Tiếc thương một tượng đài quân sự và văn hóa
Chiều 4/10, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Viện quân y 108, nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Mặc dù lường được Đại tướng có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào, nhưng khi hay tin dữ, không ít tướng lĩnh quân đội, cựu chiến binh, các bậc lão thành cách mạng cũng như nhân dân ngỡ ngàng, đau xót.
Không giấu được dòng cảm xúc nghẹn ngào khi nói về vị Đại tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, Trung tướng Phạm Hồng Cư bùi ngùi chia sẻ: “Năm 1911, làng An Xá heo hút ấy đã sinh ra một con người – một trong những người hiếm trên thế giới này đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử”. Ca ngợi người lãnh đạo quân đội xuất sắc của thế hệ mình, ông nói thêm: “Đại tướng là một nhà trí thức luôn tìm tòi suy nghĩ từ thực tiễn, từ đó tìm cách thay đổi thực tiễn. Nếu tướng Giáp không thay đổi chiến thuật từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc (trong trận Điện Biên), có lẽ thế hệ chúng tôi đã nằm lại Mường Thanh năm ấy rồi”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng xúc động nhận xét: “Nói về tướng Giáp vô cùng khó, nhưng theo suy nghĩ của tôi, dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ, trước hết, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng đích thực của nhân dân – vị tướng mà bất cứ điều gì là lợi ích của nhân dân cũng quyết đấu tranh”.
Với những người đã may mắn có dịp gặp gỡ, trò chuyện và tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Thiếu tướng, anh hùng Lê Mã Lương, cảm xúc của ngày gặp Đại tướng như vẫn còn vẹn nguyên. Ông kể: “Khi tôi bước vào tuổi 21, sau trận đánh đường 9 Nam Lào năm 1971, tôi được gặp Đại tướng tại Sở Chỉ huy của mặt trận. Chỉ được gặp Đại tướng 10 phút, nhưng vấn đề đầu tiên để lại trong tôi ấn tượng là khuôn mặt, con người ông thể hiện rõ vẻ nhân văn của một nhà hoạt động văn hóa. Trong ông, dường như chất văn và chất võ đan xen vào nhau. Đó là một giá trị lịch sử vĩnh hằng”. Thiếu tướng, anh hùng Lê Mã Lương bùi ngùi nói thêm: “Có điều Đại tướng không nói thẳng ra, nhưng chúng tôi hiểu: trước khi bắt đầu một trận đánh, điều đầu tiên phải nghĩ đến là tiết kiệm xương máu của người lính. Chúng tôi đã luôn phấn đấu để thực hiện điều ấy”.
Cũng như những người có cơ hội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá, nhà báo Trần Hồng không khỏi hụt hẫng trước tin Đại tướng đã vĩnh viễn về cõi vĩnh hằng. Đại tá Trần Hồng có cơ duyên chuyên chụp ảnh tướng Giáp từ năm 1994 đến nay, và trước khi Đại tướng mất vài hôm, ông cũng có mặt. Nói về nhân cách cao quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tá Trần Hồng cho biết: “Đó là một người tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Khi ông trở về với người dân Quảng Bình, ông trở thành một người ngư dân, một nông dân; còn khi tiếp xúc với các chính khách, ông hoàn toàn là một nhà ngoại giao lỗi lạc. Đặc biệt, khi gặp gỡ đồng bào vùng cao phía Bắc, ông nói chuyện với họ hoàn toàn bằng tiếng dân tộc.”
Người dân không muốn tin tướng Giáp đã ra đi
Kể từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đến giờ, không ít người dân vẫn chưa khỏi bàng hoàng, đau đớn trước sự mất mát đó. Với những người dân bình thường, cảm xúc trước một tượng đài lịch sử vừa giã từ dương thế là quá sức chịu đựng.
Nhìn tướng Giáp ở góc độ một sử gia, nhà sử học Dương Trung Quốc tâm sự: “Trước hết, tôi nhìn ông với tư cách là một nhân vật của lịch sử, là một đối tượng mà lịch sử phải nghiên cứu, lịch sử phải ghi nhận; nhưng gần gũi hơn, ông còn là một thầy giáo dạy sử. Ông thật sự không chỉ là con người góp phần làm nên lịch sử mà còn thực sự là một nhà sử học lớn. Chúng ta có thể thấy, sau những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng lực lượng quân đội, ông cũng là người tự mình tổ chức và viết tổng kết chiến tranh, tổng kết lý luận và thực tiễn và đặc biệt là với bộ hồi ký đồ sộ của ông – một hồi ký không phải viết về mình mà coi mình như một nhân chứng, một người tham gia chiến tranh…”
Một phụ nữ Hà Nội khi được thông báo tin của tướng Giáp đã như muốn khuỵu xuống. Rưng rưng nước mắt, bà nói mà như nghẹn lời: “Tôi bàng hoàng, sửng sốt quá. Không thể tưởng tượng được là cụ đã ra đi. Có lẽ bất cứ người dân Việt Nam nào nghe tin này cũng cảm thấy sững sờ như tôi. Thế hệ của chúng tôi luôn coi cụ là tấm gương về trí tuệ cao rộng, đạo đức sáng ngời và tâm hồn nhân hậu. Tôi không biết dùng lời lẽ gì để diễn tả hết tấm lòng kính trọng và xót xa trước sự ra đi của cụ. Nói đến cụ là nói đến cả một quá khứ hào hùng của dân tộc. Tôi nghĩ, điều đáng khâm phục nhất ở cụ, bên cạnh là một nhà quân sự lỗi lạc xuất thân từ một gia đình có nền nếp còn là sự dung dị, trong sáng, gần gũi với nhân dân”.
