Theo hãng tin Reuters, khi giá điện và khí đốt bán buôn tăng cao, hàng triệu người ở châu Âu đang phải chi một số tiền kỷ lục cho năng lượng.
Đủ cách tiết kiệm
Tại thị trấn Grimsby, miền đông nước Anh, anh Philip Keetley đã không bật quạt làm mát ở nhà khi nước Anh oi bức dưới đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè này.
Tài khoản ngân hàng cho thấy anh không đủ khả năng. Keetley nói: “Chi phí sinh hoạt đã tăng lên nhưng bạn vẫn phải sống bằng số tiền bằng với khi không có khủng hoảng”.
Keetley mất việc làm vào tháng 4 và sống với 600 bảng Anh mỗi tháng từ một chương trình an sinh xã hội. Một nửa trong số đó là tiền thuê nhà, phần còn lại hầu như không đủ trang trải cho những thứ thiết yếu.
Giờ đây, Keetley ăn một bữa mỗi ngày và mặc dù đã giảm tiêu thụ năng lượng xuống mức tối thiểu, Keetley vẫn chi hơn 15% thu nhập cho các hóa đơn năng lượng.
Người dân các nước châu Âu khác cũng đang tự cắt giảm tiêu thụ điện khi giá khí đốt, điện và nhiên liệu tăng vọt do xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga và hậu quả của đại dịch COVID-19.
Şeyda Bal, 27 tuổi ở Istanbul, cho biết cô đã hạn chế sử dụng lò nướng xuống 3 lần một tháng để tiết kiệm năng lượng. Chồng cô đi làm bằng xe buýt để tiết kiệm nhiên liệu, mặc dù phải mất gấp ba thời gian.
Ercan Erden, 58 tuổi, sống tại thị trấn Nidda, phía đông bắc Frankfurt và làm công việc vận hành máy tại một nhà máy sản xuất nước khoáng. Ông nói: “Bây giờ tôi tắm tại nơi làm việc sau giờ làm việc và tôi cạo râu tại nơi làm việc”.
Giá năng lượng tăng vọt
Giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đã tăng 550% trong 12 tháng qua. Cơ quan quản lý Ofgem cho biết ngày 26/8 rằng chi phí năng lượng mà người tiêu dùng Anh phải trả sẽ tăng 80% kể từ tháng 10, khiến hóa đơn hộ gia đình trung bình hàng năm lên 3.549 bảng Anh.
Các chính phủ ở châu Âu đã gấp rút hỗ trợ, nhưng dữ liệu cho thấy khoản hỗ trợ không tạo ra khác biệt đáng kể đối với các hộ gia đình.
Mùa đông năm nay, người Anh sẽ chi trung bình 10% thu nhập hộ gia đình cho khí đốt, điện và các nhiên liệu sưởi ấm khác cũng như nhiên liệu xe, chủ yếu là xăng và dầu diesel. Đây là con số gấp đôi số tiền vào năm 2021.
Điều này làm cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay trở nên trầm trọng hơn so với những năm 1970 và 1980. Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng năm 1982, người dân ở Anh đã trả 9,3% thu nhập cho năng lượng.
Tổ chức từ thiện Hành động Năng lượng Quốc gia (NEA) của Anh ước tính 8,5 triệu hộ gia đình ở Anh có thể rơi vào cảnh đói nghèo sau tháng 10 khi giá trần năng lượng ở Anh tăng lên. Vào tháng 10 năm ngoái, con số này là 4,5 triệu người.
Theo NEA và các tổ chức từ thiện khác của Anh, một hộ gia đình bị coi là sống trong cảnh nghèo đói nếu có thu nhập thấp và cần phải chi từ 10% thu nhập trở lên cho năng lượng. Định nghĩa này được sử dụng không chính thức ở các nước châu Âu khác.
Ông Peter Smith, Giám đốc chính sách tại NEA cho biết: “Tiền năng lượng tăng ở mức mà chúng tôi hoàn toàn chưa từng thấy tiền lệ”.
Một nghiên cứu của Tổ chức Công bằng Tài chính cho thấy, 1/3 số hộ gia đình ở Anh đã giảm bớt sử dụng bếp và lò nướng, 1/3 đã giảm số lần tắm.
Giá khí đốt mà các gia đình ở hầu hết các nền kinh tế hàng đầu châu Âu phải trả vào đầu năm 2022 đã vượt mức đỉnh của các cuộc khủng hoảng trước đó những năm 1970, 1980 và 2000.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá khí đốt đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 7 so với một năm trước đó, trong khi giá điện tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Liên minh châu Âu, các gia đình Italy và Đức là những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá khí đốt tăng cao.
Tiền điện và khí đốt trong một gia đình Italy trung bình đã tăng lên 5% tổng chi phí hộ gia đình vào tháng 7/2022, từ mức 3,5% vào năm 2019. Mức trong tháng 7 là mức cao nhất kể từ năm 1995.
Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, hóa đơn khí đốt gia đình của tháng 7 tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021, trong khi giá dầu trong tháng 5 đã tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.