Làm rõ hành vi giúp sức, che giấu của người yêu cũ Thọ "sứt"

Ngay sau khi tử tù Lê Văn Thọ (trốn khỏi trại tạm giam T16, Bộ Công an ngày 10/9) bị bắt vào chiều 16/9, N.T.P.L. (SN 1994, trú tại phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương - bạn gái cũ của Thọ) cũng đã bị cơ quan công an triệu tập lên làm việc.

Theo lời khai ban đầu của P.L. trong khoảng thời gian Thọ "Sứt" trốn khỏi trại tạm gia T16, hai người đã nhiều lần liên lạc với nhau. Đặc biệt, trong các ngày 13 và 15/9, L. đã hai lần gặp thọ tại nhà nghỉ ở địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đến chiều 16/9, khi Lê Văn Thọ bắt taxi từ TP. Hải Dương đi gặp L. ở địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thì bị cơ quan công an bắt giữ khi y vừa đi đến khu vực chợ Hóp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo Luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phải điều tra, làm rõ những hành vi của cô L. xem có hay không việc giúp sức, che giấu, không tố giác tội phạm, đồng phạm đối với việc bỏ trốn của tử từ Thọ "sứt".

"Rõ ràng hành vi của cô người yêu cũ này đối với Thọ "sứt" đã có dấu hiệu cấu thành tội che giấu tội phạm theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009 quy định hình phạt đối với tội này phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm", luật sư Thành thông tin.

Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hải Dương cũng cho biết thêm, hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của L., người yêu cũ tử tù Thọ "sứt" là giúp sức, che giấu hoặc không tố giác việc bỏ trốn.

Còn đối với đối với tử tù Nguyễn Văn Tình (trú tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), sau khi trốn khỏi trại tạm giam T16, hắn ta đã về nhà và được mẹ đưa cho số tiền 20.000.000đ.

Người cho tiền, cho mượn xe, vào nhà nghỉ với tử tù sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tử tù Nguyễn Văn Tình bị bắt giữ.

Sau khi có được số tiền này, Tình đã dùng một phần số tiền mua điện thoại. Sau đó, Tình và Thọ về nhà người quen ở huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội mượn xe máy rồi cùng nhau bỏ trốn.

Trong khi bỏ trốn, Tình đi về hướng Tây Bắc còn Thọ bắt xe về khu vực Hải Phòng, Hải Dương. Trên đường di chuyển, Tình đến nhà người thân ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình và đổi lấy một chiếc xe máy khác để tiếp tục bỏ trốn.

Người cho tiền, cho mượn xe, vào nhà nghỉ với tử tù sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Thọ "Sứt" thời điểm bị bắt ở khu vực chợ Hóp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương.

Sau khi Tình bị bắt, cơ quan công an cũng đã tiến hành triệu tập 3 người có hành vi che giấu, tiếp tay cho Tình bỏ trốn là: Nguyễn Văn Hạnh (SN 1972), Nguyễn Văn Việt (SN 1985), Nguyễn Văn Ba (SN 1989 cùng trú tại xóm Mùn 6, xã Yên Quan, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Người cho tiền, cho mượn xe, vào nhà nghỉ với tử tù sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

"Người yêu cũ" của Lê Văn Thọ tại cơ quan công an.

LS: Hành vi "cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức"

Trao đổi với PV về việc những người đã giúp đỡ Tình và Thọ trong quá trình chạy trốn đã vi phạm quy định nào của pháp luật, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Hành vi bỏ trốn của đối tượng Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ đã cấu thành Tội trốn khỏi nơi giam giữ.

Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 1 Điều 311 BLHS là có căn cứ. 

Trong vụ án này, xét hành vi của 02 đối tượng đã phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn, nên không thỏa mãn dấu hiệu phạm tội có tổ chức.

Mặt khác, quá trình bỏ trốn khỏi buồng giam, các tử tù không có hành vi dùng vũ lực đối với người canh gác. Do vậy, quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của các đối tượng không thuộc trường hợp phạm tội theo Khoản 2 Điều 311 BLHS.

"Đối với hành vi của những người liên quan, dù có biết rõ 02 tử tù bỏ trốn mà đã cung cấp tiền bạc, cho mượn xe máy hoặc ở cùng đối tượng trong hành trình bỏ trốn thì cũng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về tội che dấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo qui định tại Điều 313 và 314 BLHS..

Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác định người cung cấp phương tiện cho 02 đối tượng biết rõ sau khi bỏ trốn tại Trại giam mà không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về Tội che dấu tội phạm và Tội không tố giác tội phạm theo Điều 313 và 314 BLHS thì cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/2013.

Mức phạt đối với người vi phạm là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi "cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức", Luật sư Thơm đưa ra quan đểm về hành vi của những người dã giúp Thọ và Tình bỏ trốn.