Trong cái oi ả của nắng hè, Tây Bắc vào vụ thu hái trám. Đó cũng là lúc đồng bào Tày trong các bản tự tay mình chế biến các món ngon từ quả trám như trám om vịt cỏ, trám xáo thịt gà ri, trám nấu canh thịt gà, trám kho thịt lợn…
Trám muối có thể giữ được lâu ngày, thậm chí giữ được hàng năm nếu được muối đúng kỹ thuật và bảo quản tốt. Vì thế, vào những gia đình người Tày trong các bản, trám luôn có mặt trên mâm cơm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Bên cạnh những món ngon trên, món trám muối bao giờ cũng là món ăn khoái khẩu nhất của các gia đình người Tày. Trám muối cũng giữ được lâu nhất và được khách thích thưởng thức nhất khi đến thăm.
Muốn có món trám muối ngon, vào mùa trám người Tày vùng Tây Bắc lựa chọn những quả trám già, vàng và đanh từ những cây trám cổ thụ trong vườn nhà hoặc trên rừng.
Cách chế biến trám muối qua nhiều công đoạn khá tỉ mỉ. Trám được lấy về, rửa sạch sau đó cho vào nồi đun sôi cho trái chín đều. Nếm thử nếu cùi trám tách khỏi hạt và ăn có độ dẻo, thơm là được. Sau đó để trám nguội rồi cho vào chum hoặc vại để muối.
Dùng nước đun sôi để nguội, pha muối hạt vừa mặn đổ ngập quả trám, sau đó dùng nắp đậy kín chum. Khoảng 2 tuần, trám lên men chua là lấy ra ăn được.
Trong quá trình ngâm, trám sẽ tiết ra nhựa đen và kết lại thành từng mảng lớn trên bề mặt vại muối. Vì vậy, thỉnh thoảng người ta lại mở nắp ra, dùng muôi hớt bỏ màng nhựa ra khỏi vại rồi bịt kín nắp.
Là một đặc sản của người Tày Tây Bắc, trám muối được đưa vào bữa ăn thường ngày và cả bữa cỗ của người Tày như một món ăn dân dã mà đậm đà dư vị. Trám muối khi ăn có vị chua nhẹ, giữ được mùi thơm, cùi trám dóc hạt nhưng vẫn có độ dai, giòn.
Khi ăn trám muối sẽ có cảm nhận về vị mặn của muối hòa với vị bùi bùi, chua chua và không thiếu vị ngọt nơi đầu lưỡi. Món ăn này khi nhà có khách quý cũng được đồng bào mang ra thết đãi như một đặc sản thể hiện sự thơm thảo và mến khách.
Và chẳng biết tự khi nào, món trám muối của đồng bào Tày Tây Bắc đã làm phong phú cho văn hóa ẩm thực ở vùng đất giàu bản sắc này.