Một nghiên cứu mới chứng minh rằng, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày làm tăng gấp đôi, hoặc thậm chí gấp 3 nguy cơ tử vong do bệnh tim hoặc ung thư. Đặc biệt nếu như bạn mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp hoặc tiểu đường loại 2.

Nói về quá trình điều tra, nhóm nghiên cứu từ Đại học Y bang Pennsylvania đã xem xét dữ liệu của hơn 1600 người lớn trong độ tuổi từ 20-74, được chia thành 2 nhóm: Một nhóm bị huyết áp cao giai đoạn 2 hoặc tiểu đường loại 2, nhóm còn lại có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ. Họ được theo dõi từ những năm 1990 cho đến 2016.

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày khiến bạn có nguy cơ tử vong vì 2 căn bệnh nguy hiểm này - Ảnh 1.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người trưởng thành bị cao huyết áp hoặc tiểu đường loại 2 có nguy cơ tử vong vì bệnh tim hoặc đột quỵ cao gấp đôi người khỏe mạnh. Và những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim nếu không ngủ đủ giấc (ít hơn 6 giờ) sẽ tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong vì ung thư.

"Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng nếu ngủ đủ giấc sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh nhân đã có tiền sử bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cần xem xét thêm liệu cải thiện giấc ngủ thông qua các liệu pháp y tế có làm giảm tỷ lệ tử vong sớm hay không" – Tiến sĩ Julio Fernandez-Mendoza, PGS. Khoa tâm thần học tại Đại học Y bang Pennsylvania phát biểu.

Hiện nay, có đến 45% dân số Hoa Kỳ bị cao huyết áp giai đoạn 2, tiểu đường loại 2 và 14% mắc bệnh tim. Thế nhưng, việc ngủ đủ giấc để tăng cường sức khỏe và làm giảm tỷ lệ tử vong lại không thực sự được chú trọng. Bởi ngủ không đủ giấc đã được chứng minh làm tăng nguy cơ của một số vấn đề sức khỏe bao gồm béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày khiến bạn có nguy cơ tử vong vì 2 căn bệnh nguy hiểm này - Ảnh 2.

: Không chỉ ung thư và bệnh tim, mất ngủ còn làm bạn béo phì lẫn tiểu đường trầm trọng.

Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia khuyến nghị, người trưởng thành cần phải ngủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho thấy khoảng 50% người Mỹ trưởng thành ngủ ít hơn số giờ khuyến nghị.

"Tôi hy vọng ngành y sẽ phát triển hơn nữa ở vấn đề tư vấn giấc ngủ và những thay đổi về chính sách, nhằm đầu tư hơn nữa về nghiên cứu giấc ngủ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bởi cần xác định rõ ràng tình trạng của các bệnh nhân mất ngủ để tìm ra phương pháo điều trị cụ thể và mang lại kết quả lâu dài" - Tiến sĩ Julio bày tỏ mong muốn.

Khó ngủ, mất ngủ liệu có nguy hiểm không?

Mất ngủ hay khó ngủ là một chứng bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Khó ngủ có nhiều dạng như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được, hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần dài hơn 30 phút.

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày khiến bạn có nguy cơ tử vong vì 2 căn bệnh nguy hiểm này - Ảnh 3.

Mất ngủ thực sự là một căn bệnh "quốc dân" bởi hầu như lứa tuổi nào cũng mắc phải.

Một người bình thường có thời gian ngủ trung bình khoảng 7 - 8 giờ mỗi đêm. Một giấc ngủ có chất lượng là phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: đủ giờ, đủ sâu và quan trọng là cảm thấy khoẻ khoắn, tỉnh táo khi thức dậy... Một số khảo sát cho thấy thời gian ngủ trung bình của con người giảm dần theo tuổi tác.

Các dấu hiệu của chứng mất ngủ

Mất ngủ thường có những dấu hiệu rất dễ nhận biết như:

- Khó ngủ

- Khó duy trì giấc ngủ

- Thức dậy sớm

- Không thấy tỉnh táo hoặc thấy mệt khi thức dậy

- Tỉnh giấc nhiều lần khi ngủ và khó ngủ lại

Nguyên nhân gây ra mất ngủ

Có thể điểm qua một số nguyên nhân chủ yếu như:

- Căng thẳng, stress.

- Bị rối loạn giờ thức và ngủ trong ngày vì thay đổi lịch làm việc hoặc do chênh lệch múi giờ.

- Sử dụng các chất gây nghiện và kích thích như: Cà phê, trà, thuốc lá, rượu,...

- Ăn quá no trước giờ đi ngủ, gây nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi.

- Các yếu tố về môi trường ngủ xung quanh như: Có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm ...

Các nguyên tắc trong điều trị mất ngủ

- Loại bỏ những nguyên nhân gây mất ngủ và tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc.

- Chuẩn bị giấc ngủ chu đáo: Tạo tinh thần thư thái, thoải mái trước khi ngủ, giường để ở nơi thoáng mát, chăn mền sạch sẽ…

- Điều trị bằng phương pháp tâm lý: Hãy để giấc ngủ đến một cách nhẹ nhàng. Tạm thời gác lại các suy nghĩ, lo lắng và công việc trước giờ đi ngủ. Nếu không ngủ được sau khoảng 10 - 15 phút thì có thể tập một vài động tác nhẹ nhàng, thư giãn, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ...

- Nếu phải dùng đến thuốc, hãy đến các phòng khám hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chữa bệnh rõ ràng nhất. Không tự ý dùng thuốc nếu chưa được bác sĩ thông qua để tránh tác dụng phụ.

Theo Dailymail