Tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP HCM chiều 14-9, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam đã cung cấp thông tin về tình hình dịch đau mắt đỏ.
Ông Nam cho hay tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13-9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12-9 (ca có địa chỉ tại thành phố chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12-9). Số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây.
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam
Theo kết quả báo cáo nhanh của phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và OUCRU, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay.
Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).
Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt cỏ chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn lây lan bệnh đau mắt đỏ. Đó là tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh viêm kết mạc, khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.
Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các KCX - KCN, Ban Quản lý khu công nghệ cao về chủ động tăng cường các hoạt động phòng bệnh viêm kết mạc.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú, báo cáo theo quy định.