Các nhà nghiên cứu đã phân loại hơn 5.600 người tuổi từ 40-75 theo thời thời gian họ ngồi mỗi ngày và mức độ hoạt động thể chất từ mức trung bình đến nặng.
Phụ nữ ngồi dưới 3 giờ/ngày giảm được hơn 30% nguy cơ bị bệnh thận mạn tính so với phụ nữ ngồi hơn 8 giờ/ngày. Tương tự nam giới ngồi dưới 3 giờ/ngày giảm được hơn 15% nguy cơ bị bệnh thận mạn tính so với nam giới ngồi hơn 8 giờ/ngày.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nam giới ngồi nhiều nhưng tập luyện thể chất thường xuyên, ví dụ đi bộ 30 phút/ngày, ít bị bệnh thận mạn tính hơn 30% so với nam giới ngồi nhiều và lười vận động. Tuy nhiên, hoạt động thể chất không giúp giảm nguy cơ bị bệnh thận mạn tính ở phụ nữ ngồi nhiều.
TS. Thomas Yates thuộc Đại học Leicester (Anh), tác giả nghiên cứu, nói “Hiện chưa rõ tại sao lười hoạt động thể chất lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thận song nghiên cứu trước đây đã chứng mình rằng giảm thời gian ngồi và tích cực tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tim mạch thông qua cải thiện huyết áp, cholesterol, chuyển hóa glucose”.
Yates nói các kết quả này cũng gợi ý rằng “Để giảm nguy cơ mắc bệnh thận nam giới nên tích cực tập luyện thể chất với cường độ từ mức trung bình đến nặng, như đi bộ nhanh, chạy bộ, tập luyện với máy chạy, còn phụ nữ nên giảm thời gian ngồi”.
Mặc dù nghiên cứu này phát hiện ra mối liên quan giữa ngồi nhiều và tăng nguy cơ bị bệnh thận song nó không chứng minh mối quan hệ nhân quả.
Nghiên cứu được đăng trên số ra tháng 10 của tờ American Journal of Kidney Diseases.