Môi trường làm việc nào cũng thế và ngành nghề nào cũng vậy, luôn chứa đựng những bất đồng và mâu thuẫn diễn ra đều đặn hàng ngày. Công sở, nơi tập trung rất nhiều con người, thuộc các chuyên môn khác biệt cùng nhau làm việc, là một trong những môi trường dễ xảy ra những mâu thuẫn, va chạm bậc nhất. Và sự khác biệt nằm ở việc con người ta biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân để giải quyết những mâu thuẫn theo một hướng tích cực nhất và ít để lại hậu quả nhất có thể. Tuy nhiên, trong đa phần trường hợp, khi lý trí đã không thắng được con tim, thì câu chuyện thường bị đẩy đi theo một hướng rất xa và cái kết đắng mà người trong cuộc nhận được không khỏi khiến họ nhớ đời.

Ngồi trong văn phòng mà cãi nhau như hàng cá ngoài chợ! - Chị em ơi, đừng quên mình đang làm việc nơi công sở - Ảnh 1.

Chị L vs chị X như hàng cá – hàng thịt ngoài chợ

Một ngày đẹp trời, cả văn phòng của công ty A. đang rất tập trung làm việc để chuẩn bị cho dự án mới, sắp được ra mắt. Ai nấy đều rất tập trung để có thể hoàn thành tốt công việc được giao, nhằm đẩy dự án diễn ra theo đúng tiến độ đã được hoạch định ban đầu. Ngoài những cuộc họp ngắn nhằm mục đích chia sẻ ý tưởng cũng như cập nhật tiến độ công việc, không có bất cứ hoạt động phát sinh nào khác. Cả văn phòng rơi vào lặng thinh, cơ hồ như không có một tạp âm nào. Âm thanh duy nhất nghe rõ mồn một chính là tiếng gõ phím phát ra từ những chiếc máy tính cá nhân.

Ngồi trong văn phòng mà cãi nhau như hàng cá ngoài chợ! - Chị em ơi, đừng quên mình đang làm việc nơi công sở - Ảnh 1.

Giữa không khí tập trung cao độ ấy, bỗng nhiên một giọng lanh lảnh phát ra từ phía chị X. Sau đó, chị L. cũng hồi đáp bằng một giọng có cường độ, cao độ chói tai không kém. 

Rồi cứ thế hai bên, người nói qua, kẻ nói lại, ai cũng vận hết sức khí từ đan điền, gân cổ lên thật cao, phát ra những âm thanh to nhất và rõ nhất có thể. Thiếu điều, nếu mỗi người có một chiếc micro, các chị cũng chẳng tiếc mà chỉnh âm lượng ở mức cao nhất để hét vào mặt nhau cho sướng cái tôi cá nhân. Những từ ngữ không phù hợp với không khí văn phòng cứ thế được tuôn ra.

Tiếng gõ phím dần vơi bớt rồi dừng hẳn. Hàng chục ánh mắt của bạn bè đồng nghiệp chẳng hẹn mà gặp nhất loạt hướng về hai chị. Những đôi tai cũng theo đó mà vận hết công suất để có thể hóng xem "drama" nào đang diễn ra. Ngay cả những cá nhân ngày thường đóng vai trò "người vô hình" nơi công sở, chẳng màng thế sự cũng bị những âm thanh phát ra từ cuộc "trò chuyện" của hai chị làm cho mất tập trung. Hóa ra, vì một mâu thuẫn nhỏ trong công việc, không thể giải quyết một cách rõ ràng thông qua những tin nhắn trên ứng dụng, nên các chị đã chẳng màng gì mà nhảy xổ vào nhau với một mục đích nghe có vẻ tích cực đó chính là làm cho "ra ngô ra khoai".

Ngồi trong văn phòng mà cãi nhau như hàng cá ngoài chợ! - Chị em ơi, đừng quên mình đang làm việc nơi công sở - Ảnh 2.

Đang hồi cao trào, một người anh cũng thuộc vào hàng lão làng, có tuổi trong công ty đứng thẳng lên rồi hét lớn (đủ để át đi tiếng hai chị gái đang cãi nhau rất sung sức): "Dưới văn phòng có quán cà phê, bao nhiêu ân oán xuống đó mà giải quyết". Câu nói của anh không những không khiến tình hình dịu đi mà còn như một can dầu tạt thẳng vào đốm lửa đang độ muốn bùng. Hai chị nhanh chóng bật lại rồi theo diễn tiến thường thấy, rất nhiều gương mặt ban đầu chẳng liên quan cũng góp lời khiến văn phòng nhanh chóng biến thành một cái chợ. Chợ vỡ, ban giám đốc phải đứng ra giải quyết và kết quả là cả một phòng bị kỷ luật vì hành vi gây rối nơi công sở.

