Đến hôm nay chị mới ngã ngửa, thì ra người đàn ông mà lâu nay chị và bố mẹ vẫn luôn chê là đần độn, khù khờ, nay lại không hề đơn giản như chị nghĩ. 5 năm sống với nhau, những tưởng đã hiểu hết lòng dạ nhau, hóa ra không phải thế.
Chị từng ngạo nghễ bước đi và tự cho mình sáng suốt khi may mắn rũ bỏ được ‘anh chồng thổ dân’. Giờ đây chị lại bị chính anh chồng cũ thất học của mình làm cho ‘cứng họng’: “ Cô đừng mong tôi ký cho cô dù chỉ nửa chữ, loại đàn bà lăng loàn như cô thì cần gì đăng ký kết hôn, lấy nhau rồi cũng bỏ thôi, việc gì phải đăng ký cho mất công. Cô đừng bao giờ làm phiền tôi nữa, tôi hận cô!”.
***
Chồng cũ của chị nói đúng, chị đẹp, chị xinh, nhưng chị lại là người đàn bà lăng loàn, trắc nết. Ngay cả bố mẹ và người thân của chị cũng nguyền rủa chị, chứ đừng nói gì tới chồng cũ của chị. Chị giống như loài mèo hoang phản chủ, nếu cho chị ăn ngon, ngủ yên thì chị ở cùng và ngoan ngoãn bên cạnh. Còn nếu như để chị đói hoặc để chị thiếu thốn dù chỉ một ngày chị cũng sẽ đi tìm chủ khác.
Chồng cũ của chị nói đúng, chị đẹp, chị xinh, nhưng chị lại là người đàn bà lăng loàn, trắc nết (Ảnh minh họa)
Anh là người chủ đầu tiên của con mèo hoang đó. Hai người gặp nhau lúc còn làm công nhân ở Sài Gòn. Anh là người dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Chị mê anh vì anh đẹp trai, hiền lành, cần mẫn lại thật thà chất phác.
Chị người Miền Trung, xinh đẹp, trắng trẻo lại thích ăn diện hơn là làm tăng ca như những cô bạn cùng là công nhân khác. Anh và chị làm cùng một công ty, yêu và cưới nhau sau hơn hai tháng gặp mặt, tìm hiểu. Chỉ là hai người vì vướng chút giấy tờ nên chưa đăng ký kết hôn được.
Lấy nhau rồi anh mới nhận ra, ngược lại với vẻ tươm tất bên ngoài thường thấy, chị là người vợ vô cùng đểnh đoảng, vụng về. Có lẽ vì tình yêu anh dành cho chị quá lớn nên dù nhiều lúc anh cũng thở dài não nề vì vớ phải vợ vụng nhưng anh không hề trách móc chị nửa lời vì sợ chị buồn, chị khóc rồi lại mất công anh dỗ dành, xin xỏ chị tha cho lại còn mệt hơn.
Khi con anh chị được một tuổi rưỡi, hai vợ chồng chị không kham nổi cuộc sống với đầy nỗi lo cơm áo gạo tiền ở nơi Sài Gòn lắm bon chen. Ba người nhà chị dắt díu nhau về quê vợ ở, bởi đơn giản nhà anh có tới 9 anh chị em, cha mẹ anh nghèo, ruộng vườn thì ít nên cũng không có việc gì cho anh làm. Mà về nhà nội với bản tính lười nhác như vợ anh thì cũng chẳng ở được bao lâu.
Về nhà ngoại, chị quẳng gánh nặng cơm áo gạo tiền lên vai chồng. Hễ rảnh lúc nào là chị theo mấy chị em trong xóm ra sân bóng chuyền của xóm chơi. Chơi giao lưu xóm rồi xã, rồi các xã lại thách nhau thi đấu. Chị bị cuốn vào những trò hiếu thắng vô bổ, bỏ mặc đứa con nheo nhóc, bẩn thỉu, suốt ngày khóc lóc đòi mẹ.
Đột nhiên một ngày, bố mẹ, chồng con chị chạy tìm chị khắp nơi mà không thấy. Họ đợi hết ngày này sang ngày khác vẫn không thấy chị về. Có người hay đi buôn chuyến trong làng bảo là thấy chị lên chuyến xe đi Sài Gòn rồi. Gặp người đàn bà này, chị ấy hỏi chị nhưng chị bảo là đừng có nói cho ai biết.