"Tôi không thể tin cụ đã ra đi".
Cũng vừa được thông báo tin dữ, bác Lương Hữu Bình (Thái Thịnh, Đống Đa) bất ngờ không kém. Bác cho hay: “Dù biết cụ đã nằm bệnh mấy năm rồi, nhưng nghe tin vẫn thấy sự ra đi ấy đột ngột quá! Trước đây, tôi có dịp tham gia một số phòng tuyến, công trình xây dựng quốc phòng, đã từng mong muốn được cầm tay, ôm hôn cụ một lần, nhưng giờ thì không được nữa rồi…”
Không sống trong thời chiến tranh nhưng nhiều người trẻ cũng cho biết, họ cảm thấy hụt hẫng và tiếc nuối trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhiều người trẻ cũng thấy hụt hẫng trước tin dữ về Đại tướng.
Anh Nguyễn Huy Trinh (Phương Mai, Đống Đa) xúc động cho hay: “Người là một lãnh đạo tinh thần, điểm tựa cho các nhà lão thành cách mạng cũng như thanh niên nhiều thế hệ, là một trong những Đại tướng kiệt xuất của thế giới. Tôi nghĩ, Đại tướng từ trần không phải là mất mát của riêng cá nhân, gia đình nào mà có lẽ là nỗi đau của cả đất nước”.
Anh Nguyễn Huy Trinh.
Anh Nguyễn Huy Trinh.
Hai cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Minh Hà và Phạm Hương Linh ít được biết những câu chuyện về cuộc đời và cống hiến của Đại tướng, nhưng cũng không khỏi xúc động trước tin buồn.
Khi được hỏi về sự ra đi của Đại tướng....
... Phạm Hương Linh không khỏi xúc động.
Bạn Nguyễn Ngọc Minh Hà.
Họ chia sẻ: “Thật tiếc khi nhìn thấy một vị tướng tài của dân tộc đã rời bỏ trần gian. Chúng em xin gửi lời chia buồn với gia đình và những người thân của Đại tướng”.
Khi được hỏi về sự ra đi của Đại tướng....
Bạn Nguyễn Ngọc Minh Hà.
Anh Nguyễn Quang Cường, một nhân viên ngân hàng công tác ở Hải Phòng chưa kịp cập nhật tin buồn về Đại tướng đã lặng người đi khi nghe chúng tôi nói. Anh nghẹn ngào: “Sự hy sinh, cống hiến của Đại tướng cho quân đội, cho hòa bình đất nước là bất hủ, mãi mãi còn lại trong tâm khảm chúng ta. Chúng ta có thể sống trong thời hòa bình như hiện nay là nhờ sự hy sinh của hàng nghìn, hàng vạn con người thế hệ trước, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Anh Nguyễn Quang Cường
Anh Nguyễn Quang Cường
Với Phạm Chí Hiếu, một sinh viên trường Nghệ thuật quân đội, sự ra đi của Đại tướng để lại trong lòng những cảm xúc mãnh liệt. Bố mẹ Hiếu đều từng tham gia chiến tranh, mẹ là thanh niên xung phong còn bố đã từng đi B nên từ nhỏ, Hiếu hay được nghe mẹ kể những chuyện lấy thân mình làm hoa tiêu cho ô tô qua Trường Sơn, cảnh chạy bom, vì thế, Hiếu phần nào hình dung được sự gian khổ, cơ cực của chiến tranh. “Có lẽ tôi cũng giống như các bạn trẻ cùng trang lứa, không sống trong thời chiến tranh, nhưng qua báo đài, sách lịch sử, tôi cũng biết cụ là một vị tướng vĩ đại được không chỉ người Việt mà cả thế giới kính phục, ngưỡng mộ. Tôi biết tin ngay từ tối qua và đã chia sẻ thông tin qua Facebook cũng như đổi hình “tường” Facebook bằng hình ảnh của cụ”.
Bạn Phạm Chí Hiếu
Bạn Phạm Chí Hiếu
Phillip, một du khách Pháp đang dừng chân ở Hà Nội vài ngày và tìm đường lên thăm Điện Biên cũng sửng sốt khi hay tin về Đại tướng. Anh thốt lên: “Lạy Chúa! Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất ư? Tôi xin phép được chia buồn với các bạn. Ông ấy là một con người thực sự vĩ đại. Tôi muốn đến thăm Điện Biên cũng vì được nghe những câu chuyện đáng ngưỡng mộ của ông ấy…”
Philiip - một du khách Pháp cũng không khỏi ngỡ ngàng khi hay tin Đại tướng từ trần.
Philiip - một du khách Pháp cũng không khỏi ngỡ ngàng khi hay tin Đại tướng từ trần.