Ngồi trong văn phòng mà cãi nhau như hàng cá ngoài chợ! - Chị em ơi, đừng quên mình đang làm việc nơi công sở - Ảnh 3.

Kiểm soát bản thân không nổi, sao làm được việc lớn

Câu chuyện trên chỉ là một trong số rất ít những vấn đề vẫn đều đặn xảy ra hàng ngày nơi công sở mà ai cũng ít nhất một lần có dịp chứng kiến. Xuất phát từ những mâu thuẫn phải nói là chẳng đáng mà bản thân người trong cuộc chẳng thể hoặc chẳng muốn giải quyết một cách nhẹ nhàng, êm đẹp; câu chuyện nhanh chóng bị đẩy lên cao trào rồi kéo thêm rất nhiều thành phần liên đới vào. Để rồi, kết quả cuối cùng là những hình thức xử phạt chẳng ai mong muốn.

Ngồi trong văn phòng mà cãi nhau như hàng cá ngoài chợ! - Chị em ơi, đừng quên mình đang làm việc nơi công sở - Ảnh 5.

Phải công nhận rằng, đa phần những con người làm việc nơi môi trường công sở đều sở hữu một trình độ chuyên môn cũng như văn hóa nhất định, cho nên việc đứng lên gân cổ cãi tay đôi với nhau một cách inh ỏi như hàng cá, hàng thịt ngoài chợ là điều không nên xảy ra một chút nào. Bởi khi để việc này xảy ra, dẫu rằng đúng sai thuộc về ai vẫn chưa phân định, nhưng thứ mà người ngoài nhìn vào sẽ thấy rõ nét và cảm nhận một cách khách quan chính là sự thiếu văn minh, lịch sự của những con người làm việc trong một môi trường cần lắm những hành động đẹp như nơi công sở.

Bên cạnh đó, đối với đa phần những người lãnh đạo, không phải năng lực chuyên môn, vẻ đẹp ngoại hình mà khả năng kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân để giải quyết mọi vấn đề trong công việc mới là thứ được đánh giá cao. Do đó, hành vi cãi nhau inh ỏi, nặng lời chỉ thể hiện chị em là những con người có cái tôi quá cao và thiếu khả năng kiểm soát bản thân mình. Điều này ít nhiều khiến cấp trên và lãnh đạo có cái nhìn chẳng mấy thiện cảm với chị em. Từ đó, sự không tin tưởng được dịp nảy sinh. Bởi lẽ, một ngày đẹp trời, người mà cô ấy "chửi" cũng rất có thể là mình lắm chứ.

Ngồi trong văn phòng mà cãi nhau như hàng cá ngoài chợ! - Chị em ơi, đừng quên mình đang làm việc nơi công sở - Ảnh 6.

Chưa kể, những "drama" không đáng sẽ có nguy cơ khiến mối quan hệ đồng nghiệp bị rạn nứt, dẫn đến việc phối hợp công việc sau này ít nhiều bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc to tiếng, cũng như cãi nhau nơi công sở còn chiếm một quỹ thời gian nhất định. Bấy nhiêu đó yếu tố đó đủ khiến cho năng suất lao động của chị em và những thành phần liên đới (trong câu chuyện trên là cả một khối văn phòng) bị giảm sút. Hơn hết, một công ty dù có phúc lợi và đãi ngộ tốt đến đâu, nếu sở hữu đội ngũ nhân viên là những con người "máu chiến", thích cãi nhau và làm inh ỏi mọi chuyện chắc hẳn không phải là một môi trường hấp dẫn đối với nhiều người. Hình ảnh công ty vì thế mà bị ảnh hưởng một cách trực tiếp.

Cho nên, dẫu biết mâu thuẫn, xích mích trong công việc là điều khó tránh khỏi; tuy nhiên, mọi việc đều có thể dễ dàng được giải quyết nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và tìm ra giải pháp phù hợp cho câu chuyện. Bên cạnh đó, chị em công sở chẳng việc gì phải gân cổ lên, bởi độ lớn trong âm lượng của câu nói đâu có chứng minh được là mình đúng mà chỉ thể hiện sự "chợ" của bản thân.