- Tọa lạc tại ngõ 622 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Trường được thiết kế thân thiện và gần gũi với thiên nhiên, trên khuôn viên rộng hơn 4000 m2. Times School được cấu trúc gồm 3 tòa nhà 3 tầng với đầy đủ hệ thống phòng học tiêu chuẩn, phòng chức năng, khuôn viên, sân chơi, sân thể thao (2 sân bóng rổ và 1 sân bóng đá mini).
- Đặc biệt, trường có một phòng học STEM và một phòng căn hộ mô phỏng cuộc sống gia đình để học sinh thực hành kỹ năng sống.
Tuy nhiên, đó chưa phải là những gì khiến người ta ấn tượng về ngôi trường này.
Times School ra đời với mong muốn tạo ra mô hình giáo dục đích thực, nhân văn. Để làm được điều đó, trường đã xây dựng và triển khai mô hình giáo dục khai phóng với Triết lí giáo dục được xác định tường minh: "Đào tạo con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm hiệu quả" cùng bộ giá trị cốt lõi gói gọn trong 4 chữ "Chân – Thiện – Mỹ - Hòa".
01
Mô hình giáo dục khai phóng
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, thành viên Hội đồng quản trị Times School, được biết đến như là một trong những người tiên phong triển khai mô hình giáo dục khai phóng của bậc đại học xuống bậc phổ thông, bắt đầu ngay từ cấp tiểu học. Khai phóng ở đây chính là "khai mở nhân tính – giải phóng tiềm năng" và nhà trường quyết định tạo ra những "sản phẩm chuyên nghiệp" ngay từ khi đó chỉ là những "phiên bản tí hon".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ban – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường chia sẻ: Times School đã vận dụng có chọn lọc những tư tưởng cốt lõi, đặc trưng của giáo dục khai phóng trong tổ chức đào tạo và giáo dục. Đó là: Đào tạo linh hoạt, giải phóng người học ra khỏi những áp đặt, giáo điều, khuôn mẫu; Giúp học sinh trở thành con người tự do, được làm và làm được những gì các em mong muốn và lựa chọn theo sở trường, phù hợp năng lực của mình.
Bên cạnh đó chú trọng dạy NGƯỜI, đồng thời với việc trang bị cho học sinh kiến thức nền tảng, nhà trường tập trung hình thành và phát triển cho người học năng lực tư duy, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề…, kĩ năng sống, khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh.
Ngoài ra tạo cho học sinh động cơ, động lực học tập, tìm hiểu, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; thắp lên trong mỗi học sinh ngọn lửa đam mê, yêu thích việc học.
Với mô hình giáo dục này, học sinh được tăng cường trải nghiệm để từng bước thấu hiểu bản thân: Biết mình là ai, biết mình muốn gì, mình sẽ trở thành con người như thế nào. Đây là điều quan trọng cho điểm xuất phát của đứa trẻ. Dù câu hỏi dường như có tính vĩ mô nhưng trẻ hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi này và trả lời theo cách tiếp cận học sinh tiểu học.
Times School cũng hiểu rằng mỗi cá nhân là khác biệt, mỗi học sinh có những tố chất và tiềm năng riêng cần giải phóng. Vì vậy, trên cơ sở khai mở nhân tính, nhà trường sẽ thực hiện các hoạt động cá nhân hóa giáo dục, trong quá trình học tập giảng dạy và trong các câu lạc bộ ngoại khóa để giúp cho học sinh phát huy được tối đa năng lực của bản thân, từng bước lựa chọn và tạo dựng được lối đi cho riêng bản thân mình.
Triển khai mô hình giáo dục khai phóng cũng là một cách để nhà trường hiện thực hóa triết lý giáo dục và bộ giá trị cốt lõi của mình.
02
Triết lý giáo dục tường minh
Triết lý giáo dục của trường là "Đào tạo con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm hiệu quả". Triết lý giáo dục này đã định hướng và chi phối mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, bao gồm cả việc đầu tư cơ sở vật chất, nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, dịch vụ và văn hóa học đường.
Triết lí giáo dục trên được tường minh hóa thành các tiêu chuẩn cụ thể mà mỗi học sinh phải đạt được, chẳng hạn như: Học sinh biết đặt ra các mục tiêu vừa sức, biết phân biệt đúng – sai, tự tin thể hiện chính kiến, biết đưa ra các lựa chọn hợp lí,… Biết yêu thương, chia sẻ; kiểm soát cảm xúc, thể hiện cảm xúc đúng lúc, đúng chỗ,… Biết tự phục vụ bản thân, tự thực hiện hoạt động học tập, vui chơi,… Biết làm việc có kế hoạch theo thời khóa biểu, thời gian biểu,…
Nhờ việc xác định triết lý giáo dục tường minh mà mọi hoạt động của nhà trường trở nên nhất quán và có tính hướng đích, giúp cho việc học tập và giảng dạy trong nhà trường trở thành một lộ trình có mục tiêu, việc tổ chức và quản lý cũng thuận lợi hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ban với tư cách "đầu tàu" của nhà trường cho biết về mong muốn của mình: "Các em sau khi ra trường để bước vào đời, triết lý giáo dục này sẽ chuyển thành triết lý sống giúp cho các em có thể tự chủ trong cuộc sống, có khả năng sống hạnh phúc và làm việc hiệu quả", để những thế hệ học sinh của Times School thực sự có đầy đủ năng lực và phẩm chất làm chủ được tương lai của chính mình.
