‏Bạn có thể nghĩ rằng cuộc sống của các triệu phú là luôn hạnh phúc, không căng thẳng, và bạn có thể thường cho rằng các vấn đề trong cuộc sống là do thiếu khả năng chi tiêu tài chính.‏

‏Bạn cho rằng nhiều tiền hơn đồng nghĩa với tự do, hạnh phúc hơn? Nhưng còn câu nói "tiền không mua được hạnh phúc" thì sao? Trong những năm gần đây, các nhà tâm lý học xã hội đã bắt đầu giải đáp câu hỏi này bằng cách điều tra liệu mức thu nhập của một người dự đoán mức độ hạnh phúc của họ như thế nào.‏

Quan điểm về hạnh phúc và sự giàu có

‏Nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng cảm giác hạnh phúc tổng thể dường như tăng lên khi thu nhập đạt khoảng 75.000 USD. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu về sự giàu có chủ yếu tập trung vào những người có thu nhập trung bình so với những người dưới mức nghèo khổ, và cũng rất ít nghiên cứu được thực hiện trên những người có thu nhập cao nhất.‏

Người có 8 triệu USD có hạnh phúc hơn người chỉ có 1 triệu USD không: nghiên cứu chỉ ra điều bất ngờ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

‏Một yếu tố khác thường bị bỏ qua khi nghĩ về sự giàu có và hạnh phúc, là nguồn gốc của sự giàu có của một cá nhân.‏

‏Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng hạnh phúc có thể không nhất thiết phản ánh số lượng của cải mà một người có được, mà là cách họ có được nó. Nói cách khác, liệu sự hài lòng của một người thừa kế hàng triệu USD có khác gì so với một người tự kiếm được hàng triệu USD hay không?‏

‏Một nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sĩ Grant E. Donnelly tại Trường Kinh doanh Harvard dẫn đầu nhằm đi sâu hơn vào những câu hỏi này. Trong cả 2 nghiên cứu, họ đã xem xét cái cách mà mức độ giàu có của những người có thu nhập cao (triệu phú) có liên quan với mức độ hài lòng về cuộc sống nói chung, và liệu nguồn tài sản của một triệu phú có đóng vai trò gì không.‏

Càng nhiều tiền càng nhiều hạnh phúc?

‏Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ những người có giá trị ròng từ 1,5 triệu USD đến 15 triệu USD trở lên. Thang 7 điểm được sử dụng để đánh giá mức độ hài lòng tổng quan về cuộc sống của những người được hỏi. Trong đó 1 tương đương với "rất đồng ý" và 7 tương đương với "hoàn toàn không đồng ý" về nhận định "Sau tất cả những điều được cân nhắc, tôi hài lòng với cuộc sống của mình." Những người được hỏi cũng chia sẻ nguồn gốc của sự giàu có của họ, cho phép các nhà nghiên cứu tính toán tỷ lệ phần trăm của cải tự kiếm so với của cải không tự kiếm.‏

‏Kết quả cho thấy những người có tài sản ròng từ 3 triệu USD đến 7,9 triệu USD cũng không hài lòng nhiều hơn với cuộc sống so với những người có tài sản ròng từ 1,5 triệu USD đến 2,9 triệu USD. Mãi cho đến khi đạt được giá trị tài sản ròng tăng từ 8 triệu USD lên 14,9 triệu USD, những người được hỏi mới cho thấy mức độ hài lòng cao hơn.

Cuối cùng, những người có giá trị tài sản ròng từ 15 triệu USD trở lên cho biết họ hài lòng hơn một chút so với các triệu phú nhóm dưới. Điều này có nghĩa là chỉ cần có khối tài sản trên 1 triệu USD đã là đủ để những người này cảm thấy hạnh phúc.‏

Người có 8 triệu USD có hạnh phúc hơn người chỉ có 1 triệu USD không: nghiên cứu chỉ ra điều bất ngờ - Ảnh 2.

‏Xét về nguồn của cải, những người tự kiếm tiền để giàu có cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn so với những người không tự kiếm tiền. Có thể thấy rằng lượng giá trị mà chúng ta đặt vào một thứ gì đó có liên quan chặt chẽ với công sức chúng ta bỏ ra để có được nó.‏

‏Nhìn chung, những phát hiện này cho thấy rằng sự giàu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn khi chính chúng ta làm ra, chứ không cần được ai ban cho. Những kết quả này có mối tương quan chặt chẽ và do đó không thể khẳng định rằng mức độ giàu có cao hơn dẫn đến mức độ hạnh phúc cao hơn. ‏

‏Đối với nhiều người, những phát hiện này đưa ra cái nhìn mới về nỗi ám ảnh của chúng ta trong việc chạy theo sự giàu có và nổi tiếng. Nhiều triệu phú, đặc biệt là những người có thu nhập cao, thực sự hạnh phúc hơn hầu hết những người không phải là triệu phú như chúng ta. Nhưng dường như điều quan trọng là cách họ có được sự giàu có của mình.‏