Ông Trần Cường, hiện sống tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, thường xuyên đánh đập con gái - bé Tiểu Nhã - bằng dây điện, thắt lưng và gậy gộc. Cứ cách vài ngày, Trần Cường lại đánh đập con gái mà không cần lý do. Nặng nhất là lần Tiểu Nhã phải đi học trong tình trạng khập khiễng, nhưng người bố tàn nhẫn không đưa con đi kiểm tra thương tích.

Điều đáng sợ hơn là gã đàn ông này còn chủ động cung cấp cho tòa án loạt ảnh chụp các vết thương, ảnh máu chảy từ khóe miệng con gái cùng nhiều đoạn video ghi lại cảnh gã đánh đập cô bé.

Mục đích của tất cả những hành động vô nhân tính này là để chứng minh gã không phù hợp để nuôi dưỡng con gái, từ đó buộc vợ cũ phải nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ.

Người cha mất nhân tính đánh con gái dã man để ép vợ cũ nhận nuôi - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Vụ án thay đổi quyền nuôi dưỡng này đã được Tòa án Nhân dân quận Tĩnh An, Thượng Hải xét xử sơ thẩm vào ngày 8/7. Trong phiên tòa, thẩm phán phán quyết bé Tiểu Nhã sẽ sống cùng mẹ là Vương Hồng. Tuy nhiên, Vương Hồng không đồng ý và đã kháng cáo. Vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 Thượng Hải.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đứa trẻ, các tổ chức dịch vụ công tác xã hội địa phương đã thay mặt Tiểu Nhã nộp đơn xin lệnh bảo vệ an toàn cá nhân lên Tòa án Nhân dân quận Phổ Đà, Thượng Hải, yêu cầu cấm Trần Cường thực hiện các hành vi bạo lực gia đình đối với con gái.

Theo hồ sơ của tòa án, Tiểu Nhã sinh năm 2011; Trần Cường và Vương Hồng ly hôn vào năm 2013, họ thỏa thuận rằng Tiểu Nhã sẽ do Trần Cường nuôi dưỡng.

Năm 2016, Trần Cường đệ đơn kiện, yêu cầu Tiểu Nhã đến sống cùng mẹ, nhưng tòa án bác bỏ yêu cầu này sau khi xem xét tình trạng hai bên. Đến năm 2023, Trần Cường lại một lần nữa kiện lên Tòa án Nhân dân quận Tĩnh An, vẫn với yêu cầu đưa con gái Tiểu Nhã đến sống cùng vợ cũ.

Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án Nhân dân quận Tĩnh An ủy quyền cho các tổ chức dịch vụ công tác xã hội thực hiện việc điều tra xã hội đối với trường hợp này.  Báo cáo điều tra gia đình do các tổ chức này cung cấp ghi nhận: "Người cha đã nhiều lần đánh đập đứa trẻ vị thành niên, có hồ sơ cảnh sát can thiệp. Bà nội cũng xác nhận rằng người cha đã bị cảnh sát tạm giữ một ngày một đêm vì đánh đập con vị thành niên".

Vụ việc này khiến dư luận lo lắng về vấn đề bạo lực gia đình và quyền lợi của trẻ em trong các vụ án ly hôn. Nhiều người  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và lạm dụng, ngay cả khi người trực tiếp có hành vi bạo lực là cha mẹ ruột.