Tọa lạc tại Lô A4, NT1, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), trường Tiểu học Jean Piaget có diện tích khoảng 4000m2. So với các ngôi trường tư thục khác, đây không phải là diện tích quá lớn. Nhận xét một cách khách quan, Jean Piaget nhỏ, nhưng chính sự nhỏ nhắn này lại mang đến cho phụ huynh và học sinh trải nghiệm đặc biệt.
Nhiều người khi bước chân qua cánh cổng Jean Piaget từng nhận xét rằng: "Trường ấm cúng như một ngôi nhà vậy"! Sự ấm cúng không chỉ vì trường... nhỏ, mà chính là ở cách trang trí, thiết kế.
Các tòa nhà của Jean Piaget quây lại thành một hình chữ nhật, với khoảng sân ở giữa để trẻ có thể nô đùa, chạy nhảy. Khắp các tầng là cây cối xanh mướt, những khóm hoa sắc màu đang nở rộ. Khi đến thăm trường, tôi (PV) tưởng như đang bước vào một công viên vậy!
Đứng dưới khoảng sân ngập nắng của Tiểu học Jean Piaget, ngắm nhìn một khóm hoa đỏ rung nhẹ vì cơn gió lướt qua, tôi bỗng thấy lòng bình yên đến lạ. Cảm giác đó càng đong đầy hơn khi tôi được nghe cô Phạm Thị Trang Nhung, Phó hiệu trưởng Phụ trách mảng Xã hội và Phát triển cộng đồng của nhà trường chia sẻ về Triết lý giáo dục, những hoạt động học tập, giá trị tốt đẹp mà Tiểu học Jean Piaget muốn hướng tới cho học sinh...
"Ơ, đã hết giờ học rồi ạ?"
Trường Tiểu học Jean Piaget chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017 và được đặt tên theo cha đẻ của phương pháp tiếp cận giáo dục Kiến tạo, với nguồn cảm hứng về một ngôi trường thực nghiệm do học sinh làm chủ quá trình học hỏi của bản thân.
Kiến tạo cũng là triết lý giáo dục chính của nhà trường, giống như nhà giáo dục Jean Piaget đã nói: "Mục đích của những người làm giáo dục học đường là tạo ra những con người có khả năng làm nên những điều mới mẻ chứ không chỉ lặp lại những gì mà thế hệ khác đã làm".
Nói về điều này, cô Trang Nhung cho biết, mỗi đứa trẻ đến với Tiểu học Jean Piaget đều được tôn trọng khả năng, tốc độ học tập riêng. Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Có em tiếp thu nhanh, có em tiếp thu chậm. Việc của người thầy là nhìn nhận đa chiều, toàn diện và hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.
"Tôi thường nói với phụ huynh rằng: Chúng ta đừng so sánh con mình với "con nhà người ta" mà hãy so con mình của ngày hôm nay với ngày hôm qua. Cả cha mẹ và trẻ, chúng ta không cần là phiên bản tốt hơn so với bất kỳ ai, mà chỉ cần là phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình qua từng ngày", cô Trang Nhung tâm sự.
Tại trường Tiểu học Jean Piaget, giáo viên không "cầm tay chỉ việc" cho học sinh mà đảm nhận vai trò dẫn dắt, hướng dẫn để các em tiếp cận kiến thức. Chẳng hạn khi kiểm tra bài tập về nhà, nếu phát hiện học sinh làm sai, giáo viên sẽ lấy bút đánh dấu và các con phải tự sửa lại.
Hay trong mỗi giờ thảo luận, học sinh được thoải mái nói ra ý kiến của mình. Mỗi đáp án dù có sai cũng thể hiện ra góc nhìn của các con. Việc của thầy cô là không phủ nhận mà cần tiếp tục dùng câu hỏi truy vấn để học sinh có thể nhìn ra vấn đề. Trong quá trình này, các thầy cô cũng luôn nhắc nhở cả lớp không được cười đùa, chê bai ý kiến của bạn mà cần lắng nghe những góc nhìn mới.
Triết lý kiến tạo cũng được nhìn thấy ở việc "đảo ngược lớp học". Nếu như với mô hình lớp học bình thường, giáo viên sẽ là người đưa ra chủ đề học thì ở mô hình "đảo ngược", học sinh có quyền ngược lại.
Chẳng hạn, một học sinh từng tò mò hỏi: "Cô ơi, tại sao thế giới lại xảy ra chiến tranh?". Vậy là cả cô cả trò cùng bắt tay tìm hiểu, thiết kế nội dung học xoay quanh chủ đề này. Hay lần nọ, một em lớp 2 thắc mắc: "Sao con lật đật có thể đứng cân bằng dù bị đẩy?". Cả lớp được học luôn về nguyên lý cân bằng ổn định. Những đứa trẻ hớn hở, cười tít mắt khi khám phá sự thật: Thì ra, muốn cho một vật ổn định, không bị đổ ngã thì phải thỏa mãn đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, đó là diện tích đáy phải lớn. Thứ hai, trọng lượng của vật thể phải tập trung ở phần đáy, trọng tâm vật phải thấp.