03
"Văn hóa học đường gồm 2 từ" như người trưởng thành
Văn hóa học đường của Times School được xây dựng trên hai thành tố chính: Hòa nhã và Chuyên nghiệp. Hòa nhã chỉ sự thân thiện, nhã nhặn, đáng mến trong giao tiếp và ứng xử giữa người với người trong môi trường học đường. Chuyên nghiệp chỉ tiêu chuẩn làm việc, vận hành, học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên, nhân viên và đối tác làm việc với nhà trường.
Chính những từ ngữ dường như thường được dùng trong môi trường công sở này khi được áp ở môi trường giáo dục, nơi có những đứa trẻ mới bắt đầu cắp sách tới trường đã khiến cho vấn đề bạo lực học đường được kiểm soát. Những đứa trẻ biết tôn trọng sự khác biệt của bạn mình.
TS Nguyễn Thị Ban đưa ra một ví dụ nhỏ như việc học sinh ngã, nhà trường giáo dục học sinh không đổ lỗi tại ngoại cảnh mà giúp con bình tĩnh vượt qua sự đau đớn (nếu có) hay sự sợ hãi. Mục đích để trẻ học được cách trở thành những con người biết chịu trách nhiệm, biết đứng lên ngay từ khi còn nhỏ.
Những văn hóa nền tảng như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, tư thế, tác phong, ứng xử,… đều được nhà trường đưa thành nội dung giáo dục học sinh, lồng ghép trong từng bài giảng của thầy cô để mỗi học sinh đều biết nghĩ điều hay, làm điều tốt, giàu lòng yêu thương và chia sẻ, có ý thức sống đẹp.
Áp dụng "văn hóa học đường 2 từ" này đã khiến "tấm gương soi" là những nhà giáo dục cho đến những đứa trẻ tạo ra một ngôi trường cùng nhau sống hạnh phúc, biết học tập và làm hiệu quả như đã nêu trong triết lý giáo dục của nhà trường. Đó cũng là lý do khiến nữ tiến sĩ này cùng nhóm thành viên sáng lập mở ra một ngôi trường với mong muốn tối ưu hóa giáo dục, giúp học sinh được phát triển tốt nhất.
04
Bỏ lối giảng dạy "văn mẫu, toán dạng"
Tiến sĩ Giáp Văn Dương chia sẻ: Phương pháp giáo dục chủ đạo của Times School là phương pháp ĐỒNG KIẾN TẠO. Nhà trường quan niệm sự trưởng thành của học sinh là sản phẩm đồng kiến tạo của gia đình và nhà trường. Kết quả học tập của học sinh là sản phẩm đồng kiến tạo của cả thầy và trò.
Nhờ phương pháp này, học sinh tiểu học ở đây sẽ được loại bỏ lối nghe giảng và ghi nhớ "văn mẫu, toán dạng" lối mòn mà nhiều ngôi trường vẫn đang áp dụng. Các em được trải nghiệm, khám phá và thảo luận, học tập những bộ môn lạ nhưng khá lý thú để thế giới quan được rộng mở.
Đó là lý do mà trường hình thành các chương trình bản sắc riêng, những chủ đề tháng linh hoạt hay được tới căn phòng cuộc sống gia đình để tăng cường kỹ năng sống.
Người ta thường nói đến "trường học hạnh phúc" nơi có những "học sinh hạnh phúc" và điều đáng nói là phụ huynh hay bất cứ nhà quan sát nào cũng nhìn thấy rõ mọi tư tưởng của nhà trường cho đến cách triển khai đều hướng tới việc học sinh vui đến trường, các thầy cô vui giảng dạy, gia đình không phải là người đứng ngoài mà là người đồng hành cùng nhà trường, cùng thầy cô và con em mình.
Nhờ bỏ "văn mẫu, toán dạng" nên học sinh Times School được tăng cường các môn học trải nghiệm, dễ dàng hơn trong việc hiểu bản thân, biết mình là ai, mình muốn gì, mình sẽ trở thành con người như thế nào.
Bỏ "văn mẫu, toán dạng" cũng là cách nhà trường thể hiện rằng mỗi cá nhân là những tiềm năng đặc biệt cần được giải phóng và chúng ta cần biết tôn trọng sự khác biệt để chung sống và ứng xử một cách văn minh.
Bỏ "văn mẫu, toán dạng" tức là tính cá nhân hóa giáo dục được nâng cao để giúp cho học sinh phát huy tối đa năng lực của bản thân và nhìn thấy đường đi của mình rõ ràng hơn.
Có thể nhận thấy rõ ở Times School dù các triết lý, phương pháp giáo dục dẫu có được nói đầy tính vĩ mô; nhưng cuối cùng mọi con đường ngôi trường này hướng tới cũng chỉ 4 chữ đơn giản "học sinh hạnh phúc".
Và suy cho cùng điều mong mỏi của không ít cha mẹ khi gửi gắm con em mình cho một môi trường giáo dục sâu xa không phải là điểm số. Thực chất cha mẹ đều mong muốn về một đứa trẻ biết hạnh phúc ở ngay hiện tại và biết đi đúng hướng tới một cuộc sống vui vẻ và chất lượng trong tương lai.