Chị đi biệt 3 năm, không hề có tin tức gì, thậm chí ngày sinh nhật của con hay là Tết nhất chị cũng chẳng mò mặt về nhà lấy một lần. Khi nghe tin chị làm gái bán hoa trong một quán cà phê đèn mờ, mẹ chị vào lôi về nhưng chị tránh mặt. Đến khi bà bất lực quá khóc luôn tại quán thì con bạn chị ra bảo bà về quê đi chứ chị không gặp đâu.
Chồng chị biết hết chuyện đó nhưng không thèm hỏi lại mẹ vợ. Anh vẫn làm thợ sửa xe nuôi thằng con đang độ tuổi ăn học. Anh vẫn bảo, dù chị có sai trái gì nhưng nếu chị về xin lỗi chồng, xin lỗi con thì anh cũng sẵn sàng tha thứ, miễn sao con anh có mẹ có bố.
Bạn bè, hàng xóm và ngay cả anh em của chị cũng bảo anh khờ, anh điên. Ai đời si tình gì mà đến mức vợ cắm cả mấy chục cái sừng lên đầu mà vẫn chấp nhận. Thậm chí nhiều người độc mồm độc miệng còn bảo anh sống mà nhục thế thì ra con sông cuối làng nhảy xuống đó chết quách đi còn hơn. Thế nhưng anh vẫn chờ, vẫn tin rồi vợ anh chơi chán cũng sẽ về với bố con anh thôi.
Chờ đợi mãi cũng mỏi mòn, mất hy vọng. Thế nhưng khi anh vừa quen người phụ nữ khác, chị cũng biết và liền gọi điện về nhà cảnh cáo anh “Anh lấy người khác không sợ em về em quậy à? Anh tin không?”.
Anh biết, với giọng điệu, kiểu cách giang hồ đó thì việc gì chị cũng dám làm chứ chẳng phải nói chơi cho vui. Nhưng dù sao con trai anh cũng cần phải có bàn tay người mẹ chăm sóc, anh không thể để đứa con của mình càng ngày càng còi cọc, ốm nheo ốm nhách như thế này mãi được.
Đột nhiên, hôm nay chị lại chủ động gọi điện cho anh. Câu đầu tiên sau mấy năm xa cách, chị bảo:
- Giờ thì anh cũng đã lấy vợ rồi, tôi cũng đã lấy chồng và có đứa con gái gần một tuổi. Giờ tôi phải làm giấy khai sinh cho nó nhưng tôi và chồng tôi bây giờ chưa đăng ký kết hôn nên không làm được.
- Thế cô muốn gì?
- Tôi muốn anh lên xã xác nhận là anh đã có vợ mới và không liên quan tới tôi nữa để tôi còn làm thủ tục.
- Nhưng tôi và cô trước đây có đăng ký kết hôn đâu. Kệ cô, tôi không quan tâm.
- Anh dám?
- Cô đừng mong tôi ký cho cô dù chỉ nửa chữ, loại đàn bà lăng loàn như cô thì cần gì đăng ký kết hôn. Lấy nhau rồi cũng bỏ thôi, việc gì phải đăng ký cho mất công. Cô đừng bao giờ làm phiền tôi nữa!
Chị điên tiết khi biết không thể điều khiển người đàn ông khù khờ dễ dàng như xưa nữa (Ảnh minh họa)
Chị điên tiết khi biết không thể điều khiển người đàn ông khù khờ dễ dàng như xưa nữa. Bấy lâu nay chị có nói với chồng mới là từng lấy chồng nhưng không hề hé răng nửa lời về chuyện chị có đứa con trai với chồng cũ.
Dù chị và chồng có trì hoãn việc đăng ký kết hôn khéo léo đến mức nào thì giờ không làm thủ tục được cho đứa con gái, bố mẹ chồng chị cũng không để yên cho hai vợ chồng. Nhưng biết làm sao được, với bản tính hiền lành như chồng cũ của chị mà giờ cũng mạnh miệng như vậy thì có lẽ mọi chuyện không dễ dàng như chị tưởng?