Bên trong ngôi nhà giống như một cuốn sách hay, càng lật giở từng trang, càng tìm được nhiều điều ý nghĩa mà ngay cả việc đi qua ngôi nhà cả nghìn lần, bạn cũng không thể thấu hiểu.
Ngôi nhà hiện tại thuộc quyền sở hữu của Tony Leung, anh là con của một cặp vợ chồng yêu thích cây cối. Họ đã thuê mảnh đất rừng này cách đây 30 năm, dành thời gian và tâm huyết sửa chữa.
Điều tuyệt vời dành cho cuộc sống của họ chính là công việc thu thập hạt giống của đủ các loại cây và hoa. Họ duy trì công việc yêu thích này trong hàng chục năm. Đến năm 2009, họ mới quyết định biến ngôi nhà thành một bảo tàng sống và mở cửa đón chào những ai yêu thiên nhiên và muốn ghé thăm.
Anh Tony Leung là con trai của cặp vợ chồng yêu thích cây cối.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà như bị bỏ hoang.
Không gian và lối đi bên trong vô cùng độc đáo.
Bố mẹ của anh Tony trước đây là những nhà thiết kế. Họ thuê khu rừng và biến một phần nhỏ thành không gian để chứa đựng hạt giống. Diện tích còn lại được họ cải tạo, sử dụng các vật liệu tái chế để tạo nên những không gian vô cùng đặc biệt.
Ngắm nhìn và dạo bộ xung quanh khu rừng, chiêm ngưỡng những thân cây già, những giàn hoa, bóng cây được thiết kế tự nhiên, hoang dã, mọi người như có cảm giác được sống trong những bộ phim hoạt hình về thế giới giả tường.
Trong ngôi nhà "bảo tàng" của bố mẹ anh Tony có bộ sưu tập hạt giống mà họ đã dành thời gian sưu tầm. Tất cả mọi người trong gia đình anh đều yêu thiên nhiên, quý trọng môi trường. Mọi việc từ sưu tầm đến sửa chữa đều sử dụng bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình. Họ không ngừng sưu tầm đồ cũ để tạo nên những giá trị tuyệt vời cho bảo tàng cũng như cuộc sống của chính mình.
Ngôi nhà "chìm" trong những lùm cây.
Những góc nhỏ độc đáo.
Một căn phòng chứa hạt giống.
Từng góc nhỏ đều đẹp mê hoặc với vẻ đẹp tự nhiên.
Hạt giống trước khi được thu hoạch.
Ngôi nhà "bảo tàng" vẫn tồn tại bên cạnh sự phát triển của đường phố, của xã hội. Mọi thứ vẫn "hiên ngang" với bóng cây, với những tán lá rậm rạp che chở cho ngôi nhà khỏi thiên tai, bão lũ, nắng mưa… Ngay cả trước đây, khu vực này đã xảy ra một trận động đất mạnh 7 độ, ngôi nhà cũng ít bị ảnh hưởng.
Khi anh Tony quyết định mở cửa đón mọi người vào thăm quan, anh khá buồn phiền khi một buổi chiều có tới 400 người vào thăm với sự tò mò. Họ không tôn trọng thiên nhiên, sẵn sàng giẫm đạp lên những giá trị mà gia đình anh đã xây dựng và hướng tới.
Điều đó đặt ra cho anh vấn đề cần quản lý và bất kỳ ai muốn ghé thăm đều cần phải hẹn trước lịch. Họ kiểm soát số người đến thăm bằng cách nhận đặt chỗ qua điện thoại, trực tiếp và có thu phí và tính giờ. Nhờ vậy, họ cảm thấy thoải mái hơn khi những vị khách ghé thăm đều thực sự yêu quý và trân trọng những giá trị mà họ gây dựng cũng như dành thời gian lắng nghe những tâm huyết mà bố mẹ anh đã tạo nên.
Hiện tại, bố anh Tony đã ngoài 70 tuổi. Mỗi vị khách đến, ông vẫn say sưa giới thiệu về bảo tàng, về những hạt giống, về một số đồ nội thất hay góc trang trí mà ông bà dành thời gian để tạo nên. Mẹ anh hiện tại tuổi cũng cao nhưng bà vẫn khá minh mẫn, linh hoạt trong việc thu thập hạt giống theo mùa.
Đối với nhiều người làm vườn, vẻ đẹp của khu vườn chính là cây trổ hoa, nở những bông rực rỡ khắp nơi thì với bố mẹ anh Tony lại khác một chút, họ cảm thấy thích thú khi ngắm nhìn khu vườn khi chúng để lại những hạt giống cho đời. Những hạt giống mà bố mẹ anh thu thập không quá quý hiếm, có thể là những cây khá phổ biến nhưng việc làm của họ vô cùng ý nghĩa và đáng trân trọng.
Một góc nhỏ đựng hạt giống.
Bố của anh Tony Leung say sưa chia sẻ về niềm đam mê cả cuộc đời của mình.
Họ sử dụng những chai thủy tinh từ phòng thí nghiệm cũ để đựng hạt giống sau khi xử lý. Bên cạnh việc niêm phong chúng cẩn thận và trưng bày ở những góc thật xinh xắn, họ còn đảm bảo tránh độ ẩm khiến hạt bị ẩm mốc hoặc côn trùng ăn.
Họ luôn hạnh phúc vì công việc mà họ làm. Họ cũng truyền được thật nhiều cảm hứng đến những người xung quanh về cách nâng niu món quà của tự nhiên, trân trọng từng khoảnh khắc để được sống bền vững bên cạnh thiên nhiên.
Theo Huadianren