Tại sao ngủ trưa càng lâu khi dậy càng mệt mỏi
Rất nhiều người gặp phải trường hợp này, ngủ càng lâu, sau khi tỉnh càng cảm thấy mệt mỏi, biểu hiện là một loại trạng thái "tỉnh nhưng không tỉnh", mệt mỏi, không tập trung, thậm chí có xu hướng bạo lực, điều này trong y học gọi là hiện tượng "say ngủ", khá giống với trạng thái say rượu.
Thực tế, giấc ngủ bình thường có thể chia thành 5 giai đoạn khác nhau: Ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và giai đoạn chuyển động mắt nhanh. Bản thân giấc ngủ sẽ thay đổi từ trạng thái nông đến sâu.
Trong trường hợp bình thường, mỗi chu kỳ giấc ngủ kéo dài 90 đến 110 phút, sau khi chìm vào giấc ngủ trên 30 phút sẽ chuyển từ giấc ngủ nông sang giấc ngủ sâu. Nếu bạn chợp mắt hơn 60 phút, não bộ sẽ đi vào giấc ngủ rất sâu theo hướng dẫn của đồng hồ sinh học, đồng hồ báo thức hoặc một sự kiện nào đó đánh thức bạn, lúc này não vẫn đang trong giấc ngủ sâu và cơ thể buộc phải "đi làm". Điều này có thể gây ra các vấn đề như cảm thấy mệt mỏi, không tỉnh táo và thiếu năng lượng.
Ngủ trưa hơn 1 giờ làm tăng nguy cơ tử vong?
Hầu hết mọi người có thể chưa bao giờ nghe nói rằng một giấc ngủ buổi trưa có thể gây ra tử vong, nhưng điều này không phải không có nguy cơ. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc do Hiệp hội Tim mạch Châu Âu công bố năm 2020 chỉ ra rằng đối với những người ngủ đủ giấc mỗi đêm, thời gian ngủ trưa ngắn không quá 1 tiếng mỗi ngày sẽ giúp tim khỏe mạnh, nhưng một giấc ngủ trưa vượt quá 1 tiếng có thể tăng nguy cơ tử vong lên 30%.
Ngủ trưa hơn 1 tiếng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng của giấc ngủ ban đêm mà còn làm tăng 30% nguy cơ tử vong và 34% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một giấc trưa ngắn (dưới 60 phút) nhìn chung không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một giấc trưa ngắn hơn (đặc biệt là dưới 30 đến 45 phút) cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch của những người thiếu ngủ vào ban đêm.
Đối với những người bị huyết áp thấp hoặc bệnh tim mạch, tỉnh dậy sau thời gian ngủ trưa quá dài, biến động áp lực sẽ làm tăng gánh nặng cho mạch máu. Ngoài ra, nếu bạn ngủ trưa quá 1 tiếng, giấc ngủ ban đêm của bạn sẽ kém, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.
Tại sao "chợp mắt" vào buổi trưa lại có nhiều năng lượng hơn?
James Mass, nhà tâm lý học tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ, từng đề xuất khái niệm "power-nap", có nghĩa là "giấc ngủ năng lượng". Nói cách khác, "giấc ngủ ngắn năng lượng" 5-10 phút có thể giúp bạn cải thiện tinh thần. Ngủ khoảng 15-30 phút vào buổi trưa không chỉ có thể làm dịu cơ thể, tăng cường trí nhớ mà còn giúp cải thiện hiệu quả công việc vào buổi chiều.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng đối với nhân viên văn phòng, phi công, phi hành gia, bác sĩ,... với những ngành nghề có cường độ làm việc và thể trạng khác nhau, thời gian ngủ trưa từ 6 phút đến 90 phút có những lợi ích đáng kể.
Làm thế nào để ngủ trưa một cách khoa học?
1. Không ngủ trưa sau bữa ăn: Ngủ trưa ngay sau khi ăn dễ dẫn đến khó tiêu, viêm dạ dày thậm chí là trào ngược thực quản. Thời điểm tốt nhất là bạn nên chợp mắt sau 15 phút hoạt động sau bữa ăn.
2. Không ngủ trưa nằm sấp: Cố gắng không nằm sấp khi ngủ trưa, nằm sấp trong thời gian dài sẽ gây ra một số tác hại cho cơ thể. Nếu không còn cách nào khác thì nên ngủ dựa lưng vào ghế, điều này có lợi cho việc lưu thông máu khắp cơ thể, chuẩn bị một chiếc gối chữ U kê quanh cổ khi ngủ trưa để thư giãn cột sống cổ.
3. Sắp xếp thời gian ngủ trưa hợp lý tùy theo hoàn cảnh cá nhân: Những người ngủ không ngon vào ban đêm có thể chợp mắt vào buổi trưa để giúp phục hồi thể lực và năng lượng. Đối với hầu hết mọi người, chợp mắt từ 15-40 phút là thích hợp nhất, ngay cả khi chưa ngủ sâu bạn cũng có thể cho não bộ nghỉ ngơi, đỡ mỏi mắt, phục hồi sức khỏe, hiệu quả nhất là không ngủ quá 1 tiếng.
Nguồn: T/h