Jalandhar Nayak, 45 tuổi hiện đang sống cùng vợ tại một ngôi làng tương đối hẻo lánh trên địa bàn huyện Kandhamal, bang Orissa, Ấn Độ.
Điểm trường gần nhất cách nhà họ tới ba giờ đi bộ, song lại khá hiểm trở khi phải đi trên con đường mòn xuyên rừng dài hơn 10km và băng qua năm ngọn đồi khác nhau.
Bởi vậy, anh Nayak mới quyết định cho ba đứa con trai nhỏ theo học nội trú, thỉnh thoảng mới về thăm gia đình vì không muốn chúng phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình di chuyển.
"Trong suốt hai năm qua, tôi dành đúng tám tiếng mỗi ngày để ‘phá đá mở đường’ với dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng mà không nhận bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài", anh Nayak chia sẻ trước báo giới.
Người cha dành hai năm "phá đá mở đường" bằng công cụ thô sơ.
Mới đây, hành động của của anh Nayak bất ngờ được một cơ quan truyền thông địa phương đưa tin.
Phóng viên Sibashakti Biswal nhận xét: "Tôi rất ấn tượng khi biết anh Nayak đã nghiên cứu tương đối kỹ cung đường mà bản thân mở ra, đảm bảo không cần phải chặt hạ một gốc cây nào dù là nhỏ nhất.
Thậm chí, chất lượng của đoạn đường này cũng đủ tốt để xe hơi có thể di chuyển như bình thường".
Anh Jalandhar Nayak, 45 tuổi trả lời phỏng vấn.
Chính quyền địa phương nơi anh Nayak sinh sống đã quyết định hoàn thành nốt đoạn đường dài 7km còn lại, đồng thời sẽ thanh toán tiền công cho những nỗ lực mà người cha này bỏ ra trong suốt hai năm qua.
Anh Nayak cho biết, bản thân cảm thấy rất hạnh phúc trước việc làm từ phía chính quyền. Anh cũng tận dụng cơ hội hiếm có này nhằm yêu cầu cơ quan chức năng sớm đưa điện và nước sạch về với người dân tại ngôi làng nhỏ trên địa bàn huyện Kandhamal.
Nhiều kênh truyền thông quốc gia còn so sánh hành động của anh Nayak với ông Dashrath Manjhi, một người Ấn Độ khác từng dành 22 năm để mở con đường xuyên thẳng qua núi, giúp bản làng của mình có thể tiếp cận các dịch vụ y tế theo cách dễ dàng hơn.