Không để kiến thức chỉ là những dòng chữ khô khan trên giấy, cô trò Jean Piaget đã cùng nhau thực hành, sáng tạo thêm các món đồ chơi dựa theo nguyên lý trên. Việc học nhờ đó càng trở nên thú vị.
Có lẽ vì vậy mà khi tiếng chuông tan học vang lên, nhiều đứa trẻ từng ngơ ngác, tiếc nuối hỏi: "Ơ, hết giờ học rồi ạ?"...
"Thất bại giống như viên thuốc kháng sinh: Đắng nhưng dã tật!"
Tiểu học Jean Piaget có một văn hóa rất đặc biệt, đó là "tôn trọng", thậm chí "vinh danh" sự thất bại. Ở ngôi trường này, trẻ không sợ thất bại! Các em được khuyến khích làm, sai đâu, sửa đó, rút kinh nghiệm để lần sau thực hiện tốt hơn.
Các thầy cô luôn dạy trẻ rằng, thất bại không đáng sợ. Nó chính là hành trang để con người dần hoàn thiện bản thân, đúc rút ra bài học để tiến về phía trước. Ta không cần cảm thấy xấu hổ, hay cố gắng che giấu thất bại, hãy dũng cảm và thẳng thắn đối mặt với nó. Không chỉ học từ thất bại của bản thân, ta còn học từ thất bại của người khác.
Cô Trang Nhung nhớ lại một hoạt động rất ý nghĩa từng được nhà trường tổ chức vào năm 2017, đó là "Bảo tàng thất bại", lấy cảm hứng từ một số bảo tàng cùng chủ đề trên thế giới.
"Tại sao chúng ta chỉ vinh danh thành công, những điều tốt đẹp? Trong khi chính những thất bại - "mẹ của thành công" lại bị bỏ lơ?", chính suy nghĩ đó khiến cô Trang Nhung và Ban giám hiệu nhà trường quyết định đem "Bảo tàng thất bại" về Jean Piaget.
Trước khi bảo tàng được tổ chức, trẻ học về những câu chuyện truyền cảm hứng trên thế giới. Đó chính là nhà văn nổi tiếng J.K Rowling, từng bị 12 nhà xuất bản từ chối bản thảo Harry Potter đầu tiên. Hay những thiên tài như Isaac Newton, Albert Einstein cũng từng trải qua tuổi thơ học tập lẹt đẹt, bị coi thường trước khi trở thành vĩ nhân của nhân loại. Từ những tấm gương đó, các em nhận ra: Ồ, ai cũng từng có thất bại, kể cả người tài giỏi!
Trong suốt một tháng, thầy cô đã sưu tầm những câu chuyện về sự thất bại của học sinh. Với những em nhỏ lớp 1, đó đơn giản là chuyện "Tuần trước con làm bài tập sai", "Hôm qua con bị mẹ mắng",... Tới những em lớp 5, đã có những chuyện nghiêm trọng hơn. Đó là câu chuyện một học sinh không kịp giữ tay, khiến bạn bị ngã khi leo núi và phải nhập viện. Trải nghiệm đó khiến em ân hận mãi, thấy có lỗi với bạn.
Khi được hỏi "Con cảm thấy thất bại có mùi vị gì, hình dáng, màu sắc ra sao", câu trả lời của nhiều đứa trẻ đã khiến người lớn phải trầm ngâm, suy nghĩ:
- "Với con, thất bại giống như một viên thuốc kháng sinh. Con không muốn uống vì đắng. Nhưng uống xong lại thấy khỏe người".
- "Con lại cảm thấy thất bại giống như một quả mận. Bề ngoài căng bóng, cắn vào lại chua chát.
- "Thất bại với con có màu xanh. Nó giống biển cả, trông mênh mông nhưng nhìn vào lại thấy bầu trời xanh soi bóng dưới làn nước".
Nhớ lại dự án "Bảo tàng thất bại", điều khiến cô Trang Nhung tâm đắc nhất, chính là "hạng mục tự thoại tiêu cực". Vốn là một chuyên gia tâm lý trường học, cô Trang Nhung luôn coi trọng vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh. Theo cô: "Mọi độ tuổi đều có thể gặp khủng hoảng. Với trẻ lớp 1, đó là nỗi sợ hãi làm quen với môi trường. Với lớp 3, 4 là nỗi lo kết bạn, còn lớp 5 là áp lực chuyển cấp, tương tác với gia đình".
