Ai trên đời cũng có một gia đình phải không? Nhiều người may mắn thì có tất cả: bố mẹ và các anh chị em nhưng cũng có những trường hợp trải qua thời ấu thơ ám ảnh vì gia đình tan vỡ.
Câu chuyện được D.H.N chia sẻ trên mạng xã hội dạo gần đây là một ví dụ, nó đã làm nhiều người suy nghĩ hơn về trách nhiệm của người làm cha mẹ, đặc biệt những cha mẹ đã có hạnh phúc riêng.
Theo đó, cậu bạn cho biết mình có một tuổi thơ ấu không mấy hạnh phúc khi bố bỏ đi biệt tăm với người thứ 3. Hai mẹ con nương tựa vào nhau nhưng chỉ 2 năm sau, mẹ cũng bỏ cậu mà đi. Cậu trai trẻ chỉ mới 20 tuổi nhưng đã từng muốn từ bỏ cuộc sống.
"Quê tôi ở Hải Dương, tôi cũng từng có một gia đình với đủ đầy bố mẹ, bố mẹ chỉ có mình tôi và một nhà 3 người sống rất hạnh phúc. Thế nhưng năm lớp 12 thì bố tôi có người phụ nữ khác và ông bỏ nhà đi theo người đấy về tận Bắc Giang sống. Thời điểm đấy tôi suy sụp tinh thần, không học nổi để thi và trượt đại học, mẹ tôi trước đó từng bị huyết áp cao, lại thêm bệnh thoát vị đĩa đệm, mất ngủ nên người bà rất yếu.
Tôi đi học nghề, vừa học vừa làm trang trải cuộc sống với căn nhà giờ này chỉ còn hai mẹ con. Bố không một lần liên lạc, tôi từng tìm đến nơi bố sống nhưng bố không gặp, bố chỉ nhắn động viên tôi học hành, còn bố mẹ không có duyên nợ nữa đừng ép bố.
2 năm sau mẹ tôi mất, đám tang mẹ bố có về nhưng nhanh chóng 1, 2 hôm lại đi để lại căn nhà giờ này chỉ còn mình tôi. Bao đau khổ, căm hận... tất cả khiến tôi lúc đấy gần như muốn phát điên lên. Tôi nhớ mẹ, hận bố, 20 tuổi tôi trải qua quá nhiều cảm xúc đến mức đã có lúc muốn đi theo mẹ.
Bố lúc này đã có con riêng, ngoài việc thi thoảng nhắn tin và gọi điện thăm hỏi để khỏi áy náy lương tâm thì chúng tôi không gặp nhau lần nào. Sau này tôi bỏ nhà lên Hà Nội thuê trọ, tìm việc và bỏ số điện thoại cũ vì không muốn thỉnh thoảng phải đón nhận những điều nhỏ nhặt mà bố mang lại".
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu chính người bố sau bao năm cắt đứt liên lạc thì ngay mùng 1 Tết lại tìm đến cậu để nhận con. Ông để lại một tờ giấy nhắn khiến cậu không biết phải làm sao cho đúng.
Thư tay của người bố (Ảnh D.H.N)
Chàng trai trăn trở:
"Tuy trong thư bố chẳng nói rõ ràng, nhưng tôi biết ông muốn tìm lại tôi để nương tựa tuổi già. Thế nhưng nếu tha thứ cho bố thì cũng đồng nghĩa với việc tôi quên đi đau khổ của mẹ, mẹ tôi mất đến phút cuối cùng cũng chỉ có tôi ở bên, ông ở đâu những khi ấy, ông còn chẳng nhìn thấy mẹ tôi một lần cuối cùng khi ánh mắt mẹ còn có thể nhìn thấy được người chồng bao nhiêu năm mình từng thương yêu".
Phía dưới có rất nhiều bình luận khuyên người con nên nhận lại bố nhưng cũng có người chọn phương án mặc kệ vì cho rằng họ phải trả giá cho lỗi lầm của mình. Thế nhưng dù có khuyên nhủ bao nhiêu thì người trong cuộc vẫn cảm thấy rối bời nhất.
Có lẽ, với những đứa trẻ từng trải qua biến cố gia đình thì sẽ rất khó để quên đi quá khứ đó, và để thứ tha sẽ cần rất nhiều thời gian. Dù có lựa chọn như thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là hãy suy nghĩ thật kỹ để sau này không phải hối hận.
Nguồn: D.H.N