Có những đứa trẻ, khi gặp vấn đề, luôn luôn tìm đến cha trước tiên. Chúng biết rằng cha sẽ kiên nhẫn lắng nghe, đồng hành cùng chúng tìm cách giải quyết vấn đề. Dù vấn đề có thể không giải quyết ngay lập tức, ít nhất cha cũng sẽ mang đến cho chúng sự an ủi và khích lệ.
Nhưng cũng có những đứa trẻ, khi gặp khó khăn, lại không bao giờ chủ động tìm đến cha. Không phải chúng không cần giúp đỡ, mà vì chúng đã quá hiểu phản ứng của cha. Cha luôn chỉ lặp đi lặp lại những câu nói khiến chúng cảm thấy khó chịu, nghe nhiều đến nỗi thà không hỏi còn hơn.

Ảnh minh hoạ
Người cha càng "vô năng" càng thích nói 3 câu cửa miệng này, con cái sẽ khó thành công trong tương lai:

"Đừng hỏi bố, đi hỏi mẹ đi"
Con trai cầm vở bài tập đến gần người cha, vui vẻ nói: "Bố ơi, bài này con nghĩ mãi mà không làm được, bố có thể dạy con không?". Người cha thì mắt dán vào điện thoại, miệng thốt ra: "Đừng hỏi bố, đi hỏi mẹ đi!".
Họ cho rằng đó là điều bình thường, vì mẹ là người chăm sóc con, đương nhiên phải tìm mẹ. Nhưng trong lòng đứa trẻ, câu trả lời của người cha truyền tải một thông điệp lạnh lùng: "Bố không hiểu, cũng không muốn hiểu, và cũng không muốn can thiệp".
Vậy là dần dần, trẻ sẽ quen không hỏi, thậm chí chẳng thèm chia sẻ bất kỳ niềm vui hay nỗi buồn nào với bố. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ bắt đầu hình thành nhận thức rằng: "Bố là người không cần thiết trong gia đình, bố không đáng tin cậy".
Vai trò của người cha trong gia đình không chỉ là người kiếm tiền, mà còn là người bạn đồng hành và dẫn dắt trong hành trình phát triển của trẻ. Đáng tiếc là, nhiều người lại tự biến mình thành "người vô hình" trong gia đình, ngày qua ngày vắng mặt trong quá trình trưởng thành của con, thậm chí còn có lý do chính đáng cho sự vắng mặt đó.
Sự đồng hành không có nghĩa là bạn phải hiểu tất cả các vấn đề, mà là bạn sẵn sàng dành chút thời gian ngồi xuống với con, cùng con thử tìm câu trả lời.

"Bố vất vả hơn con nhiều!"
Mỗi khi con kêu ca mệt mỏi, người cha lại nhíu mày, bắt đầu nói đi nói lại: "Mệt? Mệt là gì? Khi ba bằng tuổi con, trời chưa sáng đã phải dậy cắt cỏ, cho gà ăn, làm việc nhà, tối còn phải học dưới ánh đèn dầu. Bây giờ trẻ con sướng quá, chẳng biết thế nào là khổ!".
Mỗi lần nghe xong, đứa trẻ đều im lặng đứng dậy, đi về phòng, càng xa càng tốt.
Người cha có thể nghĩ rằng mình đang dạy con biết chịu khổ, biết đủ, và trân trọng cuộc sống hiện tại. Nhưng con nghe lại chỉ cảm nhận được một sự so sánh lạnh lùng: "Khó khăn của con chẳng là gì, hồi xưa cha mẹ còn khổ hơn nhiều".
Mỗi thời đại có những khó khăn riêng, thay đổi cách sống không có nghĩa là trẻ em phải chịu ít áp lực hơn. Trái lại, trẻ em hiện nay đối mặt với sự cạnh tranh học hành và áp lực tinh thần chưa từng có. Khi trẻ bày tỏ sự mệt mỏi và buồn bã, chúng không phải muốn so sánh ai khổ hơn ai. Chúng chỉ muốn bố hiểu được sự khó khăn, cảm nhận được áp lực, an ủi và khích lệ, rồi cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề.
Những ông bố trưởng thành thực sự không phải dùng quá khứ vất vả của mình để dập tắt sự bộc lộ của con, mà là dành sự kiên nhẫn lắng nghe và hiểu con một cách chân thành: "Bố nhận thấy con gần đây rất mệt mỏi, có cách nào giúp con thư giãn không?". Trẻ không sợ khổ, chúng sợ nhất là nỗi khổ của mình bị người thân yêu nhất phớt lờ.

