của người Thái, cặp vợ chồng trẻ đã dành nhiều thời gian để trò chuyện, thảo luận với kiến trúc sư để đưa ra những ý tưởng phù hợp.
Các kiến trúc sư cũng lấy cảm hứng từ căn nhà sàn để tạo nên ngôi nhà với mái lớn phủ lên toàn bộ không gian rộng rãi, đặc biệt là không chia phòng, không vách ngăn để các thành viên có thể thoải mái gắn kết, sinh hoạt cùng nhau.
Vì thế, dù chuyển từ nhà sàn sang căn nhà mới, mọi người trong gia đình vẫn giữ được lối sống, thói quen sinh hoạt lâu đời.
Đội ngũ thiết kế bao gồm kiến trúc sư Hà Đức Cương, Nguyễn Viết Lộc, Hà Văn Bằng đã để ý tới hai yếu tố, một là bối cảnh tự nhiên, hai là bối cảnh văn hóa.
Khu đất xây dựng nằm trong một bản làng xa xôi của huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa nên các kiến trúc sư đánh giá cao yếu tố văn hóa và khí hậu nơi đây. Người dân địa phương thường sống trong những căn nhà sàn.
Đặc điểm nổi bật của loại hình nhà này chính là không gian rộng rãi, không vách ngăn, các thành viên sinh hoạt cùng nhau. Không gian ấy cũng được bao bọc bởi mái che rất lớn khá đặc trưng của nhà sàn.
Vì thế, khi người địa phương có xu hướng chuyển sang nhà xây, chủ nhà cũng muốn tạo không gian mới mẻ cho gia đình nhưng vẫn đặt yêu cầu cần giữ lối sống, tập quán lâu đời của họ.
Ngôi nhà giản dị vẫn đẹp bình yên giữa không gian xanh mát xung quanh.
Từ "đề bài" được giao, các kiến trúc sư Cuong.buildingworkshop đã chuyển tải tinh thần của nhà sàn vào căn nhà mới, đó là thiết kế mái lớn và không gian sinh hoạt chung rộng rãi. Kiến trúc sư cố gắng tái lập một kiến trúc đầy ấn tượng từ tổ chức mặt bằng đến hình thái phần mái.
Diện tích xây dựng mặc dù khá hạn chế, chỉ khoảng 80m2 nhưng bằng sự nỗ lực và sáng tạo của mình, căn nhà mới đã được hoàn thiện với điểm nhấn ấn tượng. Do hình thái mái dạng tam giác và có đường chéo hướng ra đường nên phần mái nhìn từ xa có cảm giác rất rộng.
Về yếu tố khí hậu, khu vực này chịu tác động của gió Lào nên mùa hè vô cùng khắc nghiệt, khô nóng. Căn nhà vì thế được thiết kế mặt dài nhất là đường chéo quay về hướng Đông Nam để đón gió mát, cao dần về hướng Tây để tạo điều kiện sinh ra bóng đổ mát mẻ hơn ở vùng phía Đông, nơi có sân và hiên.
Với kiến trúc nhiệt đới, việc tạo ra nhiều bóng đổ tại các vùng ở của con người là hết sức quan trọng, vùng ở đây bao gồm trong nhà, vùng chuyển tiếp (mái hiên) và vùng ngoài trời.
Mặt khác, các kiến trúc sư chú ý đến vấn đề thông gió. Do có độ ẩm cao nên kiến trúc sư tạo nhiều điều kiện để căn nhà được thông gió ngang và thông gió đứng.
Thông qua mặt bằng có thể thấy, các không gian sinh hoạt chung và riêng của công trình được giống gió ngang rất tốt. Các kiến trúc sư sử dụng khái niệm "Bay window" để thông gió xuyên phòng cho các phòng ngủ.
Bất kỳ phòng ngủ nào cũng có 2 cửa sổ để gió tươi mát từ bên ngoài có thể vào và ra khỏi phòng. Điều đó cũng giúp thải nhanh lượng CO2 và bổ sung Oxy cho các phòng ngủ cũng như tăng vận tốc dòng không khí.
Với thông gió đứng, các kiến trúc sư đã linh hoạt áp dụng một kỹ thuật trong kiến trúc "Thermal Chimney" (ống khói nhiệt). Chiếc mái vốn đã cao, bổ sung trên đỉnh một ống khói nhiệt để tăng hiệu quả thông gió, trên đỉnh ống khói là lối gió ra.
Kiến trúc sư cũng khéo léo gắn vật liệu tôn và inox cho ống khói để giúp vùng không khí loãng và nóng hơn so với mặt đất, tạo vùng áp thấp.
Nhờ đó, không khí mát vào trong nhà trao đổi khí và sau đó được hút về hướng ống khói nhiệt. Do thông gió thông qua hiệu ứng chênh áp nên căn nhà vẫn luôn được trao đổi nhiệt ngay cả những ngày không có gió.
Các kiến trúc sư của Cuong.buildingworkshop tin rằng, việc tối ưu hóa bóng đổ, thông gió, căn nhà tạo ra tiện nghi nhiệt rất tốt, giải quyết được vấn đề gió Lào. Cũng nhờ đó, phần mái của công trình, xuất phát từ một vấn đề kỹ thuật mà tạo ra một hình thái đặc trưng, không thuần túy ở vấn đề hình khối.
Hình ảnh: Hà Đức Cương