Chúng ta dành khoảng 1/3 thời gian trong cuộc đời mình để ngủ. Tiến sĩ Hoàng Xuân (Trung Quốc) cho biết, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tuổi thọ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng những thói quen xấu khi ngủ có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh tim mạch. Dưới đây là 3 thói quen ngủ khiến bạn già nhanh, đoản thọ cần bỏ ngay:

1. Thức khuya thường xuyên

Đi ngủ sau nửa đêm không chỉ khiến bạn mệt mỏi, tăng tốc độ lão hóa mà còn tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu trên “Tạp chí Tim mạch Châu Âu - Sức khỏe Kỹ thuật số”, những người đi ngủ từ 0 giờ trở đi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng tới 25%.

Ngủ theo 3 kiểu này khiến bạn già nhanh và đoản thọ, bác sĩ tiết lộ thời điểm đi ngủ tốt nhất cho tim mạch - Ảnh 1.

Thức khuya dù vì bất cứ lý do gì cũng là đang tự hủy hoại sức khỏe (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Hoàng Xuân giải thích, thức khuya phá vỡ chu kỳ sản sinh hormone melatonin, gây mất cân bằng nhịp sinh học và làm tăng huyết áp. Về lâu dài, nó khiến hệ tim mạch suy yếu, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nó cũng làm tăng nguy cơ căng thẳng, viêm nhiễm và đẩy nhanh lão hóa.

Ông cũng chỉ ra thời điểm đi ngủ tốt nhất cho tim mạch là trong khoảng 10 - 11 giờ tối. Đây là khung giờ giúp cơ thể bước vào trạng thái nghỉ ngơi sâu nhất, giảm nguy cơ tim mạch và cải thiện chất lượng giấc ngủ, hệ miễn dịch.

2. Ngủ không đều giờ

Nhiều người nghĩ rằng ngủ đủ giấc nghĩa là chỉ cần ngủ từ 6 - 8 tiếng 1 ngày hay ngủ bù vào cuối tuần có thể khắc phục tác hại của việc thức khuya hay thiếu ngủ trong tuần. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Xuân nhấn mạnh rằng giấc ngủ tốt phải có ít nhất 80% số giờ ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, sự đều đặn trong khung giờ đi ngủ hàng ngày cũng rất quan trọng. Nghiên cứu từ tạp chí quốc tế “Sức khỏe giấc ngủ” đã chứng minh rằng những người có thói quen ngủ không đều đặn thường có tuổi sinh học già hơn tới 9 tháng so với người duy trì lịch trình ngủ ổn định.

Việc đi ngủ muộn hay thay đổi giờ giấc thường xuyên làm rối loạn nhịp sinh học, gây căng thẳng mãn tính cho cơ thể. Hậu quả không chỉ dừng lại ở lão hóa mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, và suy giảm trí nhớ. Nên ông khuyên hãy cố gắng học cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần.

3. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều

Ngủ ít hơn 6 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi đêm đều gây tổn hại cho sức khỏe. Nghiên cứu trên “JAMA Network Open” năm 2021 cho thấy ngủ 7 giờ mỗi đêm giúp giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là bệnh tim mạch.

Ngủ theo 3 kiểu này khiến bạn già nhanh và đoản thọ, bác sĩ tiết lộ thời điểm đi ngủ tốt nhất cho tim mạch - Ảnh 2.

Ngủ quá nhiều, ngủ nướng vào ban ngày cũng không tốt cho sức khỏe, tuổi thọ (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Hoàng Xuân cảnh báo, ngủ quá ít (dưới 6 giờ mỗi đêm) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và suy giảm miễn dịch, do cơ thể không đủ thời gian phục hồi và điều hòa hormone. Ngược lại, ngủ quá nhiều (hơn 9 giờ mỗi đêm) làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy giảm trí nhớ và tử vong sớm. Cả hai đều ảnh hưởng xấu đến nhịp sinh học, gây rối loạn chức năng cơ thể, lão hóa nhanh và làm giảm tuổi thọ.

Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở chúng ta không nên ngủ ngay sau khi ăn, sau khi tắm, tạo môi trường thoải mái, yên tĩnh và tối hoàn toàn khi ngủ. Không nên sử dụng thiết bị điện tử hay đồ uống có tính kích thích trước khi đi ngủ.

Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Sleep Foundation