Người có đường huyết cao khi ăn cơm nên ăn rau trước tiên!
TS Samantha Presicci (chuyên gia dinh dưỡng tại FOND Bone Broth, Mỹ) khẳng định, một trong những cách tốt nhất để tránh đường huyết tăng đột ngột là bắt đầu với món rau trên mâm cơm.
Loại rau lý tưởng nhất là các loại rau xanh, dưa chuột, bí xanh hoặc các loại rau không chứa tinh bột.
Sau đó, bạn hãy nên ăn protein, chất béo lành mạnh và bất cứ loại carb nào bạn nạp vào cơ thể (cơm gạo hay khoai...).
Chuyên gia khẳng định, ăn chất xơ, tiếp theo mới là chất béo và protein, giúp làm giảm lượng đường trong máu, tránh nguy cơ đường huyết tăng vọt.
Nếu duy trì 6 thói quen ăn uống sau, bạn sẽ luôn có đường huyết ổn định, bệnh nhân tiểu đường ít nguy cơ biến chứng
1. Ăn kết hợp carbs và chất béo
Nghe có vẻ ngược đời nhưng một phần chất béo khi ăn cùng carbs lại có thể đem đến điều tuyệt diệu cho đường huyết của bạn.
TS Samantha Presicci cho rằng, nếu bạn ăn nhẹ thì hãy luôn ăn carbs với chất béo. Ví dụ bạn có thể ăn táo hoặc một số loại quả mọng với một chút hạt, hoặc ít bơ hạt, pho mát, sữa chua...
Ăn carbs kết hợp chất béo sẽ làm giảm lượng đường trong máu, ngăn chặn tình trạng đường huyết tăng vọt vì chất béo tiêu hóa chậm hơn carbs. Nó sẽ kìm hãm lại tốc độ đường huyết tăng vọt.
2. Uống nước hầm xương
Nước hầm xương là một loại đồ uống giúp cân bằng lượng đường trong máu. Theo TS Presicci, nước hầm xương có các axit amin cụ thể, như glycine và glutamine, giúp cân bằng lượng đường trong máu và nuôi dưỡng đường tiêu hóa.
Bởi vì nó giàu protein, nó có thể là thứ đồ uống cân bằng đường huyết tuyệt vời cho một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.
3. Chế độ ăn uống cân bằng
Nghe thì có vẻ hiển nhiên nhưng điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường, người có đường huyết luôn sẵn sàng tăng vọt.
TS Caitlin Carr (chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Mỹ) cho biết, chế độ ăn uống để phòng tránh nguy cơ tăng đường huyết nghĩa là dù ăn bữa chính hay phụ cũng đòi hỏi sự cân bằng.
Carb đã qua chế biến, carb tinh chế khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Điều này có nghĩa là chúng ta phải luôn tránh những thứ đó? Không hẳn! Bạn cần ăn carb (ngay cả những loại đã qua tinh chế) cân bằng với các chất dinh dưỡng khác.
Kết hợp carb với chất béo, protein, chất xơ sẽ làm chậm quá trình hấp thụ carb, ngăn chặn tình trạng đường huyết tăng vọt. Bởi lúc này, nguồn chất dinh dưỡng được hấp thụ vào cơ thể khá lớn, để trong một thời gian dài sẽ làm giảm nồng độ glucose trong máu.
4. Tăng cường chất xơ
TS Lauren Harris-Pincus (người sáng lập của NutritionStarringYOU.com và là tác giả của cuốn sách The Everything Easy) cho biết, chất xơ, nhất là chất xơ hòa tan, có thể giúp quản lý lượng đường trong máu bằng cách tạo thành một chất giống như gel với nước làm chậm tốc độ tiêu hóa và hấp thụ carb.
Yến mạch và các thực phẩm họ đậu là ứng cử viên xuất sắc nên thêm vào chế độ ăn để ngăn đường huyết tăng vọt.
5. Ăn các bữa trong ngày sớm hơn
Điều này rất có lợi cho bất cứ ai cần kiểm soát lượng đường trong cơ thể. TS Lauren Harris-Pincus chia sẻ, các nghiên cứu đều cho thấy, những người ăn nhiều hơn tổng số calo của họ vào đầu ngày có thể kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn những người ăn cùng một lượng calo vào bữa trưa, tối.
6. Đảm bảo lịch ăn uống nhất quán
"Tập thói quen nhất quán là chìa khóa cho một người mắc bệnh tiểu đường. Cơ thể phản ứng dựa trên những gì đã được cho ăn trong quá khứ. Do đó, điều quan trọng là bạn phải nhất quán với thời gian, loại thực phẩm và kiểm soát khẩu phần", TS Blanca Garcia (Chuyên gia dinh dưỡng của Healthcanal) nói.
Theo thời gian, cơ thể sẽ được cân bằng và bài kiểm tra dài hạn điển hình được gọi là Hgb A1c sẽ cho biết liệu lượng đường có nhất quán hay không.
Nhất quán là chìa khóa để giảm lượng đường trong máu tăng đột biến. Một khi bạn thành thạo thói quen này, bạn có thể kiểm soát lượng đường trong máu, cảm thấy vẫn khỏe mạnh bình thường dù mắc bệnh tiểu đường.