Trong dự án Bảo tàng thất bại, giáo viên đã thu thập những câu nói tiêu cực, dán lên một bức tường decal đen. Khi học sinh bước vào căn phòng, các em được cảm nhận việc khi gặp thất bại, nếu cứ để những suy nghĩ, lời nói tiêu cực bủa vây thì sẽ ảnh hưởng như nào, cảm thấy bế tắc, bị nhấn chìm ra sao. Không chỉ học sinh, mà phụ huynh cũng được bước vào phòng và cảm nhận.
Một hoạt động nhỏ của bảo tàng nhưng đã khiến rất nhiều phụ huynh rơi nước mắt, thay đổi cách tương tác, nhìn nhận mỗi khi con gặp khó khăn. Đây cũng chính là điều mà thầy cô trường Tiểu học Jean Piaget mong mỏi và hướng tới: Trẻ dũng cảm đối mặt với thất bại, còn cha mẹ có cái nhìn bao dung với thất bại của con.
Sách là bạn đồng hành của trẻ nhỏ
Một nét văn hóa đặc biệt nữa mà Tiểu học Jean Piaget chú trọng xây dựng cho trẻ, đó là "văn hóa đọc". Những đứa trẻ tại ngôi trường này say mê từng trang sách và thực sự hòa mình vào thế giới mộng mơ, đầy màu sắc mà sách mang lại.
Bước qua cánh cổng trường, phụ huynh sẽ thấy những đứa trẻ đọc sách mọi nơi, mọi lúc. Các em ngồi đọc trong lớp, dưới sân trường, cạnh những khóm hoa, trên bãi cỏ, hay trong thư viện. Văn hóa đọc sách hiện hữu ở mọi mặt trong nhà trường, từ việc lồng ghép vào môn Nghệ thuật ngôn ngữ, đến khắc tên những tác phẩm kinh điển ở từng bậc cầu thang,...
Mỗi lớp học đều có một giá sách, học sinh tự phân công thủ thư để bảo quản. Đọc xong sách của lớp mình rồi, các em có thể chạy sang lớp khác, thậm chí là gõ cửa phòng cô Hiệu phó để mượn thêm sách. Mỗi giờ nghỉ trưa, thầy cô lại đọc sách cho học sinh nghe, để những con chữ đưa các em vào giấc ngủ.
Nhắc đến văn hóa đọc của nhà trường, cô Trang Nhung không khỏi tự hào. Ánh mắt cô say sưa khi kể về những cuộc thi thiết kế bìa, viết cảm nhận, hội chợ trao đổi sách mà nhà trường tổ chức cho học sinh. Hay có những buổi lễ hội được kết hợp tổ chức với các nhà xuất bản, nơi trẻ được hóa thân thành những nhân vật và trải nghiệm quy trình làm ra một cuốn sách như nào.
Cô Trang Nhung giới thiệu thêm cho tôi về những cuốn truyện tranh, tạp chí đầy sắc màu mà chính học sinh đã viết, vẽ minh họa dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Có những cuốn xuất bản nội bộ trong trường, có cuốn đã được xuất bản toàn quốc. Đó là câu chuyện về cuộc "Phiêu lưu trên khinh khí cầu", về "Hệ mặt trời vui vẻ", hay "những chú khủng long tinh nghịch",... Dưới trí tưởng tượng, óc sáng tạo của trẻ nhỏ, thế giới hiện lên đầy tươi đẹp, ấm áp và đáng yêu đến lạ.
Trước thực trạng nhiều trẻ em bị nghiện các thiết bị công nghệ, quá gần gũi với iPhone, iPad mà xa rời trang sách, cô Trang Nhung tâm sự: Việc bồi đắp văn hóa đọc cho học sinh là rất quan trọng. Một khi đã yêu thích việc đọc, các em sẽ chủ động tiếp cận với nguồn tư liệu, bồi đắp được các giá trị sống tốt đẹp, xây dựng chiều sâu về mặt tâm hồn. Quan trọng hơn, sách cũng chính là "người thầy" giúp trẻ định hướng sự tử tế, biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm.
Trước khi chia tay trường Tiểu học Jean Piaget, cô Trang Nhung tâm sự với tôi về "thế nào là một bầu không khí học tập đúng nghĩa dành cho trẻ nhỏ". Nữ hiệu phó cho rằng, đó phải là một nơi tràn đầy cảm hứng, bận rộn và hợp tác. Cảm hứng có nghĩa học sinh luôn vui vẻ, chủ động, nỗ lực trong việc học. Bận rộn là khi các em luôn cặm cụi, mải miết tìm tòi, khám phá những kiến thức mới. Còn hợp tác là sự phối hợp, chia sẻ với nhau để chinh phục những thử thách.
"Nếu hết giờ mà học sinh vẫn muốn học. Với mỗi dự án mà học sinh luôn làm vượt yêu cầu, muốn để lại dấu ấn cá nhân, thì đó chính là biểu hiện của yêu thích việc học. Đó cũng là thành công lớn của người thầy"...