"Con làm vậy, sau này bố còn trông cậy vào con thế nào?"
Khi con không làm được một việc gì đó, người cha lại giáo huấn: "Con làm vậy, sau này có gì mà thành công? Bố còn trông cậy vào con thế nào?". Câu này rất phổ biến, nhiều ông bố cho rằng đây là cách để khiến con cảm thấy lo lắng và có động lực phấn đấu. Họ nghĩ rằng đó là điều hiển nhiên: "Nuôi con chẳng phải để sau này có người chăm sóc mình sao?".
Nhưng họ không hiểu rằng, câu nói này có ý nghĩa gì đối với đứa trẻ.
Khi người cha luôn nhấn mạnh rằng nếu con không làm tốt bây giờ, sau này sẽ không thể trông cậy vào con, trẻ sẽ cảm thấy mình chỉ là một "canh bạc đầu tư". Chúng cảm thấy áp lực rất lớn, thậm chí sợ rằng mình không thể đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, từ đó hình thành cảm giác tự ti mãnh liệt.
Điều đáng sợ hơn là, dần dần, trẻ sẽ bắt đầu nghi ngờ giá trị của bản thân, cho rằng nếu mình không đủ xuất sắc, không thành công, thì sẽ mất đi vị trí và ý nghĩa trong gia đình. Có những đứa trẻ, vì muốn được cha công nhận, cố gắng hết sức nhưng càng ngày càng cảm thấy căng thẳng, học hành mệt mỏi. Có những đứa trẻ thì lại từ bỏ nỗ lực, mặc kệ, nghĩ rằng dù sao cũng không thể đáp ứng kỳ vọng của cha.
Những ông bố thực sự thông thái sẽ nói với con: "Dù con hiện tại thế nào, bố tin con có thể trở nên tốt hơn, chúng ta cùng cố gắng". Chỉ trích và phàn nàn sẽ không giúp trẻ trưởng thành và tự giác, mà chỉ làm xa cách mối quan hệ cha con, khiến trẻ chìm trong sự nghi ngờ bản thân. Trẻ em không phải là công cụ cho bạn khi về già, chúng là những cá thể độc lập, là những người cần bạn tôn trọng và động viên.
Nhiều ông bố cảm thấy bối rối: Tại sao con lúc nhỏ luôn quấn quýt bên mình, nhưng khi lớn lên lại càng im lặng, thậm chí không muốn nói chuyện với mình nữa?
Thực ra, không phải con thay đổi, mà là những câu nói cửa miệng của các ông bố đã khiến trái tim của con dần dần đóng lại. Một ông bố thông minh không cần phải kiếm nhiều tiền, không cần phải có địa vị xã hội, nhưng ít nhất phải làm được những điều này:
Khi con cần mình, đừng luôn đẩy con sang cho người khác;
Khi con gặp thất bại, đừng dễ dàng phủ nhận và phàn nàn;
Khi con muốn chia sẻ cảm xúc, hãy lắng nghe nhẹ nhàng và đáp lại con bằng sự ấm áp.
Quá trình trưởng thành của trẻ luôn đi kèm với những lần tự nghi ngờ và khám phá.
Chúng cần tìm kiếm câu trả lời từ cha mẹ, tìm kiếm sự động viên, và tìm kiếm giá trị tồn tại của mình.
Trong trái tim của con, "cha" không chỉ là một danh xưng, mà là người dẫn đường quan trọng nhất trong hành trình trưởng thành. Một người cha tận tâm, không cần phải có năng lực đặc biệt, chỉ cần bớt nói những câu nói tổn thương, dành nhiều thời gian đồng hành và kiên nhẫn, sẽ có thể sưởi ấm cả cuộc đời con.